Văn Yên làm tốt công tác phòng, chống xâm hại trẻ em

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/2/2011 | 9:07:05 AM

YBĐT - Công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em của huyện Văn Yên đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ về công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em trong giai đoạn mới.

Phụ nữ xã Yên Hưng (Văn Yên) trao đổi kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc. (Ảnh: Quỳnh Nga)
Phụ nữ xã Yên Hưng (Văn Yên) trao đổi kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc. (Ảnh: Quỳnh Nga)

“Không hô hào, không chạy theo thành tích, tất cả các cán bộ làm công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em từ cấp huyện đến các cơ sở xã đều phải vào cuộc, phải tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương về các giải pháp thực hiện tốt Luật Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em”.

Chính bởi như vậy mà công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em ở Văn Yên trong những năm qua đạt được kết quả khá toàn diện về mọi mặt, nhận thức của người dân nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được nâng lên khá nhiều, họ đã có những kiến thức cơ bản về chăm sóc, nuôi dạy và bảo vệ con cái cũng như các quyền lợi và nghĩa vụ với trẻ em. Đó là tâm sự của bà Phương Thị Kiều Oanh - cán bộ chuyên trách công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Văn Yên khi trao đổi với chúng tôi.

Theo báo cáo của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Văn Yên, tổng số trẻ từ 0 - 16 tuổi trong huyện là 221.088 trẻ, trẻ vị thành niên là 50.626 trẻ. Với số trẻ em tương đối lớn, địa bàn huyện rộng, nên ngay từ những ngày đầu năm, đơn vị đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, trong đó đặc biệt chú trọng đến đối tượng là trẻ em dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Năm 2010, Phòng đã mở 3 lớp tập huấn tại 3 xã Xuân Tầm, Phong Dụ Hạ và Phong Dụ Thượng, là 3 xã  chiếm khá đông thành phần là người dân tộc Tày, Dao, cũng là những xã có nguy cơ cao về tình trạng trẻ bị xâm hại tại cộng đồng.

Nội dung tập huấn xoay quanh các vấn đề nhằm nâng cao nhận thức của gia đình, xã hội về cách chăm sóc, bảo vệ trẻ em trước những mối nguy hại ở xã hội như tình trạng bị lao động trước tuổi, trẻ không được đến trường, trẻ có nguy cơ bị lạm dụng tình dục. Thành viên tham gia lớp tập huấn gồm lãnh đạo xã, các ban, ngành, đoàn thể đến các trưởng thôn, bản trong xã và phụ huynh các gia đình có con nhỏ.

Bằng những nội dung thiết thực, gần gũi với đời sống người dân, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số, sau buổi tập huấn, nhận thức của người dân đã được nâng cao.

Những vấn đề mà nhiều người dân trước nay cho là bình thường như bắt con mình phải nghỉ học, phải lao động sớm thì nay họ đã hiểu được vấn đề và cam kết không để tình trạng đó xảy ra. Các gia đình có trẻ em, nhất là những trẻ em gái tuổi vị thành niên cũng đã cơ bản nắm được những kiến thức về việc chăm sóc, dạy bảo con em. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa cấp ủy Đảng, chính quyền đoàn thể xã cũng tạo được mối liên kết, thống nhất chặt chẽ trong việc thực hiện Luật Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em.

Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền về công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, tháng 6/2010, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã triển khai 2 mô hình ngăn ngừa xâm hại tình dục trẻ em tại cộng đồng ở 2 xã An Bình và Lâm Giang.

Mô hình được triển khai trên cơ sở nhằm tăng cường các biện pháp chỉ đạo trực tiếp của cấp uỷ, chính quyền và sự phối hợp liên ngành tại cơ sở, cộng đồng, đặc biệt là huy động các tổ chức xã hội tham gia thực hiện chính sách cho trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ và gia đình góp phần ngăn ngừa và giải quyết có hiệu quả tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục.

Các xã được triển khai mô hình đã tiến hành thành lập Ban chỉ đạo gồm lãnh đạo UBND xã làm trưởng ban, thành viên Ban chỉ đạo là đại diện các ngành, đoàn thể, trưởng thôn, hiệu trưởng các trường tiểu học và THCS.

Để mô hình đạt hiệu quả, Ban chỉ đạo đã phối hợp với các nhà trường tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em tại các buổi họp thôn và các buổi sinh hoạt phụ nữ; tuyên truyền về Luật Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em qua loa phát thanh của xã và phát các tờ rơi về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em; tổ chức diễn đàn về quyền trẻ em tại 2 trường học cho 1.250 lượt học sinh tham gia; xây dựng nhóm nòng cốt tại các thôn để cung cấp thông tin cho cán bộ phụ trách công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em ở các thôn, bản để thu thập, đánh giá tình hình trẻ em tại thôn.

Sau nửa năm triển khai, mô hình  đã nhận được sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền về vấn đề chăm sóc và bảo vệ trẻ em; nhận thức của các gia đình về bảo vệ con em mình trước vấn đề xâm hại tình dục được nâng cao.

Công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em của huyện Văn Yên đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ về công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, để công tác này đạt hiệu quả và nhân rộng mô hình, cần phải có chiến lược lâu dài hơn nữa, nhất là việc duy trì bền vững các mô hình chăm sóc bảo vệ trẻ em cũng như việc nâng cao nhận thức về phòng, chống xâm hại tình dục cho trẻ tại cộng đồng.

Lệ Thanh

Các tin khác
Tranh tài.

YBĐT - Đến thị xã Nghĩa Lộ những ngày này, đâu đâu cũng thấy cờ hoa rực rỡ. Dọc các tuyến đường, các công nhân chỉnh trang đô thị, sửa chữa hệ thống đường, cầu cống và đèn điện.

Ngày 17-2, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã nhận được sự đồng thuận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khi đề xuất các chính sách hỗ trợ nạn nhân học nghề, trợ giúp pháp lý ban đầu, tiền tàu xe đi lại để về nơi cư trú tại dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người.

Mỗi dịp cuối năm lượng khách đến mua hàng may mặc ở dãy may rất đông.

YBĐT - “Dãy may” nằm giữa đoạn đường từ km 6 - km 7, tổ 22, phường Yên Thịnh - thành phố Yên Bái. Từ trung tâm thành phố đi theo hướng huyện Yên Bình chừng 2 km, chúng ta dễ nhận thấy nhiều cửa hàng bán áo quần nối tiếp nhau. Quần áo ở đây được bày từ trong nhà ra tận giá bán hàng.

YBĐT - Những năm qua, Thanh tra huyện Văn Yên luôn đổi mới công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục