Năm Tỵ gặp người nuôi rắn

  • Cập nhật: Thứ tư, 6/2/2013 | 9:34:33 AM

YBĐT - Theo quan niệm dân gian, năm nay là năm Tỵ, tức năm Rắn. Một ngày đầu xuân Quý Tỵ, tôi tìm đến ông Nguyễn Văn Tuyển (khu 5, thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình), người đã có hàng chục năm gắn bó với nghiệp nuôi rắn.

Những con rắn trưởng thành của ông Tuyển.
Những con rắn trưởng thành của ông Tuyển.

Nhấp chén nước trà xanh từ tay gia chủ mang đến cho khách cảm giác dễ gần của một gia đình người nông dân chất phác và yêu nghề với những câu chuyện về loài rắn ráo trâu mà ông đang nuôi đầy hấp dẫn. Ông chủ nhiệt tình dẫn khách đi xem khu chuồng trại quy mô với đủ các loại vật nuôi: vài chục con lợn béo trục béo tròn, những con rúi đang cần mẫn gặm gốc nứa trong bể xi măng.

Bản tính tò mò của tôi trỗi dậy khi đã đi lòng vòng mà vẫn chưa được “mục sở thị” đám rắn. Bỗng ông chủ dừng lại và mở khóa một căn nhà xây khá kiên cố. Thì ra, đây là nơi ở của cái đám cần phải “nuôi nhốt đặc biệt”. Có những hai lớp khóa, đến một cái hầm be bé rộng chừng vài mét vuông, luôn có bóng điện sưởi ấm, đây mới là chỗ trú ngụ của đám rắn con và là nơi ấp trứng.

Những quả trứng bé xíu màu trắng đục lẫn trong cát được chủ nhà nhặt từ vườn về mỗi sáng, ủ trong cát, đợi đủ 75 ngày sẽ thành một thế hệ mới. Rắn con mới nở khá nghịch ngợm, như những đứa trẻ, chúng bò lên dây diện, lên tường, tò mò giương đôi mắt tròn nhìn mọi thứ xung quanh.

Mở một hầm khác, phải đến vài trăm con rắn đã 4 tháng tuổi, to bằng ngón tay cái và dài chừng 40 cm đang nằm cuộn lấy nhau trên chiếc chõng tre. Ông Tuyển nhấc chúng lên trong sự ngạc nhiên của vị khách lần đầu nhìn thấy nhiều rắn đến vậy.

Ông Tuyển cởi mở chia sẻ: “Với những loại rắn tuổi đời còn ngắn, khả năng chống chịu với môi trường kém, chăm chúng như chăm con mọn, phải duy trì nhiệt độ thường xuyên ở 250C”. Thảo nào, các “căn nhà” nhỏ cho các chú rắn mới nở thật ấm áp, có thiết kế đặc biệt, tường thêm lớp xốp cách nhiệt, thắp bóng điện, có bộ đo nhiệt và quạt thông gió đầy đủ.

Song phải qua một khoảng sân nhỏ với tường xây kiên cố, đến một căn nhà nhỏ mái lợp lá cọ nằm giữa vườn rau xanh tốt, đây mới thực sự là “đại bản doanh” của các “chú Tỵ”. Trong nhà, những viên gạch xây chéo nhau tạo thành các ô chuồng, lật những lốp ô tô được cắt thành từng máng, dưới đó là cả trăm con rắn to, dài cả mét, con nào con nấy mình đen bóng. Hẳn đây không phải chỗ dành cho những người yếu tim.

Hơn một trăm con rắn cái và vài chục con rắn đực nằm cuộn tròn trong các ô chuồng, trên mái lá cọ. Những con rắn trưởng thành ưa tối và ẩm nên lớp lá cọ giúp cho chúng được mát trong mùa hè và ấm về mùa đông, vào những ngày trời đông mưa rét, ông chủ cẩn thận phủ một lớp bạt trùm kín gian nhà nhỏ. Những con rắn to lớn vài kí lô trông chẳng hề tỏ vẻ gì hung dữ, chúng để cho chủ thoải mái nâng lên ngắm nghía. Loài vật nào cũng có tính cách, với ông Tuyển, chúng đã quen đến từng bước chân, chỉ cần ông vỗ tay, huýt sáo là chúng đã ra vườn ăn.

Thức ăn cho đàn rắn cũng sẵn có. Lâu nay, mấy chục nhà ở đây có thêm một việc làm là bắt chuột bán cho nhà ông Tuyển. Với giá 40 nghìn đồng/kg, nhà nhà sắm thêm vài cái bẫy chuột đặt quanh nhà, thật là “nhất cử lưỡng tiện”, vừa có “tiền tươi thóc thật” vừa diệt được loại động vật phá hoại nguy hiểm. Có những ngày, người dân quanh vùng đem đến cho nhà ông Tuyển mấy chục kilôgam chuột, cóc, nhái…Tất cả chúng được ông Tuyển cho vào một tủ đá, dành riêng làm thức ăn cho rắn.

Có lẽ ít ai biết, người đàn ông hơn 40 tuổi có nụ cười hiền lành này lại là một kho kinh nghiệm về rắn, nào chữa bệnh cho rắn, nào nuôi tỷ lệ thế nào cho hợp lý, nào đặc tính của từng giai đoạn sinh trưởng khác nhau…Kinh nghiệm đó ông có được từ những chuyến đi đến làng rắn Lệ Mật (Hà Nội), làng Tứ Xã (tỉnh Phú Thọ) để nhìn tận mắt người ta nuôi rắn chuyên nghiệp, xây nhà lầu, mua ô tô từ nuôi rắn và hàng chục năm nuôi rắn với nhiều thăng trầm, nguy hiểm.

Nhìn bàn tay mất một đốt vì nghề, ông Tuyển chậm rãi kể: “Lúc đầu, tôi nuôi rắn hổ mang, bị rắn cắn, chữa mất một năm trời. Nuôi rắn độc rất nguy hiểm, tôi chuyển hẳn sang nuôi rắn ráo trâu”.

Với giá rắn thịt 1,4 triệu đồng/kg, con giống 3 - 4 tháng tuổi có giá 600 nghìn đồng/con, con vừa mới nở 400 ngàn đồng/con, trứng 250 - 300 nghìn đồng/quả, đàn rắn của gia đình ông thật là đáng giá. Ông Tuyển luôn ấp ủ nguyện vọng những người cùng chung đam mê sẽ thành hiệp hội những người nuôi rắn để cùng giúp nhau phát triển nghề.

Hy vọng sang năm Rắn, những người nuôi rắn như ông Tuyển sẽ có thêm một năm làm ăn phát đạt.

Hồng Khanh

Các tin khác
Thi đánh quay.

YBĐT - Tết này ở xã Trạm Tấu (Trạm Tấu), các gia đình người Mông nơi đây nhà nhà sum họp, người người phấn khởi. Gương mặt mỗi người chứa chan niềm hạnh phúc vì tết năm nay, đồng bào ăn chung, vui chung một tết với các dân tộc trong cả nước.

Bonsai dáng quân tử trực lắc

YBĐT - “Mộc, thạch, ngư, cầm” (gỗ, đá, cá, chim) là thú chơi sinh vật cảnh với rất nhiều yêu cầu khắt khe và đòi hỏi công phu. Có thể chỉ là những nhánh cây, phiến đá nhưng qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân chúng đã hóa thành các tác phẩm nghệ thuật mang những ý nghĩa và giá trị đặc biệt.

Công nhân Công ty chăm sóc hoa phục vụ tết.

YBĐT - Không khí xuân đang ùa về trên khắp mọi nẻo đường. Những cành đào, chậu quất đã bắt đầu khoe sắc và những công nhân của Công ty TNHH Một thành viên Môi trường và Công trình đô thị Yên Bái cần mẫn làm việc để góp phần cho thành phố thêm đẹp trước thềm xuân.

Người dân xã Bản Mù nhận tiền chăm sóc, bảo vệ rừng.

YBĐT - Cũng như nhiều xã vùng cao trên địa bàn huyện Trạm Tấu, mùa xuân năm 2013 là năm đầu tiên đồng bào Mông xã Bản Mù ăn chung một tết với đồng bào cả nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục