Bộ Y tế thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ về dự trữ lưu thông thuốc quốc gia: Bảo đảm không thiếu thuốc chữa bệnh

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/8/2010 | 8:31:06 AM

Kết luận số 1942/KL-TTCP-V.III của Thanh tra Chính phủ về "Việc quản lý, dự trữ lưu thông thuốc quốc gia phục vụ công tác phòng, chữa bệnh cho nhân dân do Bộ Y tế chủ trì" vừa được công bố cho thấy những khoảng trống trong công tác này.

Khách hàng mua thuốc tại nhà thuốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Khách hàng mua thuốc tại nhà thuốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Kế hoạch dự trữ lưu thông thuốc (DTLT) là một chủ trương đúng và cần thiết song lại là nhiệm vụ mới của ngành y tế. Để lấp đầy những khoảng trống đó, đặc biệt là xây dựng các văn bản pháp quy phù hợp với thực tế, ngày 10-8, Bộ Y tế đã họp triển khai thực hiện Kết luận 1942 với quyết tâm không bao giờ thiếu thuốc chữa bệnh cho nhân dân.

Chủ trương đúng, triển khai còn chậm

Kế hoạch DTLT được xây dựng nhằm chủ động dự trữ thuốc, bảo đảm luôn có cơ số thuốc DTLT với chất lượng tốt, giá cả hợp lý cung ứng đủ, kịp thời cho công tác phòng, chữa bệnh, góp phần bình ổn thị trường dược phẩm. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 110/2005/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch DTLT thuốc quốc gia, Bộ Y tế đã chủ động và chỉ đạo các doanh nghiệp tham gia công tác DTLT thuốc, mua thuốc chất lượng dự trữ. Lượng dự trữ thuốc bảo đảm cơ số sử dụng trong thời gian 45 ngày với cơ chế các doanh nghiệp được vay tiền ngân hàng để mua đủ cơ số thuốc DTLT theo yêu cầu, ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay; ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí nâng cấp, cải tạo, mở rộng kho, đầu tư công nghệ thông tin, mua sắm trang thiết bị bảo quản thuốc DTLT. Những nỗ lực này nhằm, bước đầu tập trung dự trữ các nguồn thuốc cần cho nhu cầu điều trị và đang bị các công ty nước ngoài độc quyền phân phối; tiếp theo sẽ phát triển ngành công nghiệp dược trong nước, chuyển thế bị động trong cung ứng thuốc sang thế chủ động trên cơ sở tự sản xuất trong nước, giảm dần, tiến tới mục tiêu không lệ thuộc vào nước ngoài cả về số lượng, chủng loại, giá cả đối với thuốc thành phẩm và nguyên liệu thuốc...

Những khó khăn trong thực hiện một nhiệm vụ công tác mới khiến cho quá trình triển khai kế hoạch của Bộ Y tế chậm so với tiến độ đặt ra. Mặc dù, qua kiểm tra, thuốc DTLT đều được 3 doanh nghiệp mua bảo đảm chất lượng và được bảo quản trong kho đạt tiêu chuẩn quy định, thuốc dự trữ được luân chuyển thường xuyên, bảo đảm chất lượng, hạn sử dụng nhưng lượng thuốc tồn kho tại thời điểm ngày 31-12 hàng năm, sau khi xuất bán thuốc, thì đều chưa đủ số lượng để có thể duy trì 100% cơ số thuốc cần dự trữ. Số tiền 3 doanh nghiệp vay ngân hàng để phục vụ công tác DTLT thuốc đều được bảo toàn, không thất thoát, lãi suất vốn vay ngân hàng do ngân sách nhà nước hỗ trợ được sử dụng để trả lãi vay. Tuy nhiên, khi duyệt hỗ trợ lãi vay của 3 doanh nghiệp, Cục Quản lý Dược chưa soát xét hồ sơ chặt chẽ, dẫn đến số lượng thuốc dự trữ vượt cơ số được duyệt và chủng loại thuốc nằm ngoài danh mục được duyệt với số tiền vượt là 27.561,336 triệu đồng. Số lãi vay phát sinh tương ứng số tiền vay sử dụng sai mục đích nêu trên là 2.821,185 triệu đồng. Những vấn đề tồn tại này sẽ sớm được khắc phục như kết luận của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu tại cuộc họp ngày 10-8 : Các doanh nghiệp tham gia thực hiện DTLT thuốc nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc triển khai dự trữ thuốc; đối với khoản lãi vay đã thực hiện ngoài danh mục, vượt cơ số, các doanh nghiệp nộp lại Nhà nước theo quy định. Vấn đề còn tồn tại rút ra từ việc triển khai kế hoạch DTLT thuốc quốc gia, cũng như tiếp thu kết luận của Thanh tra Chính phủ là "một số nội dung quy định tại các văn bản pháp quy của Bộ còn chưa phù hợp với thực tế triển khai thực hiện, cần sớm rà soát, sửa đổi để tăng tính khả thi và hiệu quả của kế hoạch", Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu nhấn mạnh.

Hoàn thiện hành lang pháp lý để dự trữ tốt hơn

Một số điểm bất hợp lý đã được chỉ ra sau khi thanh tra như theo quy định tại Quy chế sử dụng thuốc DTLT của Bộ Y tế thì việc thiếu thuốc chỉ được xác định khi có 30% BV thiếu từ 30% thuốc trong danh mục dự trữ trở lên trong thời gian ít nhất là 15 ngày nhưng trên thực tế, không thể xảy ra tình trạng trên vì chỉ cần thiếu thuốc như thế trong 1 đến 2 ngày BV sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Hay cũng tại quy chế trên, việc biến động giá thuốc được xác định khi có từ 30% thuốc trong danh mục DTLT tăng giá 20% so với trước khi biến động, nhưng thực tế cho thấy, trong những năm qua, giá thuốc cơ bản đều tăng, song mức tăng đều ở dưới một con số. Vì thế, việc dùng thuốc DTLT để bình ổn giá thuốc khi phải có đến 30% thuốc đã tăng 20% giá là chậm. Thêm nữa, mặc dầu Bộ Y tế quy định các cơ sở khám chữa bệnh nhà nước có trách nhiệm tham gia luân chuyển thuốc DTLT bằng các hợp đồng mua bán thuốc với 3 công ty nếu giá thuốc đấu thầu được duyệt của bệnh viện cao hơn hoặc bằng giá bán thuốc thuộc danh mục thuốc DTLT nhưng qua kiểm tra cho thấy 3 doanh nghiệp này đều phải tuân thủ các quy định về đấu thầu như các đơn vị khác. Các cơ sở khám chữa bệnh cũng không tham gia luân chuyển thuốc. Đây là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp này không thực hiện dự trữ các mặt hàng thuốc thuộc nhóm thuốc chuyên khoa đặc trị trong khi họ phải chịu trách nhiệm luân chuyển và bảo toàn vốn vay.

Những điểm tồn tại này cũng như kết luận của Thanh tra Chính phủ đã được lãnh đạo ngành y tế và các đơn vị có liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã kết luận tại cuộc họp triển khai thực hiện Kết luận của Thanh tra Chính phủ: "Các đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ hơn trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện kế hoạch; trong công tác xây dựng kế hoạch, phân bổ, tính toán hỗ trợ lãi suất, cơ chế mua thuốc, bảo quản thuốc DTLT, tính toán nhu cầu và cơ cấu thuốc sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh một cách hợp lý. Lãnh đạo Bộ sẽ sâu sát hơn trong việc đôn đốc, chỉ đạo thực hiện kế hoạch".

(Theo HNMO)

Các tin khác

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ ngày 18-9-2010 sẽ áp dụng việc miễn thử nghiệm, khảo nghiệm đối với các trường hợp thuốc thú y sản xuất hoàn toàn theo sản phẩm gốc (thuốc Generic); thuốc mang tên gốc (đối với thuốc dược phẩm, hóa chất); thuốc thú y nhập khẩu (trừ vắc xin) đã được phép lưu hành ở Mỹ, Nhật Bản, Úc, Canada và châu Âu.

Ngày 12-8, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, vừa có thêm 2 tỉnh là An Giang và Đồng Tháp phát hiện có heo tai xanh. Cụ thể, tại tỉnh An Giang, dịch tai xanh đã xảy ra tại 9 xã, phường của TP Long Xuyên. Tổng số heo mắc bệnh là 2.144 con của 166 hộ gia đình. Tại tỉnh Đồng Tháp, dịch tai xanh đã xảy ra tại 4 xã, phường thuộc các huyện Lấp Vò, Tân Hồng và TP Cao Lãnh. Tổng số heo bị mắc bệnh là 78 con trong tổng đàn 81 con, trong đó có 60 con đã chết hoặc phải tiêu hủy.

Thanh niên tình nguyện mở mới đường dân sinh tại bản Kháo Giếng, xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải trong chiến dịch hè 2010.
(Ảnh: Minh Huấn)

YBĐT - Cũng như nhiều cơ sở Đoàn khác trong huyện Trạm Tấu (Yên Bái), những năm qua phong trào thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế xoá đói giảm nghèo của Đoàn xã Pá Hu luôn được chú trọng và đổi mới. Tuy vậy hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên ở đây vẫn gặp phải không ít khó khăn trong công tác tập hợp thanh niên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu giáo viên sử dụng hợp lý sách giáo khoa khi giảng bài trên lớp, tránh tình trạng yêu cầu học sinh ghi chép quá nhiều, dạy học thuần tuý theo lối “đọc - chép”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục