Mù Cang Chải bùng phát bệnh chó dại
- Cập nhật: Thứ năm, 12/7/2012 | 9:19:45 AM
YBĐT - Đến ngày 9/7/2012, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã có 181 trường hợp bị chó dại và nghi dại cắn nhưng mới chỉ có 95 người đi tiêm phòng chống dại, số người còn lại chưa đi tiêm là do nhận thức kém và chủ quan.
Những con chó thả rông này sẵn sàng tấn công người qua đường.
|
Trong những ngày cuối tháng 6 và đầu tháng 7 năm 2012, có mặt tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy người dân ra khỏi nhà luôn mang theo một chiếc gậy phòng khi gặp chó đuổi vì hiện nay bệnh chó dại đã xuất hiện với diễn biến hết sức phức tạp và lan nhanh trên địa bàn huyện.
Ông Mùa A Tòng - Chủ tịch UBND xã Púng Luông cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn có nhiều con chó chúng tôi nghi là bị mắc bệnh dại vì cứ chạy lung tung, khi gặp lợn đuổi cắn lợn, gặp trâu đuổi cắn trâu và gặp người cũng đuổi cắn người luôn, hiện nay nhiều người không dám ra đường”. Trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến đầu tháng 7 năm 2012, trên địa bàn xã Púng Luông đã có nhiều người bị chó cắn nhưng do được đưa đi bệnh viện cấp cứu và tiêm phòng kịp thời nên không có trường hợp nào bị tử vong.
Gặp chúng tôi, ông Lý A Tủa ở bản Mí Háng Tâu, xã Púng Luông là một trong những gia đình có người bị chó cắn kể: “Hôm 18/6 vừa rồi, con gái tôi là Lý Thị Sáng trong lúc đang đứng chờ đón xe để xuống trường học, bỗng có một con chó lạ xuất hiện và đã nhảy bổ vào cắn, sau đó con chó này chạy mất, tôi vô cùng lo lắng và phải đưa con đi tiêm vắc xin phòng chống bệnh ngay, tuy vậy đến nay vẫn thấy ghê sợ”.
Ở bản Mí Háng Tâu còn có chị Hảng Thị Chu là nạn nhân cũng bị chó dại cắn cho biết: “Thời gian vừa qua bệnh chó dại đã xuất hiện ở Mù Cang Chải và đã về đến đây, tôi lo sợ cho nên lấy dây xích con chó của nhà tôi vào cột nhưng tôi lại bị nó cắn luôn, tôi đã khẩn trương đến Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh tiêm vắc xin chống bệnh dại ngay nhưng tới giờ tôi vẫn thấy rất sợ mỗi khi nhìn thấy chó”.
Là huyện vùng cao khí hậu mát mẻ, từ trước đến nay Mù Cang Chải chưa hề có bệnh dại nhưng từ giữa tháng 3/2012, trên địa bàn huyện đã xuất hiện bệnh chó dại và bùng phát rất nhanh. Theo báo cáo của ngành thú y huyện Mù Cang Chải thì ca đầu tiên được phát hiện nghi là bệnh dại vào ngày 15 tháng 3 năm 2012 tại gia đình ông Đỗ Hữu Tuấn ở khu vực chợ thuộc bản Thái, xã Khao Mang có một con chó đã cắn liền 2 người dân, sau khi cắn người xong khoảng 4 giờ đồng hồ thì con chó này sùi bọt mép và lăn ra chết.
Đến ngày 14/5/2012, trên địa bàn xã Khao Mang tiếp tục phát hiện 3 con chó khác bị mắc bệnh với triệu chứng tương tự như con đã cắn người trước đó. Cùng thời điểm đó, tại thị trấn Mù Cang Chải đã có 1 con chó cắn liền lúc 5 người qua đường và con chó này cũng đã chết vài giờ sau đó. Đến giữa tháng 4/2012, trên địa bàn xã Chế Cu Nha và ở khu vực thị tứ Ngã Ba Kim thuộc xã Púng Luông cũng xảy ra những vụ chó cắn người tương tự và hầu hết sau khi cắn người xong, những con chó này đều có cùng một triệu chứng.
Tính từ khi xảy ra vụ chó cắn người đầu tiên ở xã Khao Mang cho đến nay mới chỉ hơn 3 tháng nhưng bệnh dại đã phát triển ra nhiều địa phương. Ông Sùng A Vàng - Trưởng khoa kiểm soát dịch bệnh của Trung tâm Y tế Dự phòng huyện Mù Cang Chải cho biết: “Đến ngày 9/7/2012, đã có 181 trường hợp bị chó dại và nghi dại cắn nhưng mới chỉ có 95 người đi tiêm phòng chống dại, số người còn lại chưa đi tiêm là do nhận thức kém và chủ quan”.
Đây là số liệu thống kê mà Trung tâm Y tế Dự phòng huyện Mù Cang Chải đã thu thập được còn theo dư luận thì số người thực tế bị chó cắn còn nhiều hơn nữa. Vì có nhiều người sau khi bị chó cắn đã tự đi tiêm vắc xin phòng chống dại ở các bệnh viện nằm giáp ranh với huyện Mù Cang Chải như: Bệnh viện Đa khoa Than Uyên của huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Lộ của thị xã Nghĩa Lộ và Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Yên Bái.
Những địa phương có nhiều người bị chó dại cắn là các xã: Lao Chải 37 trường hợp, La Pán Tẩn 20 trường hợp, Púng Luông 15 trường hợp, Zế Su Phình 13 trường hợp, Nậm Khắt 10 trường hợp. Ngoài ra, số địa phương còn lại ít nhất mỗi xã có từ 1 đến 3 trường hợp bị chó cắn nhưng chưa thể xác định rõ đó có phải là chó mắc bệnh dại không. Đây là lần đầu tiên bệnh dại bùng phát mạnh trên địa bàn nên hầu hết người dân chưa nhận thức được sự nguy hiểm. Có nhiều trường hợp bị chó cắn đã không đi tiêm phòng ngay mà còn để thời gian dài ở nhà.
Nhiều người khi thấy chó có những biểu hiện bất thường đã vội vàng đập chết ngay con chó không để theo dõi tình hình phát triển bệnh của nó. Bệnh dại xuất hiện trên địa bàn huyện Mù Cang Chải khiến 3 người tử vong. Trường hợp đầu tiên là nạn nhân Giàng A Giàng - 11 tuổi, ở bản Dao Cu Nha, xã Lao Chải, bị chó cắn vào ngày 29/4/2012 đã tử vong ngày 28/6/2012. Trường hợp thứ hai là Hảng A Ký - 32 tuổi ở bản Phình Hồ, xã Zế Su Phình bị chó cắn vào ngày 15/6 và tử vong ngày 3/7. Người thứ 3 là Lý Thị Sênh - 3 tuổi ở bản La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn bị chó cắn ngày 17/6 tử vong ngày 4/7/2012. Hầu hết các nạn nhân bị tử vong là do gia đình thiếu hiểu biết về loại bệnh này nên chủ quan không đưa các nạn nhân đi tiêm phòng ngay sau khi bị chó cắn.
Trước tình hình bệnh dại đang có những diễn biến phức tạp, Chi cục Thú y tỉnh đã thành lập đoàn công tác kiểm tra, xác minh tình hình bệnh trên địa bàn huyện Mù Cang Chải. Qua kiểm tra cho thấy, bệnh dại đang tiềm ẩn và có nguy cơ cao ở đàn chó, song nhân dân địa phương vẫn thả rông và chưa thực hiện các biện pháp phòng dịch theo quy định của pháp luật, do đó nguy cơ phát dịch ở đàn chó trên địa bàn huyện là rất lớn.
Một vấn đề làm đông đảo người dân băn khoăn là do tập quán nên 100% các hộ gia đình nuôi chó đều thả rông, số chó ở Mù Cang Chải được tiêm phòng không nhiều. Hiện nay, toàn huyện mới chỉ tiêm phòng được trên 400 liều vắc xin trong tổng số 8.350 con chó. Việc tiêm phòng hiện nay chủ yếu mới tập trung ở những khu vực đông dân cư và những khu vực đã xảy ra các vụ chó cắn người.
Ông Giàng A Củ - Trạm trưởng Trạm Thú y - Phó ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm huyện Mù Cang Chải cho biết: “Những con chó hay con mèo có biểu hiện như sau khi đuổi cắn người, trâu, bò, lợn, gà xong mà sùi bọt mép, chạy lung tung thì đó có thể là chó đã mắc bệnh dại, cần phải tránh xa. Còn nếu không may bị chó, mèo cắn thì bà con nên lấy xà phòng rửa sạch vết cắn và đến ngay bệnh viện hoặc trung tâm y tế dự phòng để tiêm phòng dại, đồng thời phải theo dõi con vật đó xem diễn biến như thế nào và thông báo cho ngành chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời ”.
Mặc dù huyện Mù Cang Chải đã chỉ đạo các địa phương triển khai nhiều biện pháp phòng chống bệnh dại nhưng do địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, nhận thức của người dân còn hạn chế nên việc tuyên truyền phổ biến cách phòng chống bệnh dại vẫn gặp nhiều khó khăn. Để phòng chống bệnh dại hiệu quả, các cấp chính quyền địa phương, Trung tâm y tế Dự phòng tỉnh và huyện cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về mối nguy hiểm của bệnh dại và vận động các hộ gia đình nên xích và nhốt chó, mèo, không thả rông, đồng thời tích cực tăng cường công tác tiêm phòng cho đàn chó nuôi.
Đức Hồng
Các tin khác
YBĐT - Những năm qua, có sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ cây và con giống của Nhà nước, xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã khai thác, phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… từng bước nâng cao đời sống của nhân dân.
Ngày 11-7, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương đã đưa ra nhận định bổ sung về tình hình mưa bão, lũ và ảnh hưởng của thời tiết trong những tháng tiếp theo của mùa mưa bão năm 2012.
YBĐT - Thực hiện Chiến lược Dân số và Sức khoẻ sinh sản Việt Nam, giai đoạn 2011- 2015, hiện tại công tác dân số của tỉnh đã và đang đạt được những kết đáng ghi nhận. Mức sinh và tỷ lệ tăng dân số tự nhiên cơ bản được khống chế, tình trạng sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ bà mẹ, trẻ em được cải thiện...
YBĐT - Những ngày cuối tháng 6 đầu tháng 7 chúng tôi lại có dịp cùng các chiến sĩ dân quân, tự vệ (DQTV), dự bị động viên (DBĐV) giúp việc cho những gia đình chính sách ở Trạm Tấu. Những bó lúa trĩu bông, sự nhiệt tình của lực lượng DQTV, DBĐV đã xua đi bao khó khăn, nhọc nhằn của người dân nơi đây.