Trấn Yên: Địa phương điển hình thực hiện Chỉ thị 27
- Cập nhật: Thứ năm, 23/12/2010 | 2:43:50 PM
YBĐT - Trước khi có Chỉ thị 27/CT-TW của Bộ Chính trị (gọi tắt là Chỉ thị 27) và Chỉ thị số 14/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội thì huyện Trấn Yên vẫn còn nhiều bất cập trong lĩnh vực này.
Lực lượng tuyên truyền viên thông tin lưu động là nhân tố quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn minh ở cơ sở.
Trong ảnh: Biểu diễn tiểu phẩm tuyên truyền tại Hội thi tuyên truyền lưu động tỉnh Yên Bái năm 2010.
|
Tình trạng tảo hôn, thách cưới, không đăng kí kết hôn, không khai sinh cho trẻ vẫn diễn ra ở các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vùng thấp, nhiều hộ gia đình có kinh tế khá và kể cả cán bộ, công chức vẫn tổ chức đám cưới rất tốn kém; nghi thức cưới ở nhiều nơi còn rườm rà và lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Các hủ tục trong việc tang phổ biến là ăn uống lãng phí, mở nhạc hiếu quá khuya, đốt và rải nhiều vàng mã… còn tồn tại ở nhiều xã.
Các lễ hội truyền thống trên địa bàn huyện tuy không nhiều song việc tổ chức thường tự phát và bộc lộ những hạn chế: ẩn chứa yếu tố mê tín dị đoan; làm sai lệch nguồn gốc, ý nghĩa truyền thống của lễ hội; có dấu hiệu thương mại hóa và an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, công tác quản lí bất cập...
Một trong những nguyên nhân cơ bản là có nhiều dân tộc sinh sống; trình độ dân trí thấp, không đồng đều; đời sống kinh tế khó khăn… đã tạo nên rào cản trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Ngay sau khi có Chỉ thị 27, UBND huyện Trấn Yên đã giao nhiệm vụ cho một số ban, ngành điều tra, nắm chắc thực trạng việc cưới, việc tang, lễ hội để tham mưu với UBND huyện ban hành quy định về thực hiện Chỉ thị 27; thành lập Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Công tác tuyên truyền được xác định có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Lồng ghép thực hiện Chỉ thị 27 gắn cùng nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với trọng tâm là xây dựng gia đình văn hóa, làng, bản văn hóa và khu dân cư tiên tiến.
Đồng thời, lấy tiêu chí thực hiện tốt Chỉ thị 27 làm cơ sở cho việc công nhận các danh hiệu văn hóa cũng như các danh hiệu thi đua đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Bên cạnh đó, giao cho Huyện Đoàn, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện dựa trên các văn bản hướng dẫn của cấp trên, nghiên cứu điều kiện thực tế, phong tục, tập quán từng dân tộc để xây dựng mô hình điểm về cưới theo nếp sống mới.
Qua mỗi năm, các cơ sở đều được chỉ đạo làm tốt công tác đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm những mặt đã làm được, những vấn đề còn tồn tại; biểu dương những đơn vị, cá nhân thực hiện tốt, khuyến khích mô hình mới và xử lí nghiêm những đơn vị vi phạm.
Với những giải pháp có tính đồng bộ, qua 12 năm thực hiện, Trấn Yên được tỉnh đánh giá là địa phương điển hình trong thực hiện Chỉ thị 27. Việc cưới, việc tang và lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực.
Trong việc cưới, với bình quân khoảng 600 cặp kết hôn /năm nhưng hầu hết đã được tổ chức tiết kiệm, phù hợp với truyền thống, bản sắc của dân tộc và vùng miền.
Việc trao giấy chứng nhận kết hôn tại UBND xã được tổ chức trang trọng, nghiêm túc, đúng pháp luật. Trong buổi đăng kí kết hôn, các cặp đều được tư vấn về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. Tình trạng ăn uống linh đình, thách cưới hay cán bộ tổ chức ăn cỗ cưới vào giờ hành chính giảm hẳn…
Việc tang cũng đã thực hiện nghiêm túc: tình trạng để người chết trong nhà quá giờ quy định hầu như không còn; các nghi lễ 3 ngày, 49 ngày, 100 ngày tổ chức gọn nhẹ trong phạm vi gia đình, họ hàng; sử dụng nhạc tang phù hợp với quy định chung, giữ gìn bản sắc văn hóa từng vùng miền, dân tộc, tôn giáo; hủ tục, mê tín dị đoan được đẩy lùi.
Các sinh hoạt lễ hội cũng có chuyển biến mạnh về nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về nội dung, ý nghĩa các giá trị văn hóa trong mỗi lễ hội. Các di tích lịch sử, văn hóa đã được xác lập hồ sơ xếp hạng hoặc quản lí di tích theo Luật Di sản Văn hóa và khắc phục cơ bản hiện tượng mê tín dị đoan, xu hướng thương mại hóa hoặc làm sai lệch nguồn gốc văn hóa của lễ hội. Trong hoạt động lễ hội đã lồng ghép khôi phục nhiều trò chơi dân gian như: kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, ném còn, đua mảng, đánh cờ người, hát ví… tạo bầu không khí vui tươi, lành mạnh, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
Những bước tiến quan trọng đó đã tạo động lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, quốc phòng - an ninh giữ vững. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã trở thành một trong những nội dung cốt lõi của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn huyện Trấn Yên.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
Các cơ sở giáo dục phải tăng cường giáo dục pháp luật, ngăn chặn các hành vi vi phạm luật giao thông, tham gia hoặc cổ vũ đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng trong HS, SV đồng thời bảo đảm an ninh, trật tự trường học trong dịp nghỉ lễ, Tết sắp tới.
BHXH Việt Nam cho biết, thực hiện lộ trình BHYT toàn dân, đến nay, cả nước có 53 triệu người tham gia BHYT (chiếm 61% dân số), tăng gần 8 triệu người so với trước khi thực hiện Luật BHYT.
YBĐT - Từ năm 2005 trở lại đây, các hoạt động về bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Văn Chấn (Yên Bái) luôn được sự quan tâm của Đảng, chính quyền các cấp. Công tác vệ sinh môi trường đã được đưa vào nghị quyết của Đảng bộ từ huyện đến các xã, thị trấn.
YBĐT - Thực hiện Chương trình hoạt động năm 2010, mới đây, Hội Luật gia tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị tập huấn công tác hội năm 2010 và triển khai một số nội dung liên quan đến tổ chức và hoạt động hội cho gần 90 hội viên đại diện các chi huyện hội trong toàn tỉnh.