Công trình nhớ Bác của thị xã miền Tây

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/5/2012 | 9:54:58 AM

YBĐT - Năm 1979, nhân kỷ niệm 10 năm thực hiện “Di chúc” của Bác Hồ, phong trào xây dựng “Ao cá Bác Hồ” được phát động trong cả nước. Cùng với đồng bào cả nước, nhân dân tỉnh Hoàng Liên Sơn tích cực hưởng ứng phong trào. Thị xã Nghĩa Lộ (lúc ấy là thị trấn Nghĩa Lộ thuộc huyện Văn Chấn) đã được tỉnh chọn là nơi xây dựng công trình.

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thị xã Nghĩa Lộ.
Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thị xã Nghĩa Lộ.

Ngày 2/7/1982, đồng bào các dân tộc trong huyện đã nô nức, phấn khởi làm lễ khởi công xây dựng công trình. Hạng mục đầu tiên được xây dựng là Vườn cây ăn quả Bác Hồ rộng gần 3ha đất đai cằn cỗi, nhiều sỏi đá, tưới tiêu gặp nhiều khó khăn, nhiều ý kiến cho rằng không thích hợp để trồng cây ăn quả.

Vượt qua tất cả, hàng trăm ngày công đã được huy động nhặt sỏi đá, cuốc đất, ủ phân. Ngay khi hoàn tất khâu làm đất, huyện đã phát động phong trào quyên góp cây ăn quả. Sau này, vườn cây được đầu tư tôn tạo, bổ sung thêm nhiều giống cây ăn quả quý hiếm.

Người dân vùng Mường Lò - Nghĩa Lộ luôn nhớ câu “Có ruộng vì nhờ có Bác Hồ”. Không lúc nào đồng bào nguôi khao khát được bày tỏ lòng biết ơn và được thắp nén hương tưởng nhớ Người, được báo công với Người về những thành quả trong lao động, sản xuất, học tập… Thể theo nguyện vọng tha thiết của đồng bào, việc xây dựng nhà sàn Bác Hồ đã được chính quyền địa phương phê duyệt. Cán bộ đã xuống tận nhà sàn nơi Bác sống và làm việc ở Hà Nội để đo đạc và thiết kế.

Huyện ủy đã vận động các xã vùng ngoài và nhân dân đóng góp gỗ quý, đóng góp nhiều nhất là xã Cát Thịnh, Thượng Bằng La. Ngày 20/7/1982, đồng chí Hà Thiết Hùng - Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn thay mặt đồng bào đặt nhát cưa đầu tiên để khởi công xây dựng Nhà sàn Bác Hồ.

Với diện tích 2.200m2, ao cá Bác Hồ là sản phẩm của công sức lao động tự nguyện của đồng bào các dân tộc vùng Mường Lò - Nghĩa Lộ. Ngày đó, từ học sinh cấp II, cấp III đến cán bộ các cơ quan, ban, ngành và nhân dân các dân tộc đã đóng góp hàng ngàn ngày công đào ao; đóng góp đá, cát, xi măng, vôi… xây ao. Ao cá Bác Hồ được thiết kế và xây dựng theo hình bản đồ địa giới huyện Văn Chấn. Đây là nét độc đáo, rất riêng của ao cá Bác Hồ ở thị xã Nghĩa Lộ.

Sau 14 tháng, các hạng mục chính vườn cây, ao cá và nhà sàn Bác Hồ đã hoàn thành. Ngày 03/9/1983, Vườn quả Bác Hồ được khánh thành, mở cửa đón các đoàn khách và nhân dân. Từ đó đến nay, hàng năm, nơi đây đón tiếp hàng ngàn lượt khách tham quan. Năm 1999, nơi đây chính thức được mang tên: Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh như hiện nay.

Khu tưởng niệm đến nay đã nhiều lần được nâng cấp, tôn tạo và hiện đang thi công dự án nâng cấp, tôn tạo, trong đó tập trung xây dựng hệ thống phòng trưng bày về thân thế và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phòng trưng bày dân tộc học, phòng chiếu phim tư liệu, thư viện... để phục vụ công tác tuyên truyền trong giai đoạn mới. Phương thức hoạt động của đơn vị cũng dần được hoàn thiện và đa dạng hóa.

Trước đây, hoạt động chủ yếu là tưởng niệm, tổ chức và phục vụ khách đến dâng hương, hoa, báo công lên Bác. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, Khu tưởng niệm đã tổ chức trưng bày tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi về thân thế, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác.

Đến nay, đơn vị đã sưu tầm được trên 10 bộ triển lãm về Bác như: Bác Hồ với công tác xây dựng Đảng; Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào thi đua yêu nước; Bác Hồ với đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam; Đảng ta là đạo đức, là văn minh; Bác Hồ với nền văn hóa Việt Nam...

 Đặc biệt, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Khu tưởng niệm đã liên hệ với Bảo tàng Hồ Chí Minh Trung ương sưu tầm bộ triển lãm chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thu hút hàng ngàn lượt khách tham quan. Đơn vị cũng chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, xã, phường, trường học tổ chức các hoạt động: trưng bày triển lãm chuyên đề về Bác tại chỗ và lưu động, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Bác, tổ chức lễ kết nạp Đảng - Đoàn - Đội, tổ chức cho học sinh tham quan, học tập, sinh hoạt, lao động ngoại khóa... Đây cũng là địa chỉ quen thuộc để tổ chức giao lưu, gặp mặt... của các đoàn thể.

Ngày 14/7/1997, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch) ra quyết định công nhận Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là chi nhánh thuộc Hệ thống các chi nhánh bảo tàng, khu di tích lưu niệm Hồ Chí Minh trong cả nước. Ngày nay, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một trong những thiết chế văn hóa lớn nhất của thị xã Nghĩa Lộ, là điểm tham quan thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.

P.T.D

Các tin khác
Thanh niên tình nguyện gặt lúa giúp nhân dân bản Có Thái, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải trong hè tình nguyện 2011.

YBĐT - Năm 2011, Yên Bái đã có nhiều tập thể, cá nhân điển hình được nêu gương sáng, có 4 thanh niên tiêu biểu được nhận phần thưởng "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác" do Trung ương Đoàn trao tặng...

YBĐT - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2011 - 2012, huyện Văn Yên (Yên Bái) có trên 1.000 thí sinh đăng ký dự thi ở ba Hội đồng gồm: Hội đồng thi Trường THPT Chu Văn An - Trung Tâm GDTX, Hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Lương Bằng và Hội đồng thi Trường THPT Trần Phú, với 48 phòng thi.

YBĐT - Hiện nay, số lượng bệnh nhân đến Bệnh viên thành phố Yên Bái để chạy thân nhân tạo ngày một tăng và hầu hết những bệnh nhân đến điều trị tại đây hoàn cảnh đang gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Ngày 18-5, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp kiểm điểm và xem xét hình thức kỷ luật đối với Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục