Về Ngòi Lẻn đón tết với người Cao Lan

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/1/2012 | 2:54:25 PM

YBĐT - Theo những điệu hát Sình ca trong cái nắng vàng pha chút se se lạnh của một mùa xuân mới, chúng tôi đến thôn Ngòi Lẻn (xã Bạch Hà, huyện Yên Bình) - nơi có 97 hộ với 100% đồng bào dân tộc Cao Lan sinh sống để cảm nhận không khí đón tết cổ truyền nơi đây.

Người Cao Lan trong lễ mời rượu.
Người Cao Lan trong lễ mời rượu.

Người Cao Lan ở Bạch Hà từ bao đời đã sống dưới chân dãy núi Là quanh năm mây mù che phủ, cần mẫn, chăm chỉ lao động với ruộng đồng. Như các dân tộc khác trên mảnh đất này, sau một năm lao động vất vả, mọi gia đình ở Ngòi Lẻn lại chuẩn bị đón Tết thật chu đáo và ấm cúng.

Bên bếp lửa hồng, già làng Trần Cao Khải kể: “Với người Cao Lan ở vùng Đông hồ, nhà nào cũng thế, con lợn béo nhất, con gà đẹp nhất đều để dành đến dịp tết mới mổ thịt mời anh em, họ hàng, làng xóm, vì theo phong tục của người Cao Lan đó là tết to nhất”. Công việc chuẩn bị mừng năm mới đầu tiên của người Cao Lan là dán giấy đỏ trong nhà như những bài hát dân ca của người Cao Lan đã nói: “Năm cũ đã qua năm mới đến/ Các gia đình đều dán giấy ở cửa/ Các cửa đều được dán giấy hết/ Gió thổi đưa tờ giấy bay bay”.

 Những tờ giấy đỏ được dán từ bàn thờ tổ tiên cho tới cổng nhà, từ các đồ dùng sinh hoạt hàng ngày cho tới cái cày, cái bừa, từ chuồng lợn, chuồng gà cho đến cây cối trong vườn. Đồng bào Cao Lan tin rằng giấy đỏ sẽ đem lại may mắn cho cả năm phía trước. Cùng với việc trang trí nhà cửa, tết còn là dịp người Cao Lan làm các món ăn truyền thống. Vào ngày 28 - 29 tết, các gia đình đều mổ lợn, gói bánh chưng, bánh mật, bánh vắt vai và làm bún...

Những hạt gạo nếp mẩy nhất, những hạt đỗ xanh ngon nhất sẽ được người phụ nữ dành cho dịp tết. Từ sản vật do chính bàn tay lao động, người Cao Lan làm bún, xôi, bánh chưng, bánh rán, bánh mật và bánh vắt vai dâng lên ông bà tổ tiên vào dịp năm mới. Trong nét ẩm thực ngày tết, bánh vắt vai là loại bánh chỉ riêng người Cao Lan mới có. Bánh được làm từ bột gạo nếp, nhân bánh làm từ đỗ và đường, gói trong tàu lá chuối tây chẻ đôi. Mỗi nửa tàu chuối gói một chiếc, được luộc kỹ, bánh có thể vắt trên vai nên gọi đó là bánh vắt vai.

Tiếp câu chuyện giữa không khí ngày xuân ấm áp, già làng Trần Cao Khải kể thêm: “Đến ngày 30 tết, khi mọi công việc của năm cũ đã hoàn tất, bánh đã làm xong, nhà cửa đã trang trí đẹp đẽ, mọi nhà đều bày mâm cỗ cúng tổ tiên. Mâm cỗ cúng nhất thiết phải có con gà sống thiến và bún.

Người đàn ông chủ gia đình khi làm lễ sẽ mặc trang phục truyền thống, thắp hương, mời tổ tiên về ăn tết, cầu xin tổ tiên phù hộ cho con cháu sang năm mới mạnh khỏe, thóc lúa đầy bồ, trâu bò đầy chuồng, gà vịt đầy sân... Vì dân tộc chúng tôi luôn quan niệm "Tháng Giêng mồng một năm mới đến/ Bày mâm cỗ mời gia tiên/ Mời gia tiên về để uống rượu/ Phù hộ cho con cháu vạn niên”.

Cũng như người Kinh, người Cao Lan cũng thắp hương từ đêm 30 cho đến ngày Mùng hai hóa vàng mới thôi”. Đặc biệt, khi con gà đầu tiên trong bản cất tiếng gáy chào ngày đầu tiên của năm mới, người dân trong bản ra chiếc giếng đầu bản múc nước, đem về đun sôi và thờ cúng. Người Cao Lan tin rằng ai múc được nước sớm nhất người đó có được cả năm may mắn và no đủ.

Sáng sớm ngày mùng Một tết, sau khi đã cúng gia tiên, chủ nhà cho phép con cháu cùng ăn cỗ. Con cháu mừng tuổi cho ông bà, trẻ nhỏ. Chủ nhà và các con trai lớn đi chúc tết các gia đình trong thôn bản. Còn các mẹ, các chị thì ở nhà làm cơm đón khách. Sau một năm làm việc vất vả, đây là dịp cho mọi người nghỉ ngơi, vui chơi, thăm hỏi và chúc tụng nhau với những điều tốt lành. Các gia đình tụ họp đông đủ bên bếp lửa hồng, cùng nhau chuyện trò, bàn bạc, đánh giá thành quả của gia đình trong năm qua và tính chuyện làm ăn trong năm tới.

Sáng mùng Hai tết, cả làng tập trung tại đình làng để làm lễ khai xuân, khi ông thầy cúng của làng làm lễ xong, mọi người mới được ra khỏi làng đi chơi. Lúc đó cây nêu được dựng lên cho nam thanh nữ tú ném còn, những bãi sân rộng được chuẩn bị để cho trẻ con đánh quay, đánh cầu. Trong ngôi nhà sàn cổ kính, nhấp chén chè xanh, già Khải kể tiếp: “Ngày nay, nhờ Đảng và Nhà nước, người Cao Lan biết làm ăn nên đời sống đã đủ đầy hơn rất nhiều, tết cũng sung túc hơn và vui hơn. Trước kia, ăn tết cả tháng nhưng bây giờ người dân chỉ chơi tết đến mùng 4, mùng 5 là lại ra đồng cấy lúa cho kịp thời vụ”.

Ngoài kia, bên con suối Ngọn Ngòi, các chàng trai, cô gái của bản làng đang hát những câu hát đắm say lòng người trong không khí rộn rã của mùa xuân mới. Má cô gái ửng hồng, e ấp hỏi chàng trai “Em hỏi chàng/Em hỏi rằng chàng ở thôn nào/Em hỏi rằng chàng ở xóm nào/Bảo tên cho em cùng chàng đi chơi”. Chàng trai đáp lại “Nhà anh ở trong rừng sâu thẳm/ Anh ở một mình dưới gốc cây chân đồi/ Ra đi chẳng bầu cũng chẳng bạn/ Chẳng bầu chẳng bạn cái tâm sầu”…

Hồng Khanh

Các tin khác

YBĐT - Năm 2011, được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo tỉnh, thành phố, các sở, ban, ngành… cùng với sự quyết tâm, nỗ lực, sáng tạo của tập thể cán bộ, Công ty TNHH một thành viên Môi trường và Công trình đô thị Yên Bái đã phát huy nội lực hoàn thành vượt chỉ tiêu khối lượng được giao.

Sở Lao động Thương binh và Xã hội vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng ba.

YBĐT - Ngày 13/1, Sở Lao động TBXH tỉnh Yên Bái tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2012 và đón nhận Huân chương Độc lập hạng ba. Dự có các đồng chí: Ngô Thị Chinh - Phó chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Trọng Đàm - Thứ trưởng Bộ Lao động TBXH.

Bộ Nội vụ đề xuất mức phụ cấp mới này được áp dụng kể từ ngày 1/5/2012.

Các tập thể, cá nhân có thành tích năm 2011 được giám đốc Sở Thông tin và Truyền thôn khen thưởng.

YBĐT - Năm 2011, Sở Thông tin Truyền thông Yên Bái đã làm tốt công tác tác tham mưu, quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông trên địa bàn, duy trì và phát triển mạng lưới bưu chính, viễn thông; việc quản lý các cơ quan báo chí được thực hiện hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục