Ngoài ra, theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, tính đến 14h chiều 28/2, số lượng lao động Việt Nam đã rời Libya và về nước an toàn là 957 người, dự kiến đêm nay sẽ có thêm 117 lao động về nước. Trong đó, 19h20 tối nay sẽ có 67 lao động của Công ty Vinaconex và 23h30, sẽ có 50 lao động của Công ty Letco về đến Việt Nam.
Theo kế hoạch, đến ngày 2/3/2011, sẽ có 7.484 lao động Việt Nam được đưa ra khỏi Libya.
Phỏng vấn Tổ chức di cư quốc tế
Chiều 28/2, phóng viên báo chí đã có cuộc phỏng vấn nhanh ông Florian Forster, Trưởng phái đoàn Tổ chức di cư Quốc tế (IOM) tại Việt Nam về vấn đề sơ tán các công dân nước ngoài, trong đó có người lao động Việt Nam ra khỏi Libya trong tình hình hiện nay.
Hiện nay, nhiều nước đang tổ chức sơ tán công dân ra khỏi Libya. Xin ông đánh giá tình hình sơ tán người dân khỏi Libya và những khó khăn chính mà các nước gặp phải trong quá trình sơ tán?
Đây là một cuộc khủng hoảng thực sự tại Libya mà không ai nghĩ nó sẽ xảy ra trước đây. Tôi nghĩ vấn đề chính hiện nay là sơ tán công dân ra khỏi Libya do ở nhiều vùng tại Libya đang xảy ra giao tranh.
Libya có tới 2 triệu lao động nhập cư, trong đó hơn 1 triệu người đến từ Ai Cập, 10 nghìn 500 người từ Việt Nam và nhiều người đến từ Pakistan, Bangladesh, Philipiness và nhiều nước khác. Chính phủ nhiều nước, cùng với các công ty đã đưa người lao động đến đây đang nỗ lực sơ tán người lao động khỏi Libya. Thách thức mà chúng ta phải đối mặt là phải tìm cách đưa những người đã đến biên giới về nước an toàn, còn với những người còn đang bị mắc kẹt tại Libya, chúng ta phải liên lạc được với họ và giúp họ trở về nước bằng mọi phương tiện có thể.
Tổ chức di cư quốc tế có hỗ trợ gì với những nước muốn sơ tán công dân ra khỏi Libya, trong đó có Việt Nam?
Hiện nay, chúng tôi cùng với nhiều tổ chức đối tác như Hội Chữ thập đỏ Ai Cập và Tunisia đã thiết lập các trại tị nạn ở khu vực biên giới Libya với Ai Cập, cũng như khu vực biên giới với Tunisia. Ở đó, chúng tôi tiếp nhận những người chạy khỏi Libya và cung cấp cho họ thức ăn và lều bạt.
Riêng với Việt Nam, chúng tôi cố gắng hỗ trợ nỗ lực sơ tán công dân của chính phủ Việt Nam. Những đồng nghiệp của chúng tôi ở Libya đang liên lạc thường xuyên với những nhà chức trách đến từ Việt Nam để giúp người Việt Nam có thể về nước an toàn. Chúng tôi vẫn đang trao đổi thông tin. Hai giờ trước đây chúng tôi nhận được tin khoảng 600 người Việt Nam đã đến biên giới giữa Libya và Tunisia. Khi việc đưa người đến biên giới hoàn tất, chúng tôi tiếp tục cộng tác với chính phủ để đưa họ về nước.
Đối với những người vẫn đang ở Libya, Tổ chức di cư quốc tế có những hỗ trợ như thế nào?
Việc hỗ trợ những người còn đang ở Libya là điều không dễ dàng do tình hình tại đây đang thay đổi rất nhanh chóng. Việc đến kịp thời những nơi đang có giao tranh để trợ giúp người lao động là rất khó nếu không muốn nói là không thể. Rất khó liên lạc với những người đã bị cắt điện thoại di động và thư điện tử, tuy nhiên chúng tôi sẽ tìm cách để tiếp cận với họ và cho họ biết nơi mà họ có thể đến để nhận sự trợ giúp.
Tình hình ở Libya có thể thay đổi rất nhanh trong những ngày tới tùy theo diễn biến của cuộc xung đột.
Nhiều người Việt Nam đã bị mất giấy thông hành tại Libya, Tổ chức di cư quốc tế có thể đưa ra hỗ trợ nào cho họ?
Nhiều người không có thời gian để lấy các giấy tờ thông hành vì họ buộc phải rời đi thật nhanh. Điều quan trọng là chính phủ Việt Nam đã đưa ra những chỉ dẫn cho những người bị mất giấy tờ và những người này đã được cung cấp giấy thông hành tạm thời, vì vậy họ có thể trở về nước. Điều mà chúng tôi có thể làm khi gặp những người như vậy ở biên giới, chúng tôi cần biết tên tuổi, cách để liên lạc với họ và từ đó chúng tôi có thể giúp họ trở về nước.
(Theo VTV)