Chiến lược dân số quốc gia 2001 - 2010 tại Yên Bái góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững
- Cập nhật: Chủ nhật, 26/12/2010 | 9:15:27 AM
YBĐT - Chúng ta đã kiểm soát được tình trạng gia tăng nhanh dân số, góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người lên 10,75 triệu đồng/người/năm 2010, tăng tuổi thọ trung bình của người dân lên 73 tuổi, bà Phạm Thị Thanh Trà - Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo công tác dân số - KHHGD Yên Bái đã khẳng định với báo chí.
Cán bộ y tế thôn tư vấn các biện pháp tránh thai cho phụ nữ độ tuổi sinh đẻ ở xã Quy Mông, Trấn Yên. Ảnh Hà Linh
|
- Thưa bà, năm 2010 là năm đầu tiên thực hiện Tháng hành động quốc gia về dân số, ở tỉnh Yên Bái, hoạt động này được triển khai như thế nào?
- Tháng hành động quốc gia về dân số đầu tiên năm 2010 được UBND tỉnh Yên Bái ban hành kế hoạch triển khai với mục đích nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, từng gia đình và toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ) đối với sức khỏe, hạnh phúc của mỗi người dân; tăng cường hơn nữa sự tham gia phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân nhằm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu về DS/KHHGĐ của năm.
Chủ đề của Tháng hành động quốc gia về dân số năm 2010 là: "DS/KHHGĐ vì sức khỏe, hạnh phúc của mỗi gia đình và sự phát triển bền vững của đất nước", đợt cao điểm về các hoạt động truyền thông trên địa bàn toàn tỉnh đó được bắt đầu từ ngày 1/12 và kết thúc vào ngày 30/12/2010 với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, trong đó ưu tiên truyền thông, tư vấn trực tiếp kết hợp với các hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình một cách thuận lợi, dễ dàng cho đối tượng.
Lễ mít tinh điểm hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số và kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam của tỉnh đã được tổ chức tại xã Tân Nguyên (Yên Bình); các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đồng loạt tổ chức vào ngày 24/12/2010. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động tuyên truyền, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tư vấn và cung cấp dịch vụ về DS/KHHGĐ ở các cấp đó và đang được tổ chức sôi nổi và thiết thực.
- Chủ đề của Tháng hành động quốc gia về dân số năm 2010 cũng là quan điểm xuyên suốt trong Chiến lược dân số Việt Nam 2001 - 2010 và năm 2010 là năm kết thúc giai đoạn của Chiến lược này. Bà đánh giá như thế nào về kết quả triển khai Chiến lược của tỉnh?
- Ngay sau khi Chiến lược dân số Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010 được phê duyệt, UBND tỉnh Yên Bái đã kịp thời ban hành Đề án thực hiện Chiến lược dân số Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010 của tỉnh.
Mục tiêu tổng quát của Đề án là thực hiện gia đình ít con, thực hiện mục tiêu giảm sinh để ổn định quy mô dân số ở mức hợp lý, từng bước nâng cao chất lượng dân số, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Trên cơ sở hệ thống giải pháp xác định cụ thể cho giai đoạn, UBND tỉnh đã đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành hai nghị quyết chuyên đề về công tác dân số. Trên cơ sở đó, có quy định về chính sách DS/KHHGĐ của tỉnh theo từng giai đoạn, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức thực hiện có hiệu quả. Ban chỉ đạo công tác dân số ở cấp tỉnh, huyện, xã được thành lập để chỉ đạo, tổ chức phối hợp thực hiện; hệ thống tổ chức DS/KHHGĐ từ tỉnh tới cơ sở được củng cố, kiện toàn.
Hàng năm, UBND tỉnh quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch DS/KHHGĐ cho UBND cấp huyện triển khai thực hiện; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác dân số.
Hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác DS/KHHGĐ được lồng ghép trong chương trình công tác hàng năm của UBND các cấp, các ban, ngành, đoàn thể. Đặc biệt, giai đoạn 2008 - 2010, sau khi công tác dân số được bàn giao về ngành y tế, lãnh đạo Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh đã trực tiếp kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện công tác dân số tại nhiều cơ sở. Đồng thời ban hành nhiều văn bản quan trọng, tăng cường đầu tư nguồn lực để thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu Đề án thực hiện Chiến lược dân số của tỉnh.
Về kết quả thực hiện Chiến lược dân số, trước hết, đó là sự chuyển đổi mạnh mẽ về nhận thức và hành vi của lãnh đạo các cấp và đông đảo người dân đối với công tác DS/KHHGĐ. Chính sách dân số của Đảng và Nhà nước được nhân dân các dân tộc đồng tình hưởng ứng.
Tỷ lệ cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại ngày càng tăng. Phong trào thi đua xã, phường, thị trấn không có người sinh con thứ 3 được duy trì, nhân rộng liên tục suốt nhiều năm liền. Đến năm 2010, toàn tỉnh có 26 xã, phường, thị trấn không có người sinh con thứ 3 trở lên; có 5 xã vùng cao đặc biệt khó khăn giảm nhanh sinh con thứ 3 trở lên; có hàng trăm thôn, bản, tổ nhân dân duy trì nhiều năm liền không sinh con thứ 3.
Nâng cao chất lượng dân số, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững
Tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 1/4/2009 cho thấy, quy mô dân số tỉnh ta là 740.905 người, ước năm 2010 là 758.000 người (trong khi mục tiêu Đề án thực hiện Chiến lược dân số của tỉnh là không vượt quá 78,4 vạn vào năm 2010); tỷ lệ tăng dân số bình quân là 0,9%/năm, giảm mạnh so với thời kỳ 10 năm trước (1989 - 1999 là 1,7%).
Nếu giai đoạn 10 năm trước, mỗi năm, tỉnh Yên Bái tăng trên 10.000 người, tốc độ tăng bình quân 1,7%/năm thì đến giai đoạn vừa qua, bình quân mỗi năm tăng thêm trên 6.000 người. Số con trung bình của một bà mẹ từ 2,46 con (năm 2000) giảm còn 2,3 con (năm 2010). Chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình được nâng lên đáng kể.
Yên Bái đã kiểm soát được tình trạng gia tăng nhanh dân số, góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người từ 2,42 triệu đồng/người/năm 2000 lên 10,75 triệu đồng/người/năm 2010, giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 11,74%. Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, tăng tuổi thọ trung bình của người dân lên 73 tuổi.
Có thể nói, Đề án thực hiện Chiến lược dân số Việt Nam của tỉnh Yên Bái giai đoạn 2001 - 2010 đã thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong nhiều năm qua.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác DS/KHHGĐ ở tỉnh ta cũng đang còn nhiều khó khăn, phức tạp. Đó là, mức sinh còn cao, có sự chênh lệch lớn giữa các vùng. Ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, mức sinh còn cao gấp khoảng 2 lần vùng thấp, thị xã, thành phố. Tình trạng sinh con thứ 3 trở lên, nhiều nơi ở vùng cao còn chiếm đến 40% - 50%.
Rải rác ở các địa phương trong tỉnh, còn có cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sinh con thứ 3 trở lên. Kết quả giảm sinh ở vùng thấp chưa bền vững; tỷ số giới tính khi sinh đã bước vào mức cao và xu thế tiếp tục tăng trong những năm tới; chất lượng dân số và thu nhập thực tế bình quân đầu người thấp so với nhiều tỉnh, thành trong cả nước, kể cả so với các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. Theo đó, cơ cấu dân số theo nhóm tuổi có sự thay đổi mạnh cũng là một thách thức lớn.
Chúng ta đang bước vào thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”. Số người trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao nhất, cứ 2 người trong độ tuổi lao động chỉ phải “cùng” 1 người ăn theo. Tuy nhiên, số người bước vào tuổi lao động tăng nhanh cũng đồng nghĩa tăng số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ. Đến giai đoạn 2015 - 2020, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sẽ tăng khoảng 1,3 lần so với hiện nay, do đó nguy cơ tăng sinh trở lại vẫn còn rất lớn.
- Thực trạng công tác dân số hiện nay, mục tiêu và giải pháp cho giai đoạn tiếp theo của Chiến lược dân số đối với tỉnh Yên Bái được xác định như thế nào, thưa bà?
- Trên cơ sở các kết quả cũng như các khó khăn, thách thức về công tác DS/KHHGĐ giai đoạn vừa qua, quán triệt quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII, mục tiêu Chiến lược dân số của tỉnh trong giai đoạn tới là:
- Về quy mô dân số: Tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm sinh đối với vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng có mức sinh cao; duy trì mức sinh hợp lý đối với những vùng đó đạt mức sinh thay thế.
- Về cơ cấu dân số: Khống chế tốc độ tăng nhanh tỷ số giới tính khi sinh, tận dụng tốt cơ cấu dân số vàng, bảo đảm an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
- Về chất lượng dân số: Tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình, góp phần nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để thực hiện được mục tiêu trên, chúng ta cần tiếp tục tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp theo Nghị quyết số 36/2008/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về "Tiếp tục đẩy mạnh công tác DS/KHHGĐ tỉnh Yên Bái giai đoạn 2009 - 2012"; xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 18/8/2010 của Chính phủ giai đoạn 2010 - 2015 về "Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS/KHHGĐ".
Trong đó, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ là: tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác dân số; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác dân số, huy động sự tham gia đồng bộ và sự ủng hộ tối đa mọi nguồn lực của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, các tổ chức cho công tác dân số, ưu tiên đầu tư cho vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp, nhất là cấp cơ sở để tham mưu tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác dân số; hàng năm, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu về công tác dân số.
- Xin trân trọng cảm ơn bà!
Ngọc Sơn (thực hiện)
Các tin khác
Mục tiêu đề ra trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 bảo đảm 80% trạm y tế xã (trong đó 100% trạm y tế xã ở đồng bằng và 60% trạm y tế xã miền núi) có bác sĩ, đến nay vẫn chưa đạt được.
Chiều 24-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn giá cả, thị trường trong dịp Tết, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cho nhân dân đón Tết truyền thống vui tươi, an toàn, tiết kiệm.
Chiều 24-12, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đưa ra cảnh báo, bắt đầu từ hôm nay (25-12), bộ phận không khí lạnh cường độ cực mạnh tràn vào miền Bắc nước ta, gây rét đậm và rét hại trên diện rộng. Sau đó, ngày 26-12, không khí lạnh sẽ tràn nhanh vào các tỉnh Bắc miền Trung, vượt qua đèo Hải Vân đi sâu vào phía Nam.
YBĐT - Lực lượng tình nguyện viên (TNV) chữ thập đỏ (CTĐ) trong toàn tỉnh Yên Bái đã đóng góp một phần không nhỏ cho công tác nhân đạo của các cấp hội CTĐ. Trong đó, nổi bật là đội TNV của huyện Văn Chấn. Hình thức hoạt động đa dạng, nội dung phong phú đã tạo lòng tin trong nhân dân, được chính quyền và các nhà tài trợ đánh giá cao