Đại học - không phải là con đường duy nhất vào đời
- Cập nhật: Thứ sáu, 13/8/2010 | 2:55:35 PM
YBĐT - Trên thực tế, có rất nhiều sự lựa chọn cho các thí sinh nếu chẳng may thi trượt đại học. Điều quan trọng, mỗi người phải tự biết chọn hướng đi đúng, phù hợp với bản thân.
Một giờ học của lớp sửa chữa ô tô trường cao đẳng nghề Yên Bái.
|
Kỳ thi đại học, cao đẳng được coi là bước ngoặt cuộc đời của mỗi cô cậu học trò sau 12 năm đèn sách. Từ xưa tới nay, nhiều người suy nghĩ rằng, đỗ vào đại học coi như là đã bước một chân vào ngưỡng cửa tương lai tươi sáng. Nhưng trên thực tế, có rất nhiều sự lựa chọn cho các thí sinh nếu chẳng may thi trượt đại học. Điều quan trọng, mỗi người phải tự biết chọn hướng đi đúng, phù hợp với bản thân.
Đến nay, hầu hết các trường đã công bố điểm thi và điểm chuẩn. Ngưỡng cửa đại học dần hé mở với một số thí sinh nhưng ngưỡng cửa tương lai tươi sáng không phải đã khép lại với những thí sinh thi trượt kỳ thi này. Chọn hướng đi nào khi thi trượt đại học là câu hỏi của không ít thí sinh và các bậc phụ huynh.
1. Tiếp tục ôn thi: “Phục thù” năm sau là sự lựa chọn của tương đối nhiều thí sinh thi trượt đại học. Có nhiều cơ hội và nhiều thời gian cho các bạn ôn thi tiếp. Đôi khi, các bạn “lớp 13” - cách gọi của những lớp ôn thi dành cho những bạn thi trượt đại học - lại có nhiều lợi thế hơn hẳn các bạn khóa sau. Thứ nhất là về thời gian ôn thi. Các bạn có cả một năm để tập trung vào học ba môn thi đại học mà không phải lo lắng trả bài các môn học khác. Thứ hai là các bạn đã có kinh nghiệm trong thi cử. Thứ ba là các bạn có thừa một ý chí quyết tâm, nghị lực cao để “phục thù”.
Tuy nhiên, theo thầy Trần Cảnh Huy - giáo viên Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (thành phố Yên Bái) thì: “Các em phải xác định được lực học của mình để chọn trường cho phù hợp. Và điều quan trọng là xem khả năng của mình có đủ để thi đại học hay không. Nếu không đủ khả năng thì dừng lại để chọn cho mình một hướng đi khác để không mất thời gian, không tốn kém tiền của của gia đình và không mất đi các cơ hội khác. Các em phải nhớ, đại học không phải là con đường duy nhất vào đời”.
2. Học nghề: Trên thế giới, các bạn trẻ sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông nếu không may mắn có một suất tại giảng đường đại học thì học nghề là con đường để tiến thân và lập nghiệp bền vững. Song trên thực tế, nhiều bạn trẻ ở nước ta chưa thực sự coi học nghề là hướng đi để bước vào tương lai tươi sáng. Theo nhiều báo cáo về nguồn nhân lực của các ngành chuyên môn, hiện nay, ở Việt Nam và ngay ở tỉnh Yên Bái, nguồn công nhân kỹ thuật, công nhân lành nghề rất thiếu và rất yếu, không đáp ứng được yêu cầu phát triển của kinh tế - xã hội. Tại Yên Bái, hiện có 2 trường nghề: Trường Cao đẳng Nghề Âu Lạc và Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái cung cấp cho các bạn những kiến thức để trở thành những kỹ thuật viên, có thể kiếm được những công việc phù hợp, có thu nhập.
Trường Cao đẳng Nghề tỉnh Yên Bái năm học 2010 - 2011 được UBND tỉnh giao chỉ tiêu tuyển mới đào tạo 2.485 học viên ở các hệ cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề và liên kết đào tạo đại học, liên thông đại học. Trong đó, có 545 chỉ tiêu được cấp kinh phí đào tạo. Trường tuyển sinh nhiều đợt trong năm theo từng hệ đào tạo. Nhà trường hiện đào tạo 15 ngành nghề gồm: hàn, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, gia công cắt gọt kim loại, kỹ thuật xây dựng, kế toán doanh nghiệp, công nghệ ô tô, điện dân dụng, công nghệ thông tin, vận hành máy xúc, chế tạo thiết bị cơ khí, sửa chữa xe máy...
Theo ông Hồ Quang Thái - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái thì: “Nhà trường đang tuyển sinh đợt 1 năm học 2010 - 2015 vào các hệ của nhà trường từ ngày 17/8. Đặc biệt, sau khi tốt nghiệp hệ cao đẳng của trường có thể theo học liên thông cấp bằng đại học tại một số trường đại học theo chuyên ngành”. Cũng theo ông Thái, hình thức tuyển sinh của nhà trường chủ yếu là xét điểm theo học bạ trung học phổ thông đối với hệ cao đẳng và trung cấp và bằng tốt nghiệp trung học cơ sở với hệ sơ cấp. Nhiều khóa học sinh của nhà trường tốt nghiệp đã có việc làm và thu nhập ổn định, trong đó không ít học sinh tiếp tục học tập, nâng cao trình độ chuyên môn và hiện đang làm kỹ thuật viên giám sát tại các công ty, doanh nghiệp của tỉnh.
Cùng với các trường cao đẳng nghề, trên địa bàn tỉnh còn có những cơ sở đào tạo nghề theo dạng truyền nghề như sửa chữa xe máy, sửa chữa điện thoại, may đo, làm đẹp, nghề thủ công truyền thống… Thầy Trần Cảnh Huy cũng cho biết thêm: “Không phải khi lập nghiệp, tất cả mọi người đều học đại học. Có những học sinh tư duy suy luận rất tốt nhưng cũng có những em tư duy thực hành tốt hơn. Do đó, với những em có tư duy thực hành tốt thì sẽ rất thích hợp với học nghề”.
Có nhiều sự lựa chọn nghề theo sở thích và điều kiện của mỗi bạn để bước vào tương lai. Đừng bi quan nếu bạn nhận được kết quả thi đại học không tốt vì còn có rất nhiều sự lựa chọn, nhiều hướng đi thích hợp dành cho bạn!
Minh Tư
Các tin khác
YBĐT - Ở thôn Khe Ron, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên (Yên Bái) có một đôi vợ chồng nhận con nuôi mà sống rất hạnh phúc không kém những người đã có con do chính mình sinh ra. Đó chính là vợ chồng anh, chị Hờ A Chống và Sùng Thị Sua.
YBĐT - Đã mười tám năm trôi qua kể từ ngày Nông trường quốc doanh Thanh Niên (nay thuộc thôn Tân Lập, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình) nổi lên phong trào đào đá quý. Người dân tứ xứ đổ về, trai làng phần lớn đều lên bãi đá.
Kết luận số 1942/KL-TTCP-V.III của Thanh tra Chính phủ về "Việc quản lý, dự trữ lưu thông thuốc quốc gia phục vụ công tác phòng, chữa bệnh cho nhân dân do Bộ Y tế chủ trì" vừa được công bố cho thấy những khoảng trống trong công tác này.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ ngày 18-9-2010 sẽ áp dụng việc miễn thử nghiệm, khảo nghiệm đối với các trường hợp thuốc thú y sản xuất hoàn toàn theo sản phẩm gốc (thuốc Generic); thuốc mang tên gốc (đối với thuốc dược phẩm, hóa chất); thuốc thú y nhập khẩu (trừ vắc xin) đã được phép lưu hành ở Mỹ, Nhật Bản, Úc, Canada và châu Âu.