Nhà trường ở Yên Bái phải là môi trường sạch
- Cập nhật: Thứ sáu, 13/1/2012 | 9:14:54 AM
YBĐT - Một trong những tiêu chí xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” là vấn đề đảm bảo môi trường sư phạm trong sạch, lành mạnh... Đây cũng chính là lĩnh vực không thể thiếu trong đánh giá chất lượng của các cơ sở giáo dục nhằm mang lại cho các em học sinh một điều kiện sinh hoạt và học tập tốt nhất.
Khu vực phơi khăn mặt của học sinh Trường tiểu học Kim Đồng, thành phố Yên Bái đảm bảo khô thoáng, vệ sinh. (Ảnh: Thanh Thủy)
|
Phóng viên YBĐT Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Trường - Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục & Đào tạo Yên Bái về chất lượng nhà vệ sinh (NVS) công cộng cho học sinh tại các trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về thực trạng NVS cho học sinh trong các trường học trên địa bàn tỉnh hiện nay?
Ông Hoàng Văn Trường: 3 năm trở lại đây, khi phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" được triển khai thì vấn đề NVS cho học sinh và giáo viên là một trong những tiêu chí mà các trường phải quan tâm thực hiện.
Theo đó, NVS không chỉ đáp ứng yêu cầu về số lượng sinh hoạt cho học sinh, giáo viên mà còn phải đảm bảo các yếu tố môi trường tạo điều kiện cho tất cả các trường và các điểm trường ở thành phố cũng như ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc đạt mức chất lượng, đặc biệt là yêu cầu về NVS đã được toàn ngành đẩy mạnh, nâng cao chất lượng.
Chính vì vậy, trong 3 năm gần đây, chất lượng NVS của các trường học các cấp đã được thay đổi đáng kể về số lượng cũng như chất lượng, đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp trong nhà trường, đảm bảo thực hiện được môi trường vệ sinh và môi trường văn hóa. Đặc biệt, nâng cao được ý thức giữ gìn vệ sinh chung cho các em học sinh. Nhất là học sinh ở các trường vùng núi, vùng sâu, vùng xa đã có sự thay đổi đáng kể, đến nay, các em đã biết giữ gìn NVS chung sạch sẽ.
Tính đến hết năm 2011, 100% các trường và các điểm trường tiểu học trên địa bàn tỉnh có NVS cho học sinh, trong đó, có trên 70% NVS đạt yêu cầu về chất lượng, đảm bảo các điều kiện: kiên cố, có phòng nam, nữ riêng, có hệ thống đại, tiểu tiện riêng, có nước phục vụ cho tự hoại, có điện thắp sáng...
Tuy vậy, vẫn còn khá nhiều trường, điểm trường ở vùng cao, vùng sâu vẫn chưa có được hệ thống NVS đủ tiêu chuẩn vì khó khăn về kinh phí xây dựng, đây là hạn chế và khó khăn lớn cần tới sự quan tâm của các cấp, các ngành và của cộng đồng để giải quyết theo hướng xã hội hóa.
- Để đạt được điều đó, ngành GD&ĐT đã làm thế nào, thưa ông?
Đối với các cấp quản lý từ phòng đến sở, khi đến thăm, kiểm tra bất cứ một trường học nào thì trước khi tìm hiểu về công tác chuyên môn và các mặt công tác khác, điều mà chúng tôi quan tâm đầu tiên chính vấn đề vệ sinh và nước sạch. Nếu ở trường nào NVS bẩn là chúng tôi phê bình hiệu trưởng trường đó, còn đối với NVS ở điểm trường bẩn, chúng tôi phê bình giáo viên phụ trách điểm trường này.
Cùng với đó, tất cả các cuộc họp triển khai, hướng dẫn nhiệm vụ năm học mới, chúng tôi luôn yêu cầu phòng GD&ĐT ở các địa phương chỉ đạo các trường học phải quan tâm đến công trình vệ sinh...
Mặt khác, chúng tôi thường xuyên chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường cho các em học sinh, đặc biệt là ý thức giữ gìn vệ sinh tại NVS. Do vậy, mấy năm nay, NVS ở các trường học luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và thực sự có hiệu quả trong việc xây dựng trường học thân thiện.
Khu nhà vệ sinh của học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (thành phố Yên Bái) được xây dựng đảm bảo yêu cầu sạch sẽ, vệ sinh.
- Thưa ông, đối với những NVS chưa đảm bảo kiên cố cũng như điều kiện về môi trường, ngành GD&ĐT có biện pháp gì để khắc phục tình trạng này?
Ông Hoàng Văn Trường: Riêng năm học 2011 - 2012 này, ngành giáo GD&ĐT đã dự tính kinh phí để xây dựng lại các NVS chưa đảm bảo chất lượng để đáp ứng nhu cầu của học sinh.
Theo đó, các huyện, thị xã, thành phố phải chủ động kiểm tra và có những phương án xây dựng (Sở không làm đề án chung để xây dựng các NVS cho các trường tiểu học và các điểm trường tiểu học).
Các phòng GD&ĐT các địa phương nhận thấy trường nào cần phải đầu tư xây mới, cải tạo lại NVS... thì phải lên kế hoạch, báo cáo với UBND huyện, thị, thành phố đầu tư bằng nguồn kinh phí của địa phương để xây dựng. Theo tôi, để xây dựng các NVS kiên cố thì vai trò của người đứng đầu nhà trường hết sức quan trọng trong việc tham mưu, đề xuất với phòng GD&ĐT địa phương. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 20% các trường học, chủ yếu là các trường mới xây dựng, có NVS khép kín.
Trong thời gian tới, việc xây dựng các NVS trong trường học cần phải cải tiến trong công tác thiết kế, xây dựng để đưa các công trình NVS của giáo viên, học sinh liên hoàn với nhà trường, cận kề với lớp học...
- Xin cảm ơn ông!
Thiên Cầm (thực hiện)
Các tin khác
YBĐT - Trước những diễn biến bất thường của dịch bệnh mùa đông xuân năm 2011 - 2012, thực hiện sự chỉ đạo của Sở Y tế Yên Bái, Trung tâm Y tế huyện Văn Yên sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh cho 27 trạm y tế/27 xã, thị trấn.
YBĐT - Chuẩn bị đón xuân Nhâm Thìn 2012, ngày 12/1, Báo Yên Bái phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Hội Chữ thập đỏ thành phố Yên Bái tặng trên 10 suất quà cho các hộ nghèo, đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái, với tổng trị giá 7 triệu đồng.
YBĐT - Ngày 12/1/2012, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác kiểm sát năm 2011, triển khai nhiệm vụ công tác và phát động phong trào thi đua năm 2012.
YBĐT - Những năm gần đây, công tác DS/KHHGĐ ở xã Yên Hưng, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm đáng kể.