Yên Bình: Nỗi lo bùng phát bệnh dại

  • Cập nhật: Thứ tư, 2/6/2010 | 3:05:49 PM

YBĐT - Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2010, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã xảy ra 2 trường hợp tử vong do bị chó dại cắn ở 2 xã Yên Thành và Yên Bình. Các xã lân cận cũng đang trong tình trạng báo động nguy cơ bùng phát bệnh dại.

Do nhận thức của cà con còn thấp, cùng với sự hiểu biết không đầy đủ về bệnh dại nên nhiều người dân bị chó cắn thường chủ quan không tiêm phòng vac xin chó dại.
Do nhận thức của cà con còn thấp, cùng với sự hiểu biết không đầy đủ về bệnh dại nên nhiều người dân bị chó cắn thường chủ quan không tiêm phòng vac xin chó dại.

Mặc dù cơ quan chức năng trong huyện đang nỗ lực khống chế sự lây lan ra diện rộng, song điều đáng nói là nhiều người dân vẫn chưa có những chuyển biến trong nhận thức về mối nguy hiểm của bệnh dại, đặc biệt trong điều kiện thời tiết nóng như hiện nay.

Người dân thờ ơ, chủ quan

Những người dân ở thôn Trung Tâm, xã Yên Bình (huyện Yên Bình) vẫn chưa hết day dứt vì cái chết của chị Vũ Thị Phúc 41 tuổi, do bệnh dại. Theo y sỹ Hoàng Trọng Phiếm - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Yên Bình: khoảng tháng 12/2008 sau khi ngủ dậy, chị Phúc ra mở cổng, bất ngờ bị một con chó lạ lao đến cắn vào 1/3 mặt sau cẳng chân phải, gây xước da chảy máu. Ngay sau đó, vết thương được rửa bằng xà phòng và khoảng mười ngày sau chị đến Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Yên Bái tiêm vắc-xin phòng dại, nhưng tiêm được 2 mũi thì chị bỏ dở không tiêm nữa. Đến tháng 3 năm 2010 chị bị con chó con của gia đình nuôi cắn vào đầu ngón tay chảy máu, con chó chưa được tiêm vắc-xin phòng dại nhưng 15 ngày sau thấy con chó vẫn sống bình thường nên chị cũng không đi tiêm phòng.

Cho đến ngày 19/5, chị Phúc có triệu chứng buồn nôn, người khó chịu, cảm giác tê dại hai chân, buốt dọc sống lưng, sợ tiếng động, sợ gió, sợ nước, sợ ánh sáng. Gia đình đã đưa chị đi bệnh viện khám và điều trị nhưng chị tử vong vào 23 giờ cùng ngày.

Theo chẩn đoán của bệnh viện, bệnh nhân tử vong do bệnh dại. Còn trường hợp của bà Nguyễn Thị Hồng ở thôn 1, xã Yên Thành bị chó hàng xóm cắn vào môi và sau đó nó đã cắn liên tiếp 2 người nữa cùng thôn. Bà Hồng được gia đình đưa đến Trạm Y tế xã khâu vết thương. Cán bộ Trạm Y tế xã đã giải thích, khuyên gia đình đưa bà đi tiêm phòng ngay, nhưng không hiểu vì lý do gì mà bà Hồng không được đi tiêm phòng.

Gần 1 tháng sau (vào 12/3) bà Hồng có biểu hiện lên cơn dại, vật vã và  tử vong. Còn 2 trường hợp còn lại, dù đã được cán bộ y tế giải thích cặn kẽ, tư vấn đi tiêm phòng nhưng chỉ có một trường hợp đi tiêm vắc-xin ngay, trường hợp còn lại vẫn "án binh bất động".

Theo  một số hộ dân gần nhà bà Hồng thì sau khi cắn 3 người, con chó cắn bà Hồng đã được đem mổ thịt ăn. Qua tìm hiểu từ đầu năm đến nay, xã Yên Bình đã có 9 trường hợp bị chó cắn, hầu hết những con chó này chưa được tiêm vắc-xin phòng dại. Nhiều con chó đã chết nhưng trong số 9 người bị cắn vẫn có người không đi tiêm phòng, có người đang tiêm thì bỏ dở. Nhiều người vẫn còn tin vào những ông thầy lang rằng, thuốc nam có thể chữa được bệnh dại trong khi chỉ có tiêm vắc-xin phòng bệnh dại mới là cách duy nhất để giữ được mạng sống con người đã mang trong mình vi rút dại.

Có thể nói, trên địa bàn huyện đã có người tử vong vì bệnh dại, đồng nghĩa với việc mầm mống của bệnh dại đã xuất hiện và khả năng gây hại trên diện rộng là rất cao.

Khó khăn trong công tác phòng chống

Ông Bùi Hoàng Thạc - Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Yên Bình cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện Yên Bình có trên 30 nghìn con chó, chỉ có 10% trong số đó được tiêm vắc-xin phòng dại. Mặc dù đã được cơ quan chức năng triển khai nhiều biện pháp như: tuyên truyền, vận động song người dân vẫn thờ ơ .

Hiện nay, Trạm gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêm vắc-xin phòng dại cho đàn chó, nguyên nhân lớn nhất là do nhận thức của người dân còn thấp. Họ nuôi chó, song không chăm sóc, không gần gũi, không nuôi nhốt nên khi cán bộ thú y đến thì chính người chủ nuôi chó cũng không bắt được để tiêm phòng.

Khi cán bộ thú y hẹn hôm sau tới thì người dân vẫn, không nhốt lại và có những gia đình còn tiếc tiền (trong khi mỗi mũi tiêm chỉ mất 17.000 đồng) nên khi đến thì họ đã không hợp tác lại còn buông những lời nói thiếu trách nhiệm: "Các anh bắt được nó thì các anh tiêm". Bên cạnh đó, người dân phần lớn không thực hiện nghiêm túc việc tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi.

Nhiều chủ hộ không chấp hành quy định nuôi chó phải nhốt, xích, chó ra đường phải có rọ mõm, phải diệt chó chạy rông và chó vô chủ, tổ chức bắt giữ, tiêu hủy chó, mèo thả rông khi có bệnh dại xảy ra tại địa phương... Vì vậy, khi mầm mống dịch xuất hiện, việc khống chế không để lan ra diện rộng gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Bùi Văn Thành - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Yên Bình cũng cho biết: "Rất khó khăn trong việc tiêm vắc-xin phòng dại cho người bị chó cắn! Do nhận thức của cà con còn thấp, cùng với sự hiểu biết không đầy đủ về bệnh dại nên nhiều người dân bị chó cắn thường chủ quan không tiêm phòng hoặc chỉ tìm các ông thầy lang để "xét nghiệm" trừ trường hợp quá nặng mới đưa vào trạm y tế xã để được tư vấn dẫn tới tình trạng có người tiêm được 2 đến 3 mũi rồi bỏ dở, dẫn đến những cái chết rất thương tâm.

Khó khăn nữa là mỗi liều vắc-xin lên đến gần 1 triệu đồng, đây là số tiền khá lớn nhất là đối với đồng bào vùng cao, vùng sâu vùng xa, do đó có người muốn tiêm, song cũng không có đủ khả năng, đành phó mặc cho số phận...".

Được biết, 1 con chó mang vi rút dại có thể di chuyển từ 30 - 50 km từ khi phát hiện đến khi chết và trong quá trình di chuyển đó, nó có thể điên cuồng cắn và truyền bệnh cho bất cứ ai hoặc con vật nào trước khi chết. Có những con chó chỉ bỏ ăn, nằm một chỗ nhưng chỉ cần nước dãi của nó tiếp xúc với vết trầy xước trên cơ thể người đều có thể lây nhiễm. Có thể nói, bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây bệnh ở động vật và người.

Khi động vật mắc bệnh dại cào, cắn, liếm vào người, vi rút từ nước bọt sẽ lây truyền qua da và niêm mạc bị tổn thương. Nếu trong quá trình tiếp xúc như khi giết mổ chó, mèo bị bệnh dại, chân tay có vết trầy xước thì vi rút dại cũng sẽ qua đó thâm nhập vào cơ thể người. Riêng trong năm 2007, ở huyện Yên Bình có 10 trường hợp tử vong do lên cơn dại thì có ít nhất 3 trường hợp ở các xã Bảo Ái, Cảm Ân không có tiền sử bị chó cắn.

Cần nỗ lực của cả cộng đồng

Thời gian qua, các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn của huyện Yên Bình đã chỉ đạo tất cả 26 xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân nâng cao hiểu biết cũng như các biện pháp phòng chống bệnh dại; kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống bệnh dại, phân công nhiệm vụ cho các thành viên ban chỉ đạo tham gia công tác phòng chống bệnh dại tại địa phương; tuyên truyền, tư vấn kịp thời cho các đối tượng bị có mèo nghi nhiễm bệnh dại cắn để đi tiêm phòng kịp thời...

Riêng ở xã Yên Bình, ngay sau khi trường hợp chị Vũ Thị Phúc bị chó dại cắn dẫn đến tử vong, Trung tâm Y tế đã phối hợp với các ngành chức năng, thành lập đoàn kiểm tra rà soát lại toàn bộ số chó trên địa bàn; yêu cầu nhốt xích đúng quy định. Đồng thời, tiếp tục tổ chức tiêm phòng vắc-xin cho đàn chó, mèo tại địa phương...

Tuy nhiên, để công tác phòng chống bệnh dại đạt hiệu quả cao ngoài sự nỗ lực của cơ quan chức năng rất cần sự vào cuộc của cả cộng đồng. Người dân cần quan tâm đến việc tiêm phòng dại cho đàn chó, đặc biệt khi bị chó cắn cần đến các trạm y tế để được tư vấn tránh, những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

 Phong Lan

Các tin khác

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 27/2024/TT-BTC quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc thuộc lĩnh vực tài chính tại chính quyền địa phương.

Cán bộ Sở Tư pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), ngày 1/6/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái ban hành Chỉ thị số 14 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tuyên truyền, PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân. Sau 3 năm triển khai thực hiện, công tác PBGDPL đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Thị xã Nghĩa Lộ phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động.

Từ năm 2020 - 2023, thị xã Nghĩa Lộ đã tuyển sinh và đào tạo nghề cho gần 6.000 người.

Chi bộ Cơ quan Hội LHPN tỉnh sinh hoạt chi bộ tháng 5/2024, chuyên đề “Những đóng góp của phụ nữ Yên Bái trong Chiến dịch Điện Biên Phủ”.

Giữa những ngày cả nước cùng hướng về Điện Biên, cùng rộn rã khí thế kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chi bộ Cơ quan Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã có buổi sinh hoạt chi bộ chuyên đề đầy ý nghĩa, như một hoạt động thiết thực, ý nghĩa kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ của cơ quan Hội LHPN tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục