Ấm lòng người ở lại

  • Cập nhật: Thứ tư, 6/2/2013 | 9:58:35 AM

YBĐT - Tết này, toàn tỉnh Yên Bái có thêm 283 hộ được vui xuân trong những ngôi nhà mới. Theo Đề án sẽ có gần 900 hộ gia đình người có công được hỗ trợ làm nhà mới giai đoạn 2012 - 2015. Đó chính là nguồn động viên tinh thần lớn lao, thêm ấm lòng người ở lại...

Ông Đào Văn Ngân (thứ 2, phải sang) phấn khởi có ngôi nhà mới.
Ông Đào Văn Ngân (thứ 2, phải sang) phấn khởi có ngôi nhà mới.

Chị Nguyễn Thị Thủy là con dâu của cụ Đỗ Thị Niệm - mẹ liệt sĩ ở thôn Suối Chép, xã Thịnh Hưng (Yên Bình) rưng rưng: “Gia đình khó khăn, trước nay, cụ cứ ao ước có một căn nhà mới, thi thoảng vẫn bảo: “Thế cả đời tao không được ở nhà xây à?”. Nay được hỗ trợ làm nhà, cụ vui lắm! Chuẩn bị làm nhà, cụ hỏi đi hỏi lại: “Thế làm thật à? Có thật không?”. Hôm khởi công đào móng, cụ ở đó mãi mà chẳng chịu về…”.

Ông Nguyễn Văn Sợi ở thôn Miếu Hạ, xã Thịnh Hưng (Yên Bình) là anh trai của liệt sĩ Nguyễn Văn Giới hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ nay đã ngoài 70 tuổi. Ông ở một mình trong căn nhà gỗ cũ kỹ làm từ mấy chục năm trước. Nay được tỉnh hỗ trợ theo Đề án Chính sách hỗ trợ hộ gia đình người có công khó khăn về nhà ở, ông vay mượn và huy động con cháu xây được ngôi nhà cấp bốn rộng 66m2.

Ông Sợi kể rằng, bố mẹ mất sớm, ông nuôi em trai là liệt sĩ Nguyễn Văn Giới từ năm em 3 tuổi. Năm 1969, em trai đi bộ đội và năm 1973 có giấy báo tử. Ông bảo: “Tôi già rồi, cũng chẳng cần gì nhiều nhưng cố làm cái nhà để lưu giữ kỷ niệm và cũng để có chỗ thờ phụng đàng hoàng”. Những suy nghĩ sâu xa của ông Sợi, tôi thêm hiểu, ngôi nhà mới thật ý nghĩa biết bao!

Chị Nguyễn Thị Thủy là con dâu của cụ Đỗ Thị Niệm - mẹ liệt sĩ ở thôn Suối Chép, xã Thịnh Hưng (Yên Bình) rưng rưng: “Gia đình khó khăn, trước nay, cụ cứ ao ước có một căn nhà mới, thi thoảng vẫn bảo: “Thế cả đời tao không được ở nhà xây à?”. Nay được hỗ trợ làm nhà, cụ vui lắm! Chuẩn bị làm nhà, cụ hỏi đi hỏi lại: “Thế làm thật à? Có thật không?”. Hôm khởi công đào móng, cụ ở đó mãi mà chẳng chịu về…”.

Cụ Niệm năm nay đã 97 tuổi, có con là liệt sĩ Nguyễn Xuân Bình hy sinh tại mặt trận phía Nam. Chị Thủy lấy từ đáy tủ một túi ni-lông bọc kín rồi lật giở cho chúng tôi xem những kỷ vật về người anh chồng đã mãi mãi đi xa. Chị cầm lên một lá thư còn nguyên nét chữ được gói kỹ càng.

Đó là một lá thư từ chiến trường với những con chữ xinh xắn, nắn nót, thẳng hàng, kín hai mặt giấy là nỗi nhớ quay quắt của người con xa quê: “...Lá thư từ chiến trường gửi tới quê hương đã qua ba mùa lúa chín, gia đình bắt được thư con có mừng không mẹ? Quê hương chắc đã đổi thay nhiều. Hôm nay là ngày 26 tết, con viết thư cho mẹ cũng là hai cái tết con xa nhà, thầy mẹ, xa chị và các em, quê hương yêu quý. Con quên sao được từ nẻo đường, cái ngõ, từ lối ra vào cả cái giếng nước, miếng vườn. Nhớ các em từ nụ cười, mái tóc, nhớ dòng suối chảy quanh, quên sao được chiều đánh cá, quên sao được mẹ ơi!... Chắc thầy mẹ thông cảm cho con, lứa tuổi thanh xuân sinh ra trong thời chiến, làm nhiệm vụ ở chiến trường là vinh dự nhất…”.

Lá thư là một kỷ vật vô giá của gia đình và trên cả nỗi đau mất mát, hy sinh là niềm tự hào về sự cống hiến thiêng liêng, cao cả cho những mùa xuân độc lập của quê hương, đất nước. Thời gian trôi, người mẹ của liệt sĩ Bình giờ đã ở tuổi 97. Cụ vẫn còn minh mẫn để nhớ quá khứ và vui vầy cùng con cháu hôm nay. Chị Thủy dắt cụ cùng đưa chúng tôi ra thăm ngôi nhà mới xây đang chờ hoàn thiện. Trời mưa, mọi người ngần ngại không muốn để cụ đi nhưng cụ một mực chống gậy đi cùng.

Chị Thủy nói: “Cụ còn mạnh lắm, vẫn chống gậy đi chơi, chỉ phải cái nặng tai. Để cụ đi cho phấn khởi, được động viên tinh thần là cụ vui lắm!”. Cùng số tiền hỗ trợ của tỉnh, vợ chồng chị Thủy vay mượn thêm xây ngôi nhà mái bằng 90m2. Đại gia đình bốn thế hệ này, ai cũng vui, cũng phấn khởi vì tết này được sum họp trong ngôi nhà mới.

Có một hoàn cảnh khác, bà Nguyễn Thị Hảo ở thôn Lý Nhân, xã Đại Đồng (Yên Bình) - vợ của liệt sĩ Dương Văn Thuyết ngậm ngùi kể về những ngày xưa gian khó. Chồng hy sinh, một mình bà bươn bả với nghề làm đậu, làm đêm làm ngày để có tiền lo cho các con và tậu đất làm nhà. Năm 2011, căn nhà lá cũ nát bị đổ trong mưa bão, bà phải đi thuê nhà một năm. Năm 2012, được Nhà nước hỗ trợ, các con đã huy động thêm để xây nhà cho mẹ.

Nay bà đã về ở trong ngôi nhà hai tầng khang trang cùng với các cháu ngoại. Bà nhắc đi nhắc lại: “Cảm ơn Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền đã quan tâm và không quên những đóng góp của gia đình! Bây giờ, tôi không còn phải lo nghĩ gì về cái ăn, cái ở nữa”. Bà nói vậy nhưng rồi vẫn nghẹn lời, nước mắt vẫn chảy khi nhắc tới chồng. Từ trong sâu thẳm, bà đau đáu mong tìm được hài cốt của ông...

Ở tuổi 97, mẹ liệt sĩ Đỗ Thị Niệm toại nguyện mong ước về một ngôi nhà kiên cố.

Ông Đào Văn Ngân ở thôn 1, xã Giới Phiên (thành phố Yên Bái) - bố đẻ của liệt sĩ Đào Văn Tiến khóc nấc khi nhớ lại ngày nhận tin báo tử của con trai. Bản thân ông Ngân cũng từng là một người lính. Ông xúc động: “Tôi đã từng vào sinh ra tử, ba lần bị thương nhưng may mắn là nhẹ, còn con trai thì nằm lại nơi chiến trường...”.

Ôn lại thời chinh chiến, ông Ngân cho chúng tôi xem những kỷ vật: một chiếc áo gắn đầy huy chương, huân chương, các bức ảnh với đồng đội... Trở về đời thường, cuộc sống của ông khá chật vật. Ngôi nhà lá làm từ năm 1983 đã quá dột nát, nay được tỉnh hỗ trợ, ông cùng vợ chồng người con trai xây ngôi nhà cấp bốn khang trang.

Còn ngôi nhà cũ của thương binh Ngô Ngọc Hùng - tổ 22, phường Hồng Hà (thành phố Yên Bái) cột đã vỡ nứt, chật chội, ở vị trí thấp nên thường xuyên bị ngập lụt. Ông Hùng là thương binh hạng 4/4, bị thương khi chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tại Vị Xuyên (Hà Giang). Được tỉnh hỗ trợ cùng giúp đỡ của anh em và đồng đội cũ trong Câu lạc bộ Thương binh Hồng Hà, vợ chồng ông Hùng đã xây ngôi nhà rộng 100m2. Thật ý nghĩa khi ông chọn ngày 22/12/2012 để khánh thành ngôi nhà mới!

Thực hiện Đề án Chính sách hỗ trợ hộ gia đình người có công khó khăn về nhà ở của tỉnh Yên Bái, tết này, toàn tỉnh có thêm 283 hộ được vui xuân trong những ngôi nhà mới. Theo Đề án sẽ có gần 900 hộ gia đình người có công được hỗ trợ làm nhà mới giai đoạn 2012 - 2015. Đó chính là nguồn động viên tinh thần lớn lao, thêm ấm lòng người ở lại...

Ngọc Tú

Các tin khác
Những con rắn trưởng thành của ông Tuyển.

YBĐT - Theo quan niệm dân gian, năm nay là năm Tỵ, tức năm Rắn. Một ngày đầu xuân Quý Tỵ, tôi tìm đến ông Nguyễn Văn Tuyển (khu 5, thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình), người đã có hàng chục năm gắn bó với nghiệp nuôi rắn.

Thi đánh quay.

YBĐT - Tết này ở xã Trạm Tấu (Trạm Tấu), các gia đình người Mông nơi đây nhà nhà sum họp, người người phấn khởi. Gương mặt mỗi người chứa chan niềm hạnh phúc vì tết năm nay, đồng bào ăn chung, vui chung một tết với các dân tộc trong cả nước.

Bonsai dáng quân tử trực lắc

YBĐT - “Mộc, thạch, ngư, cầm” (gỗ, đá, cá, chim) là thú chơi sinh vật cảnh với rất nhiều yêu cầu khắt khe và đòi hỏi công phu. Có thể chỉ là những nhánh cây, phiến đá nhưng qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân chúng đã hóa thành các tác phẩm nghệ thuật mang những ý nghĩa và giá trị đặc biệt.

Công nhân Công ty chăm sóc hoa phục vụ tết.

YBĐT - Không khí xuân đang ùa về trên khắp mọi nẻo đường. Những cành đào, chậu quất đã bắt đầu khoe sắc và những công nhân của Công ty TNHH Một thành viên Môi trường và Công trình đô thị Yên Bái cần mẫn làm việc để góp phần cho thành phố thêm đẹp trước thềm xuân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục