Miền Trung khẩn cấp đối phó bệnh tay chân miệng
- Cập nhật: Thứ tư, 14/3/2012 | 8:20:07 AM
Ngày 13-3, ngành y tế TP Đà Nẵng đã triển khai chương trình “Toàn dân phòng chống bệnh tay chân miệng” tại các quận huyện, xã phường trên địa bàn nhằm tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, xử lý dịch bệnh ở các trường học, nhóm trẻ gia đình, tổ dân phố, nhằm nâng cao nhận thức phòng, chống dịch bệnh trong nhân dân.
Từ đầu năm đến nay, TP Đà Nẵng ghi nhận trên 250 ca mắc tay chân miệng hầu hết là trẻ dưới 5 tuổi và 1 trường hợp đã tử vong.
Cùng ngày, ông Mai Thanh Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống bệnh tay chân miệng tỉnh Bình Định cho biết địa phương này đang triển khai sử dụng các giải pháp khác nhau để ngăn chặn tình trạng bệnh tay chân miệng đang lan rộng, đặc biệt là chiến dịch “rửa tay bằng xà phòng” trên toàn tỉnh. Hiện Bình Định có gần 400 ca mắc, trong đó có một ca tử vong. Tỉnh Quảng Ngãi cũng có hơn 450 ca mắc bệnh tay chân miệng nhập viện.
Ngày 13-3, Đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch (thuộc Bộ Y tế) đã có buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai về tình hình phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, hơn 2 tháng đầu năm 2012, dịch bệnh tiếp tục diễn biến nhanh, toàn tỉnh có gần 660 trường hợp bị bệnh tay chân miệng và gần 570 trường hợp bị sốt xuất huyết.
Dịch đến sớm
TS Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc BV Nhi TƯ cho biết, năm nay dịch tay chân miệng ở miền Bắc đến sớm hơn mọi năm. Như năm 2011, từ tháng 5 trở đi số ca mắc mới gia tăng, nhưng năm nay, thời điểm này, trung bình mỗi ngày có khoảng 10-18 ca tay chân miệng nhập viện, cao điểm tới 20 ca/ngày. Con số nhập viện thường chiếm khoảng 10% số bệnh nhân tới khám.
Cùng với miền Bắc, dịch tay chân miệng (TCM) trong cả nước đều đến sớm hơn mọi năm. Ông Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đền thời điểm hiện tại cả nước đã ghi nhận 12.442 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có 11 trường hợp tử vong, số mắc đã tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2011.
Đang chăm con tại khoa Truyền nhiễm (BV Nhi TƯ), mẹ bé N.H.M (11 tháng tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, ngày 10/3 con chị có biểu hiện sốt cao, hay bị giật mình, nghĩ con sốt vi-rút nên đã khám tư và theo dõi hạ sốt tại nhà. Sau 2 ngày, thấy ở tay chân miệng của con có xuất hiện nốt phỏng nước, gia đình tức tốc đưa bé nhập viện ngay trong tối.
“Vào viện, cháu bé đã có biểu hiện biến chứng ở não như ngủ lơ mơ, dễ bị kích thích, giật mình. Đây chính là một trường hợp tiêu biểu của bệnh TCM nhưng không có triệu chứng điển hình, sau 3 ngày sốt, giật mình mới xuất hiện nốt phỏng”, BS.ThS Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm nói.
Luôn phải cảnh giác với bệnh
TS Lê Thanh Hải cho biết, bệnh tay chân miệng do nhiều tuýp vi-rút gây ra và phần lớn các trẻ mắc bệnh có dấu hiệu điển hình là các tổn thương phỏng nước ở niêm mạc miệng, tay, chân nên dễ nhận diện nhưng năm nay, có một điều đặc biệt là nhiều ca bệnh không có các biểu hiện lâm sàng điển hình ngay từ đầu mà đã có tác động vào các hệ thống như hô hấp, tuần hoàn và thần kinh…
“Những ca bệnh này quả là khó và nan giải với các tuyến cơ sở. Bởi triệu chứng rất kín đáo, không có tổn thương phỏng nước rõ ràng. Còn khi đã điển hình rồi, xuất hiện các nốt phỏng nước thì bệnh cảnh rất nặng. Có lẽ do chủng vi rút bắt đầu có những thay đổi khiến tỉ lệ mắc do vi-rút EV 71 tăng lên. Khi mắc thể này, biểu hiện lâm sàng không rõ ràng như các chủng khác nên người mẹ lúc nào cũng phải cảnh giác theo dõi những bất thường ở trẻ khi trẻ có ốm, sốt cao trong thời điểm này”, TS Hải cảnh báo.
BS Đỗ Thiện Hải dự báo, thời gian tới số ca mắc TCM có thể tiếp tục gia tăng do thời tiết nắng ấm, độ ẩm cao thuận lợi cho vi-rút phát triển. “Đặc biệt cần lưa ý rửa tay bằng xà phòng vì chỉ có khoảng 25% trẻ TCM có yếu tố dịch tễ còn lại lây từ người lớn”, BS Hải khẳng định.
Vệ sinh bàn tay sạch chính là vấn đề cốt lõi nhất trong phòng bệnh tay chân miệng. Rửa tay sạch bằng xà phòng không chỉ phòng bệnh tay chân miệng mà còn phòng được nhiều bệnh khác như cúm, bệnh tiêu hóa khác. |
“Phải cảnh giác theo dõi phát hiện sớm bệnh ở con với những trường hợp không điển hình, sốt cao liên tục nhưng các bà mẹ cũng không nên quá hoang mang lo lắng. Vì với bệnh TCM, không phải là trường hợp nào cũng nhất thiết phải nằm bệnh viện theo dõi mà hơn 90% tự khỏi, chỉ khoảng 5% phải nhập viện điều trị. Đây là những trẻ thường sốt cao 39 - 40 độ, có các biểu hiện tiêu hóa, thần kinh, hô hấp như trẻ ho, nôn trớ, tiêu chảy, rung giật chân tay, ăn ngủ kém… thì phải nằm viện điều trị. Còn nếu thấy con mình có thể có các nốt phỏng ở chân, tay, thậm chí ở miệng vẫn ăn tốt, chơi tốt, không có sốt cao không nên quá lo lắng nhưng cũng nên đưa đi khám để được theo dõi, cách ly cho tốt, chăm sóc đặc biệt hơn, vệ sinh đảm bảo hơn”, TS Hải nói.
(Theo SGGP - Dân Trí)
Các tin khác
YBĐT - Từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn huyện Lục Yên (Yên Bái) đã có trên 109 vụ ly hôn (trong năm 2011 có 91 vụ và hai tháng đầu năm 2012 đã có 18 vụ). Đây là con số đáng báo động về tình trạng ly hôn của các cặp vợ chồng dù tuổi đời còn trẻ, trong đó có không ít cặp là giáo viên...
YBĐT - Cuộc vận động “Cùng em tôi đến trường” được Huyện Đoàn Trấn Yên (Yên Bái) triển khai là nội dung cụ thể hóa của cuộc vận động “Tuổi trẻ Trấn Yên học tập và làm theo lời Bác” và đẩy mạnh cuộc vận động “Vì đàn em thân yêu”.
YBĐT - Dạy học ở huyện vùng cao Trạm Tấu (Yên Bái) giờ đỡ vất vả hơn trước rất nhiều bởi đường sá đi lại dễ hơn, trường học khang trang, đời sống sinh hoạt khá thuận tiện, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách ưu tiên cho giáo dục khiến bà con người Mông quan tâm đến sự học của con cái...
YBĐT - Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền phường Nguyễn Phúc đã chú trọng xây dựng nhà văn hóa khu dân cư nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn.