Dạy học ở nơi xa nhất

  • Cập nhật: Thứ tư, 11/1/2012 | 3:09:46 PM

YBĐT - Chế Tạo là một trong những xã đặc biệt khó khăn và xa nhất của huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) cũng như của tỉnh, đi lại khó khăn, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn vậy mà có những người tình nguyện đem con chữ lên với học sinh vùng cao này, họ đang nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ cao cả của mình.

Cán bộ Sở Giao thông - Vận tải tặng quà động viên các em học sinh ở xã Chế Tạo.
Cán bộ Sở Giao thông - Vận tải tặng quà động viên các em học sinh ở xã Chế Tạo.

Trường Mầm non, Tiểu học và THCS Chế Tạo nằm chênh vênh trên núi cao, sau lưng là đỉnh Kháo Cấu, phía dưới là suối Sang Sủ Hú Dê. Trường có 20 lớp học, trong đó có 9 lớp ở ba điểm trường lẻ tại các bản Tà Dong, khu 2 và Háng Tày. Từ điểm chính của trường đến điểm lẻ xa nhất mất gần nửa ngày đi bộ. Nhiều thầy giáo, cô giáo ở đây cho biết, so với năm, bảy năm về trước, mọi điều kiện bây giờ đã khá hơn rất nhiều. Nhiều thầy, cô giáo của trường đã gắn bó với Chế Tạo đã hơn 4 năm, có người đã gần 8 năm.

Chúng tôi đến lớp học ở bản Tà Dông sau hơn 10 km đi bộ do cô giáo Hoàng Thị Thanh Chỉ đảm nhiệm. Cũng như nhiều giáo viên khác, cô giáo Chỉ gia đình ở huyện Trấn Yên (Yên Bái) lên dạy ở xã Chế Tạo đã hơn 4 năm. Nhà công vụ của cô được dựng bằng gỗ, mái lợp tôn, bên trong có chiếc giường nhỏ, chiếc bàn viết và bếp dầu để nấu ăn hàng ngày. Vách gỗ trong phòng được cô tỉ mỉ dán những tờ báo cũ, tranh, ảnh trang trí trở nên sáng sủa hơn.

Nhìn cảnh sinh hoạt, điều kiện ăn, ở, đi lại của Chế Tạo mới hiểu “mẹ hiền thứ hai” của các em khó khăn tới mức nào. Trước đây chưa có đường, người Mông phải đi bộ cả ngày mới ra tới huyện. Các thầy cô giáo ở Chế Tạo một tháng mới ra Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện lĩnh lương rồi tranh thủ mua cá khô, lạc khô, gạo muối, dầu thắp sáng... về phục vụ sinh hoạt.

Khắc phục những khó khăn cả về vật chất, tinh thần, các thầy, cô giáo ở Chế Tạo vẫn chia nhau về các bản vận động già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ cho con trẻ đến trường học chữ. Chẳng ngại rào cản ngôn ngữ, các thầy giáo, cô giáo người Kinh, người Mông đã vượt khó cùng học phong tục, tập quán, ngôn ngữ của nhau để khi xuống bản dễ tuyên truyền, vận động. Những điểm trường không có cô giáo, các thầy giáo phải học hát, học múa, học làm đồ chơi. Nhìn các thầy, cô giáo cho kẹo, dạy học trò học hát, ân cần uốn nắn từng con chữ mới thấy sự khó khăn của sự học nơi đây.

Cô giáo Thanh Chỉ tâm sự: “Bây giờ đã có điện, nước và đường giao thông nên đã có nhiều thuận lợi, xe máy, xe đạp không còn xa lạ với bà con nơi đây nhưng các em học sinh vẫn chưa thể hình dung thế nào là sân ga, tàu hỏa, công viên, vườn bách thú… mặc dù đã được minh họa bằng sách và các tranh ảnh. Khi nhận quyết định lên đây, em thật sự ngỡ ngàng vì mọi điều khác xa với suy nghĩ của em lâu nay. Càng nhìn các cháu, em càng thấy thương chúng vô cùng. Và rồi, em quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, góp sức mình dạy các cháu biết đọc, biết viết. Hơn 4 năm nay, em xem đây như quê hương của chính mình”.

Với lòng nhiệt tình yêu trẻ của các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh ngày càng chăm chỉ học hành, không còn tình trạng học sinh bỏ học ở nhà làm việc giúp bố mẹ. Nhiều em có hoàn cảnh khó khăn đã vươn lên học giỏi. Em Sùng Thị Ban đang học lớp 7 là một ví dụ điển hình. Bố của Ban đau yếu thường xuyên nên không lao động được, nhà đông anh em, mẹ của em phải đi làm thuê.

Nhờ cô giáo giúp đỡ, Ban không chỉ là học sinh tiên tiến nhiều năm liền mà còn là một đội viên năng nổ, gương mẫu trong các phong trào của lớp, của trường. Em tâm sự: “Hàng ngày, chúng em phải đi bộ tới trường. Tại đây, mặc dù nơi ăn chốn ở còn nhiều thiếu thốn, nhưng bù lại, chúng em được các thầy giáo, cô giáo thương yêu như những người con, tận tình giảng dạy. Em mong muốn không lâu nữa, chúng em cũng có điều kiện học tập đầy đủ như các bạn ở dưới miền xuôi”.

Những năm gần đây, nhờ các chương trình xóa đói, giảm nghèo, phát triển giáo dục vùng cao, đời sống mọi mặt của người dân vùng cao Chế Tạo đã có nhiều cải thiện, các bậc phụ huynh cho con em tới trường học chữ nhiều hơn.

Thầy giáo Giàng A Sở - Hiệu trưởng Trường Mầm non, Tiểu học, THCS Chế Tạo cho biết thêm: “Năm 2003, xã Chế Tạo đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, đến năm 2006, đạt chuẩn phổ cập THCS. Năm học 2005 - 2006, chỉ có 19 giáo viên với trên 20 lớp học, đến nay đã có 40 cán bộ, giáo viên giảng dạy 20 lớp học, trong đó có 3 lớp học mầm non với 84 học sinh, 13 lớp tiểu học với 213 học sinh, 4 lớp học THCS với 42 học sinh. Năm học vừa qua có 9 em đạt học sinh giỏi. Được sự dìu dắt chỉ bảo của các thầy cô giáo, học sinh ở Chế Tạo đã tiếp tục học cao hơn, nhiều em đã đỗ vào các trường đại học và cao đẳng”.

So với vùng thấp, dạy học ở vùng cao khó khăn hơn rất nhiều, nhưng vượt lên trên hết là lòng yêu nghề, yêu trẻ và sự gắn bó với học sinh của các thầy giáo, cô giáo, góp phần đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa dần khoảng cách giữa vùng cao với vùng thấp.

 Quang Thiều       

Các tin khác
Lãnh đạo xã Hán Đà giới thiệu với phóng viên về những thành tựu đạt được trong sự nghiệp giáo dục.

YBĐT - Trong những năm qua, nhờ chú trọng công tác khuyến học, khuyến tài nên sự nghiệp giáo dục của xã Hán Đà (Yên Bình) đã đạt được những thành tựu rực rỡ.

Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) 12.550 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ năm địa phương để cứu đói nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt năm 2012.

YBĐT - Chiều 10/1, Ban chỉ đạo 138 tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng chống tội phạm, phòng chống HIV/AIDS và tệ nạn ma tuý, mại dâm năm 2011 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2012.

Giờ học Tiếng Việt của học sinh lớp 3, điểm trường xã Púng Luông (Mù Cang Chải). (Ảnh: Quỳnh Nga)

YBĐT - Năm qua, các địa phương trong tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh hoạt động khuyến học cùng với lòng nhiệt tình, tâm huyết của cán bộ hội khuyến học các cấp đã có nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo, bám sát tình hình, yêu cầu thực tiễn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục