Văn Chấn: Tích cực chống rét cho mạ
- Cập nhật: Thứ sáu, 21/1/2011 | 2:35:24 PM
YBĐT - Bước vào vụ sản xuất đông xuân năm nay, cùng với các địa phương khác trong tỉnh, huyện Văn Chấn đang đối mặt với đợt rét đậm, rét hại kéo dài.
Nông dân xã Phù Nham huyện Văn Chấn che ni lon tránh rét cho mạ.
|
Cùng với việc căng mình chống rét cho đàn gia súc, nhà nông Văn Chấn còn tích cực chống rét cho mạ, đảm bảo cho sản xuất vụ đông xuân 2011.
Vụ đông xuân năm nay, huyện Văn Chấn phấn đấu đưa vào gieo cấy 3.925 ha lúa nước, với cơ cấu 60 - 65 % lúa lai, còn lại là lúa thuần chất lượng cao. Đến thời điểm này, nông dân trong huyện đã cày bừa và làm đất được trên 2.000ha; gieo được trên 1.400 ha mạ, tập trung chủ yếu ở các xã vùng cánh đồng Mường Lò, diện tích còn lại đang sản xuất cây vụ đông. Để chủ động cho sản xuất, vấn đề giống, phân bón, đã và đang được huyện khẩn trương chuẩn bị với nỗ lực cao nhất...
Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác, nhà nông Văn Chấn đang phải đối mặt với thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài từ nhiều ngày qua. Người dân đang dồn sức để chống rét cho gia súc và thực hiện các biện pháp chống rét cho mạ xuân.
Trên cánh đồng Mường Lò là một màu trắng của những ruộng mạ được che phủ nilon rất cẩn thận. Nhà nông ở các xã Phù Nham, Thạch Lương, Thanh Lương... ra đồng khẩn trương chăm sóc và chống rét cho những diện tích mạ đã gieo cấy. Người tháo nước về ruộng, người bón thêm tro bếp, người phủ bạt nilon cho mạ. Dưới cái lạnh như cắt da, thịt, chị Đồng Thị Phương ở thôn 6 xã Phù Nham đang lội ruộng che chắn những luống mạ nói: “Nhà có 3 sào ruộng vụ đông xuân năm nay đều đưa các giống chất lượng cao vào gieo cấy. Trời rét thế này, tôi vẫn phải lội ruộng để bảo vệ mạ non. Nếu không che chắn và chăm sóc tốt thì toàn bộ diện tích mạ vừa gieo xuống sẽ chết hết vì rét”.
Nhiều nông dân ở xã Thanh Lương cũng không quản cái lạnh tích cực ra đồng cắm cọc, che từng tấm bạt cho những luống mạ mới xuống giống. Anh Trần Văn Luyện đội 5 xã Thanh Lương tâm sự: “Thời tiết năm nay khắc nghiệt quá nên việc đồng áng diễn ra chậm hơn so với mọi năm. Mọi năm vào thời điểm này, gia đình tôi đã cấy xong. Để đối phó với rét gia đình tôi phải mua bạt nilon về che phủ và thường xuyên rắc thêm tro bếp để tăng sức đề kháng cho mạ”.
Rút kinh nghiệm những năm trước do thời tiết rét đậm, rét hại đã làm cho nhiều diện tích lúa xuân bị chết. Năm nay, việc chỉ đạo gieo cấy đúng thời vụ đã được huyện chỉ đạo kiên quyết. Cùng với đó, để chủ động đối phó với rét đậm, rét hại, huyện đã ra nhiều công văn, công điện kịp thời chỉ đạo khuyến cáo đến các xã cùng nhân dân triển khai các biện pháp phòng, chống rét cho đàn gia súc và cho mạ xuân. Ngay từ đầu tháng đến nay, Phòng Nông nghiệp huyện đã thường xuyên cử cán bộ phối hợp với chính quyền các xã kiểm tra chỉ đạo nhân dân phòng, chống rét cho diện tích mạ đã xuống giống.
Để tăng cường sức đề kháng cho mạ, hướng dẫn nông dân cách giữ ấm cho mạ bằng cách tăng cường thêm tro bếp, phân lân, điều nước vào ruộng. Những diện tích đã gieo chỉ đạo nhân dân sử dụng mái che nilon. Kiên quyết chỉ đạo bà con tạm thời ngừng xuống giống khi nhiệt độ xuống dưới 150C.
Ông Hoàng Hữu Dũng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “Vụ đông xuân có vai trò đặc biệt quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của huyện, đây là vụ thường cho năng suất cao. Do vậy, việc chỉ đạo gieo cấy đúng khung thời vụ cần phải kiên quyết, nhất là khâu chống rét cho mạ. Đến nay, hầu hết các xã bà con nông dân đều che phủ nilon, đưa nước về ấm chân mạ, bón tro bếp tăng sức đề kháng. Do đó, chưa có thiệt hại nào đáng kể, diện tích mạ đã gieo sinh trưởng tốt. Nhưng thời tiết đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ sản xuất vụ đông xuân của bà con”.
Ngoài khó khăn do rét đậm rét hại gây ra, vụ đông xuân năm nay nhà nông Văn Chấn sẽ còn gặp nhiều khó khăn do tình hình khô hạn đã được dự báo trước. Theo dự kiến, diện tích lúa có khả năng hạn của huyện là 320 ha tập trung ở các xã vùng cao như: Nậm Lành, Sùng Đô, An Lương, Nậm Mười. Đối với các xã vùng ngoài diện tích hạn chủ yếu sẽ tập trung ở: Bình Thuận, Nghĩa Tâm, Cát Thịnh…
Để chủ động đối phó với hạn hán, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống hạn và yêu cầu các xã chủ động vật tư, phương tiện chống hạn; thường xuyên kiểm tra tu sửa, gia cố các công trình đầu mối kênh mương dẫn nước. Đồng thời chỉ đạo các địa phương ra quân làm thủy lợi khơi thông dòng chảy; dự trữ quản lý, điều tiết sử dụng nguồn nước các hồ chứa hợp lý, triệt để tiết kiệm. Đối với những diện tích không có khả năng gieo cấy lúa xuân, huyện cũng xây dựng kế hoạch chuyển sang trồng màu, chủ yếu là trồng ngô và đậu tương để đảm bảo sản lượng lương thực.
Nhà nông Văn Chấn đang tích cực chống rét cho cây trồng vật nuôi, khẩn trương cày bừa làm đất phục vụ cho việc gieo cấy lúa xuân. Với việc chủ động và tích cực chống rét cho mạ xuân cùng những chỉ đạo quyết liệt của huyện, tin rằng nhà nông Văn Chấn sẽ vượt qua vụ đông xuân đầy thử thách để có một vụ lúa bội thu.
Thông Nguyễn
Các tin khác
Trường Tiểu học Bạch Hà: Nhiều biện pháp duy trì, nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học đúng độ tuổi
YBĐT - Năm 1994, xã Bạch Hà huyện Yên Bình (Yên Bái) được công nhận đơn vị đạt chuẩn quốc gia về Chống mù chữ - Phổ cập giáo dục tiểu học (CMC-PCGDTH).
YBĐT - Trong nhiều năm qua, Hội Đông y tỉnh Yên Bái luôn chú trọng quan tâm xây dựng và phát triển tổ chức Hội rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở...
YBĐT - Ngày 21/1/2011, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, đơn vị Trưởng khối giao ước thi đua các cơ quan xây dựng Đảng năm 2010 tổ chức Hội nghị tổng kết thi đua khen thưởng năm 2010, phát động, ký giao ước thi đua năm 2011 và bầu trưởng khối mới.
YBĐT - Năm 2011, cán bộ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa thành phố Yên Bái tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong nhiều năm qua...