Sinh vật cảnh giá trị hiện hữu của cuộc sống
- Cập nhật: Thứ tư, 6/2/2013 | 9:09:07 AM
YBĐT - “Mộc, thạch, ngư, cầm” (gỗ, đá, cá, chim) là thú chơi sinh vật cảnh với rất nhiều yêu cầu khắt khe và đòi hỏi công phu. Có thể chỉ là những nhánh cây, phiến đá nhưng qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân chúng đã hóa thành các tác phẩm nghệ thuật mang những ý nghĩa và giá trị đặc biệt.
Bonsai dáng quân tử trực lắc
|
Vừa là một hình thức phát triển kinh tế nhưng nhiều khi giá trị mà nó mang lại thì không thể đo đếm.
Hành trình "Ghi dấu thời gian"
Nhắc đến anh Phạm Quốc Tuấn (tổ 14B, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình), những người trong giới chơi cây cảnh ở Yên Bái chắc hẳn không còn xa lạ. Là người gắn bó với thú chơi cây cảnh đầu tiên ở thị trấn Yên Bình với thâm niên gần hai mươi năm, đến nay trong vườn nhà anh Tuấn đã có hơn một nghìn cây cảnh các loại.
Vốn là người đam mê cây cảnh, lại có quỹ đất rộng nên từ năm 1996 anh đã đầu tư thời gian, công sức vào thú chơi này. Thường xuyên đọc các loại tài liệu, sách báo và học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, theo thời gian, anh đã có những kinh nghiệm trong kỹ thuật cắt tỉa và chăm bón giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt.
Theo anh Tuấn: “Cây cảnh đẹp cần tụ hội các yếu tố: cổ (tuổi đời), kì (dáng kì lạ), mỹ (cái đẹp khi nhìn vào), văn (ý nghĩa chuyển tải vào tác phẩm). Tuy nhiên, để làm được điều này thực sự rất khó bởi bên cạnh các yếu tố trên còn phải uốn nắn sao cho hợp với phong thủy, triết lý nhân sinh... mới tạo thành một cây cảnh nghệ thuật thực sự. Vì thế, người chơi cây cảnh phải có con mắt nhà nghề để có biện pháp tạo được cho cây dáng, thế đẹp”.
Cùng với việc ươm trồng, anh cũng tự đi tìm mua các loại cây phôi ở nhiều nơi. “Hễ thấy ai giới thiệu ở đâu có cây đẹp là lại muốn đến xem và cố gắng mua bằng được - anh tâm sự - Mua rồi, tự tay mình chăm bón, nuôi dưỡng và coi đó như “đứa con tinh thần” nên có khi một ngày không ngắm, không nhìn đã thấy nhớ”.
Chơi cây cảnh là một nghệ thuật, là cách để giữ gìn những nét đẹp của thời gian và đem nó vào cuộc sống. Mỗi cây cảnh như một cách để người chơi ghi lại dấu ấn qua từng bước thời gian của cuộc đời. Thông qua tác phẩm được chau chuốt, khắt khe tới từng chi tiết, người chơi gửi gắm vào đó cả tấm lòng với quan niệm sống, niềm khát vọng và những định chế về đạo đức. Tất cả các yếu tố đó đan xen nhuần nhuyễn song hành với quan hệ thẩm mỹ trong tác phẩm. Cây cảnh giúp người chơi có cảm giác được mang lại may mắn, tâm hồn thư thái và gần gũi, hoà mình với thiên nhiên.
Với nhiều người, cây cảnh đã trở thành những người bạn tri kỷ, mang theo những giá trị tâm linh nhất định. Người xa xứ khi trở về thường thích chơi cây lựu, gia đình có người già lại thích chơi cây cổ thụ, bạn bè lại tặng nhau những cây hoa gắn với những kỷ niệm… Một số người tỉ mỉ hơn thì chơi cây cảnh theo bốn mùa xuân - hạ - thu- đông hoặc theo chủ đề (như phúc- lộc- thọ)…
Tác phẩm “Tình mẫu tử” của “Tuấn gỗ lũa”.
Giữ gìn bản sắc quê hương
Cùng chung niềm đam mê sinh vật cảnh như anh Phạm Quốc Tuấn, nhưng biệt danh “Tuấn gỗ lũa” của anh Trần Văn Tuấn ở thôn 3, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình đã thể hiện rõ niềm đam mê của nghệ nhân gỗ lũa này.
“Tuấn gỗ lũa” chia sẻ: “Suốt 13 năm bôn ba làm việc ở các nước châu Âu, được đi thăm nhiều các cung điện, bảo tàng nổi tiếng thế giới đã khiến tôi luôn bị cuốn hút bởi những đường nét hoa văn độc đáo. Bởi thế nên khi quyết định trở lại Việt Nam, về quê cũ lập nghiệp, tôi đã tìm hiểu sâu về nghệ thuật gỗ lũa và quyết định chọn nó làm con đường phát triển cho riêng mình”.
Là loại gỗ có tính chất đặc biệt, khi một cây xanh chết đi, do ảnh hưởng của môi trường, sinh vật nên thân cây phân hủy. Trải qua thời gian, khi phần vỏ và những lớp mục đã tróc bong hết còn trơ lại phần cốt gỗ bên trong, chúng vô cùng bền chắc và không bao giờ bị mối mọt, mục nát, đó chính là gỗ lũa. Một khối gỗ lũa đẹp cần thể hiện được các yếu tố: thần (hồn của tác phẩm), vân (đường nét), chất (chất liệu), tọa (xuất xứ), danh (tên của tác phẩm). Nếu thiếu một trong năm yếu tố trên thì không được coi là tác phẩm hoàn hảo….
Để tạo ra được những khối gỗ lũa gọi là “kỳ mộc”, ngoài lòng kiên nhẫn, sự say mê, óc sáng tạo, trí tượng tượng phong phú và đôi bàn tay khéo léo, “Tuấn gỗ lũa” cũng đã phải bỏ ra không ít công sức đi khắp các vùng, miền trong cả nước để sưu tầm, tìm kiếm, thu mua nguyên liệu. Việc làm của anh ban đầu khiến nhiều người cho là không bình thường, thậm chí là điên khùng, vợ con đôi lúc cũng dao động, mất lòng tin.
Tuấn bảo: “Đã có những giai đoạn thật sự khó khăn vì cuộc sống, vì cơm áo gạo tiền và áp lực từ nhiều phía, nhưng rồi nhờ tình yêu đặc biệt với những lát gỗ lạ kì nên tôi vẫn tiếp tục và dần đã chinh phục được lòng tin của mọi người”.
Hiện tại, anh đã có những tác phẩm điêu khắc gỗ lũa được giới chuyên môn đánh giá cao; được mang đi tham dự nhiều triển lãm lớn trong, ngoài tỉnh và được nhiều khách hàng tìm đến. Đã có người muốn đổi anh cả một chiếc ô tô đắt tiền chỉ để lấy một tác phẩm. Tuy nhiên, không phải tác phẩm nào ông chủ cũng gật đầu.
Anh nói, làm gỗ lũa không giống như sản xuất đồ gỗ thông thường; mỗi sản phẩm là một tác phẩm đơn chiếc, có thời gian và cách thức khác nhau, hầu hết làm bằng phương pháp thủ công, không dùng máy móc để sản xuất hàng loạt được. Chính vì vậy, giá thành sản phẩm không phụ thuộc vào kích cỡ mà ở giá trị nghệ thuật, sự kết tinh từ bàn tay, khối óc con người. Có tác phẩm giá chỉ vài trăm nghìn đồng, có tác phẩm lên tới vài triệu đồng nhưng cũng có khi là vô giá.
Mong ước lớn nhất của “Tuấn gỗ lũa” là khi có điều kiện sẽ mở một phòng trưng bày các tác phẩm gỗ lũa để mọi người đến tham quan. Qua đó, anh vừa có thể bảo tồn và lưu giữ lại những nét đẹp của quê hương Yên Bái, đồng thời góp phần làm phong phú thêm cho một trong những thú chơi nghệ thuật độc đáo ở Việt Nam.
Tác phẩm “Cây sung dáng hình đất nước” trong vườn nhà anh Phạm Quốc Tuấn
Nghệ thuật và giá trị
Sau 16 năm gắn bó với thú chơi cây cảnh, giờ đây vườn cây của anh Phạm Quốc Tuấn, theo nhận định của những người sành trong giới chơi cây cảnh, có giá trị không dưới 10 tỷ đồng. Để có được gia sản như hôm nay, suốt gần 20 năm qua, anh đã phải dày công sưu tập, tìm kiếm cây phôi với đủ chủng loại, dáng vẻ, từ nhiều nơi mang về tạo tác lại thế, dáng và thổi hồn cho chúng.
Anh Tuấn tâm sự: “Có những cây khi mua ở dạng phôi chỉ vài chục triệu đồng nhưng sau dăm, bảy năm chăm sóc, tạo dáng có cây đã được trả giá tới vài trăm triệu đồng”. Hiện tại, để đáp ứng nhu cầu chơi cây cảnh ngày càng tăng của xã hội, gia đình anh đã kết hợp việc chơi cây cảnh với kinh doanh. Hàng năm, trừ loại chi phí (thuê nhân công chăm sóc, bảo vệ, mua phân bón…), gia đình anh cũng thu được vài trăm triệu đồng tiền lãi từ tiền bán cây.
Là người cũng phải trải qua nhiều khó khăn khi chọn con đường đến với sinh vật cảnh, nhưng cuối cùng công sức của “Tuấn gỗ lũa” cũng đã được đền đáp. Điển hình là tác phẩm “Kì lân dâng châu báu” của anh đã đạt giải xuất sắc trong Lễ hội chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010). Các tác phẩm khác như: Thiếu nữ miền sơn cước, Mẫu tử, Mộc nhân.. cũng đã giành được giải thưởng cao quý. Hiện tại, anh đang có trong tay trên một nghìn tác phẩm gỗ lũa nghệ thuật và phôi gỗ lũa với giá trị kinh tế hàng tỷ đồng.
Không thể phủ nhận rằng, sinh vật cảnh là một nghề có mang lại giá trị rất lớn trong phát triển kinh tế. Ngày càng có nhiều hộ gia đình đã biết tận dụng tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển loại hình kinh tế này. Hiện tại, phong trào làm sinh vật cảnh ở Yên Bái đã phát triển rộng khắp 7/9 huyện, thị, thành phố với gần 20 chi hội cơ sở và 534 hội viên.
Toàn tỉnh hiện có 220.000m2 đất trồng hoa, cây cảnh, 25.000m2 nhà xưởng phục vụ chế tác gỗ lũa, đá cảnh. Ước tính giá trị sinh vật cảnh của cả tỉnh đến thời điểm này khoảng 300 tỷ đồng. Tương lai không xa, sinh vật cảnh sẽ trở thành một ngành kinh tế sinh thái mũi nhọn của Yên Bái. Nghề sinh vật cảnh chính là những giá trị hiện hữu của cuộc sống.
Hồng Oanh
Các tin khác
YBĐT - Không khí xuân đang ùa về trên khắp mọi nẻo đường. Những cành đào, chậu quất đã bắt đầu khoe sắc và những công nhân của Công ty TNHH Một thành viên Môi trường và Công trình đô thị Yên Bái cần mẫn làm việc để góp phần cho thành phố thêm đẹp trước thềm xuân.
YBĐT - Cũng như nhiều xã vùng cao trên địa bàn huyện Trạm Tấu, mùa xuân năm 2013 là năm đầu tiên đồng bào Mông xã Bản Mù ăn chung một tết với đồng bào cả nước.
YBĐT - Cuối cùng thì mong ước bao năm qua của người Dao ở bốn thôn Ngòi Nhầu, Ngòi Ngần, Vĩnh An và Ngòi Kè của xã Bảo Ái, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã trở thành hiện thực. Điện quốc gia đã vượt qua suối, leo qua núi để mang ánh sáng tới thắp sáng làng bản ven hồ.
YBĐT - Tết Nguyên đán là thời điểm mọi nhà đang tất bật sửa soạn, mua sắm mọi thứ cho gia đình. Cùng với việc chuẩn bị các loại thực phẩm phục vụ ngày tết, nhiều gia đình cũng không quên việc mua thật nhiều đồ mã để “tiễn” đưa ông Công, ông Táo về trời, đi lễ đền chùa đầu năm và đốt cho người dưới âm nhân dịp đầu xuân năm mới.