Hệ lụy của căn bệnh thế kỷ
- Cập nhật: Thứ sáu, 13/8/2010 | 2:49:00 PM
YBĐT - Đã mười tám năm trôi qua kể từ ngày Nông trường quốc doanh Thanh Niên (nay thuộc thôn Tân Lập, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình) nổi lên phong trào đào đá quý. Người dân tứ xứ đổ về, trai làng phần lớn đều lên bãi đá.
Không còn sự phân biệt kỳ thị giữa những người có AIDS và người dân ở thôn Chao Hạ, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ.
|
Sự nhốn nháo, xô bồ nơi đây được tô đậm thêm khi có sự góp mặt của gái mại dâm và các đối tượng mua bán, sử dụng ma tuý. Chẳng mấy chốc cơn lốc ma tuý, HIV tràn qua quét sạch sự bình yên vốn có của xóm nhỏ này. Giờ đây thôn Tân Lập không còn bãi đá, cũng không còn người đi đào đá quý nhưng những hệ luỵ thời ấy vẫn hiện hữu, ám ảnh, dày vò người dân xóm núi.
Ảm đạm thôn miền núi
Từ những năm 1992, sau khi Nông trường quốc doanh Thanh Niên giải thể, tệ nạn ma tuý, mại dâm nhanh chóng lan rộng trên mảnh đất này. Năm 1999, thôn Tân Lập được thành lập, nhưng Tân Lập còn được gọi bằng một cái tên khác “xóm si đa”. Sự yên bình ở một thôn nơi vùng núi nhanh chóng mất đi bởi hàng chục người trong thôn bị nhiễm HIV. Nạn nhân không chỉ có đàn ông mà còn có cả phụ nữ và trẻ em. Người dân trong thôn hoang mang, lo sợ khi HIV/AIDS bủa vây mình. Con số những người nhiễm HIV cứ ngày một tăng lên. Ban đầu cả người nhiễm bệnh và người nhà của họ đều giấu không muốn người khác biết chuyện. Nhưng rồi dần dần tình trạng ấy càng trở lên phổ biến, tất cả đều công khai chuyện của mình. Trong thôn có gia đình con trai, con dâu, cháu đều là nạn nhân của HIV.
Danh sách những người chết vì nghiện, vì HIV/AIDS ở thôn Tân Lập được mở đầu bằng tên Hoàng Văn Sơn, dân tộc Tày. Khoảng 3 năm sau ngày Sơn chết, chị Nguyễn Thị Bình, vợ Sơn cũng chung số phận với chồng. Tiếp sau vợ chồng Sơn - Bình là những cái tên Nguyễn Văn Thiêm, Tạ Quang Trung, Nguyễn Văn Thắng, Đinh Thị Xuân... Những người nhiễm HIV hiện tại còn sống ở nhà, đi tù hay đi “làm ăn” xa có Tạ Hồng Th, Trần Văn S, Đào Thị H, Nông Đức Ch, Hoàng Thị O, Nguyễn Văn H, Hà Văn H, Nguyễn Thị T.
Hắt hiu những mái đầu bạc
Chúng tôi tìm đến nhà ông bà Tạ Đình Tý, Quản Thị Tư. Ông bà có ba người con trai là Tạ Quang Trung, Tạ Xuân Thuỷ và Tạ Hồng Thái. Trung đã chết, Thuỷ đang thụ án trong tù, còn Thái giờ không rõ ở đâu. Hồi ấy, cả mấy người con của ông đều đòi bỏ học để đi đào đá cho kỳ được. Khi thấy các con sa đà vào tệ nạn ma tuý ông bà đã hết lời khuyên ngăn, nhưng không ai chịu tỉnh ngộ. Năm 2004, thuốc phiện và HIV cướp đi người con trai Tạ Quang Trung của ông bà. Đau đớn về cái chết của con trai chưa nguôi, ông bà lại thêm một lần nữa rụng rời khi hay con dâu mình là Đinh Thị Xuân, vợ của Tạ Hồng Thái cũng đã bị AIDS giai đoạn cuối. Ông Tý nhớ lại: “Thấy người nó có nhiều vết lở loét, gia đình bảo cháu đi làm xét nghiệm, lúc đó người ta bảo nó đã bị AIDS giai đoạn cuối rồi. Cứ cho uống thuốc vào nó lại nôn ra, nó chứ lịm dần và khoảng 10 ngày sau nó mất".
Con dâu chết, để lại cho ông bà đứa cháu nội Tạ Hồng S, sinh năm 1988. Vậy là còn động lực để ông bà cố gắng duy trì chút hơi tàn của mình, những mong bù đắp phần nào cho đứa cháu mồ côi mẹ, “bố có cũng như không”. Bà sợ cháu mình sẽ phải bỏ học giữa chừng khi mà bà đã 71 tuổi, còn ông đã bước vào tuổi 74. Cùng chung nỗi đau, sự lo lắng giống ông Tý, bà Tư, là bà Đoàn Thị Nga mẹ của Nguyễn Văn Thắng. Vốn là công nhân của Nông trường, bà Nga không lập gia đình, chỉ mong có được mụn con để nương tựa tuổi già. Năm 1981, niềm hạnh phúc vỡ oà khi bà sinh được Thắng. Nuôi con khôn lớn, dựng vợ cho con xong bà lại sớm tối chăm nom đứa cháu nội.
Thỉnh thoảng nghe người ta đồn con bà chơi bời, giao du cùng những đối tượng nghiện, bà nạt con, nhưng nghe con quả quyết, trình bày hết sức hợp tình hợp lý: “Nhà mình lấy đâu tiền để con hút thuốc phiện vả lại mẹ đã bao giờ thấy con xin tiền mẹ chưa?"; bà lại yên tâm và tin tưởng con. Cho đến một ngày năm 2003, bà chết ngất khi biết thằng con duy nhất, là lẽ sống của đời bà mắc AIDS. Bà Nga lại sốc khi cầm trên tay kết quả xét nghiệm dương tính với HIV của Nguyễn Thị T con dâu mình.
Nhìn đứa cháu trai 4 tuổi mồ côi cha và cũng sẽ mất mẹ, bà ước mình có thể chết thay các con để chúng nó được sống, để cháu bà không phải chịu cảnh côi cút. Nén lại nỗi đau, bà dồn hết tình yêu thương cho đứa cháu nhỏ. Nhiều khi thấy cháu ngơ ngẩn kêu nhớ bố, nhớ mẹ bà chỉ biết quay mặt đi lau nước mắt. Ôm cháu vào lòng, bà xót xa cho số phận bất hạnh của cháu mình. Bố chết khi vừa tròn 4 tuổi, 6 tuổi mẹ lại bỏ đi, mơ ước của cậu bé thật nhỏ nhoi mà không biết khi nào mới thành hiện thực: “Bố cháu chết rồi, cháu mong mẹ cháu về ở nhà với cháu, cháu muốn được ăn cơm cùng mẹ, được mẹ đưa đi chơi ”.
Trong ngôi nhà tường được ken bằng tre nứa tuềnh toàng, ngoài hai bà cháu bà Nga còn phải trông nom mẹ già năm nay đã 91 tuổi, không còn minh mẫn. Mẹ già, cháu dại, bà không biết có thể lo cho cháu được đến lúc nào. Câu hỏi ngây ngô của con trẻ khiến bà quặn thắt ruột gan: “Nếu không còn bà, cháu ở với ai?”. Đó cũng là điều bà lo nhất khi tuổi đã xế chiều.
Khác với ông Tý, bà Tư, bà Nga, ông Nông Đình Chương và vợ là bà Lương Thị Chiến lại lo cho đứa cháu nội Nông Thị Ch mới lên 4 tuổi. Bố và mẹ của em là Nông Đức Chinh và Đào Thị Hiên hiện đều đang ở trong trại giam vì phạm tội buôn bán, sử dụng ma tuý. Cả hai đều nhiễm HIV và truyền căn bệnh quái ác này sang cho em. Chị gái Ch là Nông Thị Trang (năm nay 10 tuổi) may mắn không nhiễm bệnh đang sống cùng ông bà ngoại. Thời gian trước, có lẽ do được người lớn “dặn dò” nên Trang rất sợ, không dám gần em mình, cứ thấy em đằng trước thì Trang vòng trốn đằng sau. Giờ Trang cũng đã biết nhiều hơn, không còn lẩn tránh em mình, nhưng nhạy cảm của cô bé mới 4 tuổi này khiến cho người lớn phải động lòng trắc ẩn. Ch dường như đã ý thức được bệnh của mình. Mỗi khi chị chơi cùng, Ch đều không đến quá gần, đặc biệt không bao giờ dám thơm chị. Ông Chương tâm sự: “Cháu nó thích đi học lắm, năm nay cháu cũng 4 tuổi rồi, chúng tôi bảo vào năm học tới đây sẽ xin cho cháu đi học, chưa biết cháu nó có được chấp nhận không?”
Mịt mùng tương lai con trẻ
Dẫu rằng nhận thức về HIV/AIDS đã có nhiều thay đổi, giờ đây người dân đã bớt đi sự kỳ thị với người mắc HIV/AIDS, người nhà của bệnh nhân AIDS đã không còn bị xa lánh như trước, dường như nỗi đau có người thân mắc HIV/AIDS không thể san sẻ được. Nỗi niềm của những người như ông Tý, bà Tư, bà Nga, ông Chương, bà Chiến luôn khắc khoải, đau đớn và mông lung. Các cháu sẽ về đâu khi không có bố mẹ chăm nom, không còn ông bà che chở?
Căn bệnh thế kỷ đã cướp đi sinh mạng của quá nhiều người ở thôn Tân Lập, hậu quả lâu dài mà nó để lại chính là tương lai của nhiều đứa trẻ. Những điều quá đỗi bình dị và dường như là hiển nhiên với bạn bè cùng trang lứa thì với S, Đ, Ch lại mãi mãi chỉ là mơ ước không bao giờ trở thành hiện thực. Trong giấc mơ, các em hằng mơ có bố, có mẹ nâng đỡ, chở che.
Tính đến ngày 20/5/2010, HIV/AIDS đã có mặt ở 145/180 xã, phường của 9/9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh với 3.342 trường hợp nhiễm HIV có địa chỉ tại Yên Bái, trong đó có 367/799 trường hợp đã bị tử vong do AIDS. Tỷ lệ hiện nhiễm của Yên Bái là 369,5/100.000 dân, các địa phương có tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS cao nhất là: thành phố Yên Bái 1,05%, thị xã Nghĩa Lộ 0,96%, huyện Văn Chấn 0,48% và huyện Trấn Yên là 0,39%. Đặc biệt là tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS của nam cao gấp 4 lần so với nữ và tỷ lệ trẻ em dưới 13 tuổi bị nhiễm HIV đang có xu hướng gia tăng. |
Phong Lan
Các tin khác
Kết luận số 1942/KL-TTCP-V.III của Thanh tra Chính phủ về "Việc quản lý, dự trữ lưu thông thuốc quốc gia phục vụ công tác phòng, chữa bệnh cho nhân dân do Bộ Y tế chủ trì" vừa được công bố cho thấy những khoảng trống trong công tác này.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ ngày 18-9-2010 sẽ áp dụng việc miễn thử nghiệm, khảo nghiệm đối với các trường hợp thuốc thú y sản xuất hoàn toàn theo sản phẩm gốc (thuốc Generic); thuốc mang tên gốc (đối với thuốc dược phẩm, hóa chất); thuốc thú y nhập khẩu (trừ vắc xin) đã được phép lưu hành ở Mỹ, Nhật Bản, Úc, Canada và châu Âu.
Ngày 12-8, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, vừa có thêm 2 tỉnh là An Giang và Đồng Tháp phát hiện có heo tai xanh. Cụ thể, tại tỉnh An Giang, dịch tai xanh đã xảy ra tại 9 xã, phường của TP Long Xuyên. Tổng số heo mắc bệnh là 2.144 con của 166 hộ gia đình. Tại tỉnh Đồng Tháp, dịch tai xanh đã xảy ra tại 4 xã, phường thuộc các huyện Lấp Vò, Tân Hồng và TP Cao Lãnh. Tổng số heo bị mắc bệnh là 78 con trong tổng đàn 81 con, trong đó có 60 con đã chết hoặc phải tiêu hủy.
YBĐT - Cũng như nhiều cơ sở Đoàn khác trong huyện Trạm Tấu (Yên Bái), những năm qua phong trào thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế xoá đói giảm nghèo của Đoàn xã Pá Hu luôn được chú trọng và đổi mới. Tuy vậy hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên ở đây vẫn gặp phải không ít khó khăn trong công tác tập hợp thanh niên.