Lao Chải kiên cường trong chống Pháp
- Cập nhật: Thứ sáu, 14/9/2012 | 10:06:19 AM
YBĐT - Trong chính sách chia để trị, trấn áp nhân dân hay sử dụng chính sách ngu dân… để dễ bề cai trị, bóc lột nhân dân các dân tộc miền núi, thực dân Pháp đã làm cho đời sống của bà con vô cùng thống khổ. Người Mông ở Mù Cang Chải trong những năm tháng bị Pháp đô hộ cũng không nằm ngoài nỗi thống khổ ấy.
Nghề nuôi ong mật của người Mông ở xã Lao Chải, Mù cang Chải.
|
Bởi vậy, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập năm 1930 cho đến khi khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng Tháng 8 năm 1945, cho dù người Mông ở Mù Cang Chải dẫu chưa hiểu biết nhiều về Đảng, thậm chí sự vận động giác ngộ cách mạng của Đảng chưa đến với vùng người Mông nhưng bà con người Mông ở đây đã thể hiện rõ tinh thần yêu nước căm thù giặc.
Đặc biệt, từ khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, Đảng ta chủ trương đẩy mạnh xây dựng căn cứ và lực lượng kháng chiến ở vùng cao đã gặp rất nhiều thuận lợi do người Mông ở Mù Cang Chải nhất tề đi theo Mặt trận Việt Minh.
Tinh thần giác ngộ cách mạng của đồng bào Mông lên cao, nhất là ở những nơi quân Pháp dựng đồn bốt, điển hình là vùng Cao Phạ - nơi có đồn Tú Lệ, vùng Chế Tạo (khi ấy còn thuộc huyện Mường La, tỉnh Sơn La) và một nơi nữa cũng là trung tâm lớn của phong trào cách mạng ở Mù Cang Chải, đó là xã Lao Chải hiện nay. Lao Chải khi ấy thuộc tổng Sủa Chùa của huyện Than Uyên, tỉnh Nghĩa Lộ. Than Uyên có khá nhiều đồn bốt của quân Pháp. Ở vùng trung tâm huyện Mù Cang Chải bấy giờ quân Pháp cũng đóng đồn ở Kim Nọi nên Lao Chải bị kìm kẹp giữa các đồn bốt.
Những người già ở đây kể lại rằng, quân Pháp bắt phu ở cả Lao Chải đi xây đồn Kim Nọi hay đồn Mường Kim. Thậm chí chúng xây đồn, làm đường ở mãi tận Khau Co bên huyện Văn Bàn của tỉnh Lào Cai cũng bắt phu Lao Chải. Hạt thóc, hạt ngô, trâu, ngựa, lợn, gà của dân làm ra, phần thì chúng bắt nộp sưu, phần thì chúng cướp trắng nên người dân rất khốn khổ.
Vì vậy, khi những cán bộ cách mạng như đồng chí Thuận Lợi, Vũ Đô Lương, Công, Sở, Nguyễn Văn Hứ… về đây xây dựng căn cứ thì ngay cả những vị chức sắc trong tổng như Thống quán Giàng A Hồ, Phó thống lý ở bản Xéo Mả Pán là Sùng A Chơ… cũng lập tức đi theo Việt Minh. Còn nhân dân trong xã thì ai nấy đều một lòng ủng hộ, giúp đỡ, che chở cán bộ cách mạng. Đội du kích ở đây cũng sớm được thành lập với lực lượng mạnh mẽ và dũng cảm, kiên trung đã gây cho quân Pháp ở các đồn xung quanh nỗi khiếp đảm.
Bà con người Mông ở xã Lao Chải thu hoạch lúa mùa.
Trước phong trào du kích ở đây phát triển mạnh và ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều vùng người Mông ở nơi khác, giặc Pháp vô cùng lo lắng cho hệ thống phòng tuyến của chúng theo hành lang Đông - Tây từ Việt Bắc sang Tây Bắc sẽ bị chặt đứt nên chúng ra sức khủng bố nhân dân và du kích ở Lao Chải. Chúng cho lính lên các bản trên núi cao ép dân phải xuống ở gần đường để dễ bề kiểm soát mối liên hệ của nhân dân với Việt Minh. Ngô lúa của dân bị chúng phá hết để không có lương thực tiếp tế cho cán bộ và du kích.
Mặt khác, chúng cho người dụ dỗ mua chuộc người dân Lao Chải dưới chiêu bài xây dựng xứ Thái - Mèo tự trị; tổ chức lễ gắn mề đay rất long trọng cho những chức sắc người Thái, người Mông ở nơi khác đi theo chúng, người dân nào theo chúng thì mới được mua muối…
Nhưng tất cả những hành động và thủ đoạn độc ác, xảo quyệt của địch không làm cho người Mông ở Lao Chải lùi bước. Vì thế, chúng đã do thám nơi ẩn nấp của du kích trong rừng để đánh úp. Chúng còn đốt phá làng bản, giết hại dân lành, người thân của những người đi theo cách mạng làm du kích, trong đó gia đình ông Giàng A Hồ bị tổn thất vô cùng to lớn.
Những người thân trong gia đình ông như Giàng A Dê, Giàng A Sở, Giàng Thị Lử bị bắn chết. Người con rể là Mùa A Phu bị thiêu sống và con trai cả của ông là Giàng A Hồ bị địch bắt đi biệt tích. Nhưng thêm một lần nữa, kẻ địch vẫn không hề khuất phục nổi sự kiên cường và tinh thần yêu nước của người Mông Lao Chải.
Tinh thần yêu nước quật cường của người dân Lao Chải đã góp phần to lớn vào chiến dịch giải phóng Nghĩa Lộ, mở toang cánh cửa miền Tây Bắc cho quân dân ta tiến vào giải phóng Điện Biên - sào huyệt cuối cùng của quân Pháp.
Nhiều du kích Lao Chải sau này đã trở thành bộ đội chính quy. Giàng A Hồ đã trở thành người đảng viên đầu tiên ở Mù Cang Chải, ông cùng với Sùng A Chơ nằm trong thế hệ lãnh đạo người Mông đầu tiên của huyện Mù Cang Chải. Phát huy tốt truyền thống cách mạng của mình, Lao Chải cũng là cái nôi cung cấp nhiều cán bộ chủ chốt trên mọi lĩnh vực qua các thời kì và đang là điểm sáng của công cuộc đổi mới kinh tế - xã hội ở Mù Cang Chải. Bộ mặt khu trung tâm xã hiện sầm uất hơn bởi hoạt động dịch vụ, thương mại. Người dân trong xã đã xây dựng được một số mô hình trang trại nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.
Quyết tâm vượt lên đói nghèo của người Mông ở Lao Chải hôm nay cũng mạnh mẽ như tinh thần anh dũng kiên cường trong đánh đuổi thực dân Pháp năm xưa.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
Bộ Giáo dục và Đào tạo – Bộ Tài chính – Bộ LĐTBXH mới ban hành thông tư (TT) liên tịch số 28/2012/TTLT – BGDĐT- BTC-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của QĐ số 45/2011/QĐ-TTg ngày 18.8.2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định hỗ trợ một phần kinh phí đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện đối với giáo viên mầm non (GVMN) có thời gian công tác từ trước năm 1995 nhưng chưa đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí.
YBĐT - Ngày 13/9, Hội Cựu giáo chức (CGC) tỉnh Yên Bái đã tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ II, nhiệm kỳ 2012- 2017.
YBĐT - Sáng ngày 13/9, tại thị xã Nghĩa Lộ, Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng “Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại 28/9/2012”, với chủ đề “Hãy cùng nhau đẩy lùi bệnh dại”.
YBĐT - Ngày 13/9, Đoàn khối doanh nghiệp tỉnh Yên Bái đã tổ chức lớp bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ công tác đoàn cho 60 đoàn viên là Bí thư, Phó bí thư các chi đoàn và đoàn trực thuộc khối doanh nghiệp tỉnh.