Xuân thành phố
- Cập nhật: Thứ sáu, 18/1/2013 | 3:17:18 PM
YBĐT - Gió từ phía bờ sông thổi vào thành phố. Mưa bụi bay. Mùi đao riềng cuối vụ thơm nồng từ bên nhà hàng xóm; cô bán hàng rong kĩu kịt vừa bước qua cửa nhà. Mùi dạ hương nồng nàn còn sót lại qua đêm bên phố nhỏ thưa nhà. Vào một buổi ban mai như thế ta bỗng ngẩn ngơ và thốt lên thành lời: Xuân thành phố.
Thành phố trẻ.
(Ảnh: Lê Bác Đạt)
|
Xuân thành phố - như một món quà quí giá thiên nhiên trao tặng cho mảnh đất trăm năm trầm mặc bên bờ con sông Hồng chở nặng phù sa bên bồi, bên lở. Có mấy ai biết được đô thị bây giờ với những con phố rộng dài, những công trình hoành tráng đã mọc lên từ một làng đồi cổ xưa thuộc tổng Bách Lẫm phủ Quy Hóa tỉnh Hưng Hóa - một vùng đất lần lượt là đất của một quốc gia độc lập thuộc các triều đại: Ngô, Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Một vùng địa tầng còn để lại bao dấu tích của tiền nhân thời nguyên thủy ở xóm Đá Bia, bên bờ ngòi Khe Dài chảy ra Tuần Quán ở cửa sông Hồng gò Bách Lẫm với những di chỉ thuộc hậu kỳ Đá cũ. Thành phố mang tên làng: Yên Bái mà dấu tích còn để lại trên nhiều con phố.
Ở đâu cũng có mùa xuân, nhưng xuân thành phố cứ đẹp đến nao lòng. Bầu trời xanh hơn. Những con phố lượn theo thế núi, thế đồi trở nên mềm mại và duyên dáng nhường kia. Nắng vàng trải trên ngọn hàng liễu bên hồ Yên Hòa, gió se se lạnh cuốn theo những chiếc lá vàng cuối thu chao lượn như nốt nhạc của bản sonate bên hồ. Xuân thành phố đẹp đến xao lòng không chỉ vì cảnh sắc và những ngọn gió heo may mà còn là vì một điều gì đó mà ta chỉ có thể cảm nhận mà rất khó gọi thành tên.
Có phải ngẫu nhiên không khi mà nhiều sự kiện lớn của đất nước, quê hương đều chọn mùa xuân? Mùa xuân hơn 110 năm trước tỉnh Yên Bái được thành lập. Với thế núi, thế sông trên bến dưới thuyền, giao thông thuận tiện của vùng đất này mà nơi đây được định hình là thị xã, trung tâm của văn hóa, kinh tế, chính trị và xã hội của một tỉnh miền núi giàu tiềm năng kinh tế và bản sắc văn hóa.
Cũng lạ thay, cách đây 83 năm nhà cách mạng yêu nước Nguyễn Thái Học cùng các chiến hữu của ông đã chọn một sớm mùa xuân để nổ súng khởi đầu cuộc khởi nghĩa lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp ở thị xã này, khi mà đêm trước những người con gái quả cảm Nguyễn Thị Giang, vợ chưa cưới của Nguyễn Thái Học cùng em gái Nguyễn Thị Bắc còn trà trộn vào lễ hội xuân của đền Tuần Quán, chùa Bách Lẫm để nắm tình hình và vận động binh lính địch quay súng về với cách mạng.
Và rồi đến đêm trước của mùa xuân, Yên Bái cùng cả nước đứng lên làm cuộc cách mạng tháng Tám giành lại độc lập, tự do cho đất nước, cho quê hương như vẫn còn xao động trong ký ức của biết bao người. Nhưng dù thế nào đi nữa thì thành phố và mùa xuân vẫn cứ hòa vào nhau, tan trong nhau để cho những tâm hồn mộc mạc phải ngẩn ngơ, xao động.
Xuân thành phố mặt hồ Yên Hòa xanh biếc soi cả bầu trời xanh, hàng cây bên bờ cũng xanh. Những cành lộc vừng trổ hoa e ấp và run rẩy. Mới chiều tối còn thấp thoáng trong vòm lá mà sớm ra hoa đã rụng đỏ rực gốc cây, trôi bồng bềnh kín một góc hồ. Hoa lộc vừng hồ Yên Hòa cũng là một phần của xuân thành phố. Từ đây đi chẳng bao xa là đến phố Yên Thái xưa. Mùi hoa sữa ngọt ngào. Biết rằng chẳng có cây hoa sữa nào ở đây, chỉ có mấy cây trước con dốc lên khu Tỉnh ủy, kề bên khách sạn Đồng Tâm mà hương thơm thẫm đẫm góc phố tràn đến tận hồ Hào Gia và len lỏi đến cả phố vắng Trần Quốc Toản.
Xuân thành phố cũng dặt dìu, se sắt nỗi buồn trong từng cơn gió thoảng. Gió từ sông thổi vào qua ô cửa sổ lớp học làm lật tung trang giấy học trò có bài thơ chép vội giữa giờ chơi. Gió heo may đem theo mưa bụi. Dường như chỉ có thành phố này mới có mưa bụi đẹp và buồn như thế. Những hạt mưa nhỏ li ti ẩn sâu trong khóe mắt và nỗi nhớ về nhau. Mưa bụi không ướt áo bao giờ, chỉ len lỏi trong mái tóc rồi đọng lại thành những hạt ngọc bé tẹo teo trang điểm lên vai, lên cổ áo, lúc ấy những cô gái đi trên đường phố mới nhận ra mưa bụi và để ai đó được “nếm vị heo may trên má em hồng”.
Đêm xuân thành phố. (Ảnh: Hoàng Đô)
Đêm xuân thành phố dường như sâu lắng hơn, tĩnh lặng hơn. Những con phố không còn ồn ào, náo nhiệt như mùa hè. Mùi hoàng lan ngạt ngào tan lẫn vào mùi ngô nướng béo ngậy. Ở góc phố thầm bên cạnh quảng trường mấy bà đứng tuổi đội nón lá dưới mưa bụi quạt ngô trên chậu than hồng. Những cô, những cậu tuổi học trò vây quanh vừa ăn vừa hít hà như từ tấm bé chưa thấy mùi ngô nếp nướng bao giờ.
Góc phố bên kia gần cổng trường nội trú quán ốc vặn luộc bốc hơi mời gọi. Những con ốc bé tí xíu béo ngậy được khêu ra bằng những chiếc gai bưởi chấm vào đĩa tương ớt đỏ au cũng hít hà vừa ăn vừa thổi như một thứ dư vị chỉ ở thành phố này mới có và cũng lại chỉ có ở mùa này. Ở góc phố xa vẳng lại tiếng rao đêm.
Chao ôi! Mùi ngô nếp nướng, mùi ốc luộc khêu bằng gai bưởi chấm tương ớt đỏ au và cả tiếng rao đêm cũng là một phần máu thịt của thành phố. Bỗng ớn lạnh so lại cổ áo, nếu mai kia hương vị này phai nhạt hoặc biến đi đâu mất, thành phố mọc lên từ một làng đồi cổ xưa làm gì còn thi vị.
Gió lại thổi từ phía bờ sông qua lao xao tiếng lá. Có thể cảm nhận hương đêm đậu trên vai áo, lùa vào trong tóc, len lỏi vấn vương. Cứ thử một lần đứng trên bến Âu Lâu vào một buổi sáng xuân nhìn màn sương mỏng la đà trên mặt nước bỗng nhận ra ngay vẻ huyền ảo và thơ mộng của dòng sông để ai đó phải thắt lòng mỗi độ xa quê.
Những chiếc thuyền nan lững thững đưa khách qua sông từ bến đò Chanh, từ bến Giới Phiên vừa thấy đấy đã chìm vào trong sương mù dày đặc. Không còn dòng sông, chỉ còn tiếng mái chèo khua nước trong veo và tiếng gọi “đò ơi” từ bến sông nào cất lên bồng bềnh trong sương sớm. Ai đó hẳn còn đằm sâu trong tâm thức bóng dáng cô lái đò ngày ấy.
Thành phố có hai cây cầu lớn bắc qua sông nhưng những chiếc thuyền nan vẫn man mác mái chèo đưa khách qua sông từ bến ngập tràn hoa gạo đỏ, giữa mịt mù sương sớm. Chao ôi! Bến nước - dòng sông - cô lái đò cũng là một phần của xuân thành phố.
Xuân thành phố đi nhanh như gió thoảng. Có thể ta chưa kịp nhận ra thì Xuân thành phố đã đi qua để lại bao nỗi bâng khuâng, nuối tiếc.
Hải Đường
Các tin khác
Theo Ban vận động “Ngày vì người nghèo” Trung ương thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thực hiện chủ trương chăm lo Tết cho người nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, Ban vận động đã thống nhất phân bổ tổng số tiền hơn 3,34 tỷ đồng từ “Quỹ vì người nghèo” Trung ương để hỗ trợ 11.134 suất quà Tết cho các hộ nghèo trên địa bàn cả nước.
YBĐT - Các giáo viên mầm non cắm bản ở huyện vùng cao Trạm Tấu vẫn đang ngày ngày miệt mài với công việc tưởng chừng trở thành đơn điệu và cùng với lòng nhiệt huyết để sẻ chia với những khó khăn của vùng cao, mang lại niềm vui mỗi ngày cho các bé.
YBĐT - Những năm gần đây, Bệnh viên Đa khoa tỉnh Yên bái được đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh hiện đại, đặc biệt phòng khám đa khoa đã được đưa vào khai thác, góp phần làm tốt công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân các dân tộc trong tỉnh và các tỉnh trong khu vực.
YBĐT - Hàng năm, cứ đến dịp tết Nguyên đán, thị trường hàng hóa lại trở nên sôi động. Đây là lúc các nhà sản xuất, kinh doanh tung ra thị trường một lượng hàng hóa lớn để phục vụ người tiêu dùng. Trước tết Nguyên đán chừng một tháng, các cơ sở kinh doanh ở Văn Chấn đã rục rịch gom hàng phục vụ dịp tết.