Hơn 8.000 lao động Việt Nam đã thoát khỏi Libya
- Cập nhật: Thứ sáu, 4/3/2011 | 8:00:00 AM
Chiều 3/3, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết đã có hơn 2.700 lao động hồi hương an toàn, 5.500 người khác đã thoát khỏi Libya và đang chờ di chuyển bằng đường biển, đường hàng không về Việt Nam.
Lao động Việt Nam từ Libya về nước.
|
Theo Cục phó Quản lý lao động ngoài nước Đào Công Hải, lao động Việt Nam tập trung nhiều nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ (2.500), kế đó là Malta (1.500), Tunisia (1.300), Hy Lạp (940), Ai Cập (840).
* Diễn biến cuộc giải cứu lao động Việt Nam từ Libya
Từ ngày 26/2 tới nay, hơn 2.740 lao động về nước an toàn bằng đường hàng không. Ngoài ra sáng nay còn 1.120 người từ các cảng Benghazi, Tripoli và Malta đã lên tàu về nước. Tàu sẽ cập cảng Hải Phòng, nhưng ngày về chưa xác định do quãng đường đi khá dài.
Tại Libya còn khoảng 1.500 lao động đang di chuyển tới biên giới các nước láng giềng. Đoàn công tác Việt Nam đã đến được Tunisia, nơi đặt Ban chỉ đạo tiền phương để giải quyết sự cố. "Như vậy số bị mắc kẹt ở Libya đến chiều 3/3 là hơn 300 người. Trong đó có nhiều người ở phía Nam vẫn đang làm việc bình thường, nhưng tất cả sẽ được sơ tán trong vài ngày tới", ông Hải nói.
Theo ông Hải, việc đoàn công tác của Chính phủ vào Libya là rất khó, do đó Việt Nam đã nhờ Tổ chức di dân quốc tế và Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn cùng với Đại sứ quán Việt Nam tại đây để sơ tán lao động. "Một tin mừng là sáng 3/3 đại diện Văn phòng hợp tác kinh tế Libya tại Hà Nội đã đề nghị Cục cung cấp thông tin số lao động bị kẹt để có biện pháp giúp đỡ hồi hương", ông Hải thông tin.
Về việc giải quyết quyền lợi cho lao động phải về nước trước thời hạn, ông Hải cho biết trước tiên phải tập trung sơ tán. Tuy nhiên Bộ cũng đã chỉ đạo các Sở có lao động đi Libya phối hợp để hỗ trợ lao động về mặt tinh thần, đồng thời sớm làm thủ tục thanh lý hợp đồng trong vòng 2 tuần sau khi hoàn tất đưa 10.400 người về nước. Lao động nào có nhu cầu học nghề, học tiếng để đi làm việc ở thị trường khác sẽ được ưu tiên.
Ngoài ra, Bộ sẽ tham mưu và đề xuất Chính phủ có chương trình hỗ trợ cho những người mới sang, chưa có tích lũy. "90% lao động Việt Nam làm việc tại Libya thuộc ngành xây dựng. Bộ sẽ rà soát các thị trường cần lao động xây dựng để có thể chuyển tiếp ngay số lao động về từ Libya vì sẽ ít phải đào tạo lại", ông Hải nói.
Với những lao động phải vay vốn trước khi đi, Chính phủ đã chỉ đạo khoanh nợ cho những người này.
Trao đổi với phóng viên báo chí chiều 3/3, ông Nguyễn Quốc Nam, đại diện phụ trách quan hệ với các cơ quan đối tác của Tổ chức di dân quốc tế (IOM) tại Hà Nội cho biết, thách thức nhất hiện nay là việc tiếp cận và giải cứu số lao động mặc kẹt. Còn với số lao động đã sơ tán sang các nước láng giềng ở Libya thì đã khá tốt, vì được cung cấp lương thực, thuốc men. "Cách đây một ngày, đoàn công tác của IOM đã vào Libya khảo sát xem có thể thiết lập một hành lang an toàn với sự đảm bảo về an ninh của chính quyền sở tại để sơ tán công dân các nước, trong đó có Việt Nam, nhưng chưa có kết quả. Hiện tình hình tại Libya rất không an toàn, nếu di chuyển sẽ có thể có thương vong", ông Nam nói. |
(Theo VnExpress)
Các tin khác
Chiều 3-3, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, các tỉnh miền Bắc hôm nay (4-3) lại đón thêm một đợt không khí lạnh tăng cường, làm nền nhiệt độ tiếp tục giảm thêm 2-4°C nữa. Hà Nội và đồng bằng Bắc bộ có mưa phùn trên diện rộng, trời rét.
YBĐT - Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Văn Chấn hiện đang quản lý thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) tại 234 đơn vị với 10.988 lao động tham gia.
YBĐT - Nhờ tăng cường đổi mới phương pháp giảng dạy nên chất lượng giáo dục của Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Lục Yên đã ngày một nâng lên và đạt khá so với nhiều trường trong huyện.
YBĐT - Triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trong 4 năm qua, Huyện Đoàn Trấn Yên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cuộc vận động và được các cơ sở Đoàn thực hiện nghiêm túc.