Sắc xuân Tà Xùa
- Cập nhật: Thứ tư, 6/2/2013 | 10:05:27 AM
YBĐT - Trên con đường bê tông mới đổ, xe tôi bon bon đến bản văn hoá Tà Xùa, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu. Trước đây, từ trung tâm huyện đến bản phải mất gần 1 giờ đồng hồ thì nay chỉ mất 1/3 số thời gian ấy tôi đã lên đến bản.
Đến trường.
(Ảnh: Thanh Miền)
|
Những ngôi nhà to rộng, lợp mái phibrô ximăng xen lẫn những ngôi nhà lợp mái gỗ pơmu ngả màu thời gian dần hiện ra dưới tán rừng xanh. Từng tia nắng sớm mai như làm bừng lên sức xuân trên đỉnh Tà Xùa.
Đã nhiều lần lên công tác ở Tà Xùa nhưng mỗi lần đến tôi lại thấy mảnh đất này có nhiều đổi thay. Ngôi nhà của Bí thư chi bộ Phàng A Dề cũng khác nhiều. Nền đất ngày trước giờ được anh thay bằng nền gạch hoa sạch sẽ, thoáng mát. Vừa lát nền, xây bể đựng nước sinh hoạt và làm công trình vệ sinh công cộng khép kín hết tất thảy 22 triệu đồng.
Nhờ tích cực khai hoang ruộng nước, đến nay gia đình anh Dề có đến 6000 m2 ruộng hai vụ, mỗi năm thu về hơn 3 tấn lúa. Gia đình lúc nào cũng nuôi hơn chục con lợn, 4 con trâu và nhận chăm sóc, bảo vệ 6 ha rừng. Anh Dề đã thành một trong những người làm kinh tế giỏi nhất, nhì của xã Bản Công này. Ngôi nhà thật ấm cúng, ngô gác đầy trên mái, những bao thóc, bao ngô được anh xếp cẩn thận nơi góc nhà.
Dường như đoán được thắc mắc của tôi về sự vắng vẻ trong nhà, anh Dề nói luôn: “Nhà mình cùng với mấy chị em ra ruộng tích nước chuẩn bị làm đất cho sản xuất vụ xuân. Mấy đứa trẻ thì đi học. Nếu hôm nay không phải đi tuyên truyền, vận động bà con mình cùng ăn tết Nguyên đán thì mình cũng đi giúp vợ làm ruộng. Nghỉ ngơi chút rồi nhà báo đi cùng mình nhé!”.
Bên bếp lửa bập bùng, bí thư chi bộ Phàng A Dề nói rất nhiều về những cái lợi của đồng bào Mông khi cùng ăn Nguyên đán như tăng cường hơn nữa tình đoàn kết giữa các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, người dân trong bản có thêm nhiều thời gian chuẩn bị cho tết Nguyên đán, chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân, trẻ em có thời gian để học tập…
Anh bảo: “Những năm trước, cán bộ huyện và xã cũng nhiều lần tuyên truyền, vận động bà con trong bản ăn tết cổ truyền cùng các các dân tộc khác, bà con chưa thấy được cái lợi đó nên ít người làm theo. Dịp tết Mông năm ngoái, một số gia đình cán bộ huyện, xã là người Mông không tổ chức vui chơi, đón tết mà chỉ làm lễ cúng thôi để dành ăn tết cổ truyền của dân tộc. Do đó, năm nay vận động bà con thực hiện theo như vậy, tôi tin sẽ được thôi!”.
Ngồi cùng các anh với người dân thấy đúng hình ảnh cán bộ vùng cao. Chuyện các anh vừa lồng ghép, vận động bà con làm chuồng trại cho đàn gia súc, gia cầm, chủ động chống rét cho đàn gia súc trong mùa đông, vận động bà con tích cực làm đất, tích nước chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân, giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan xung quanh nhà xanh, sạch, đẹp. Những người dân trong bản như anh Phàng A Di, Phàng A Dơ, Giàng A Say, Giàng A Vư, Giàng Thị Say hay Phàng A Lồng… đều rất phấn khởi và hứa sẽ thực hiện đầy đủ những gì đã nói với trưởng bản và bí thư chi bộ.
Thật mừng khi nghe anh Giàng A Di nói với trưởng bản: “Cán bộ vận động dân mình ăn tết Nguyên đán là muốn người Mông mình được đón cái tết vui vẻ, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm. Phải ăn tết cùng nhau để dân mình được đi chơi tết cùng nhau chứ. Nếu ở bản ăn tết Mông thì con cháu đi học xa không được nghỉ về nhà ăn tết cùng gia đình chúng tôi cũng không vui đâu”.
Nhiều nhà trong bản đã có ti vi, xe máy, máy khâu. Trưởng bản Phà đọc vanh vách cho tôi nghe những con số: thôn Tà Xùa có 88 hộ, 522 nhân khẩu với 99% là dân tộc Mông. Toàn thôn hiện có gần 50 ha lúa nước gieo cấy hai vụ, 48 ha đất gieo trồng ngô và từ 3 - 5 ha trồng các loại cây rau màu khác. Thôn có gần 2.000 con gia súc, gia cầm các loại; tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi ra lớp đạt 100%; 100% các hộ dân có công trình vệ sinh, nhà tắm, có hố rác.
Cán bộ, đảng viên trong thôn thường xuyên vận động nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích cực giúp nhau xoá đói, giảm nghèo. Trưởng bản Phà hào hứng: “Ở Tà Xùa bà con không chỉ giữ rừng tốt mà còn tích cực tham gia trồng rừng. 2 năm qua, cả thôn đã trồng mới trên 100ha rừng phòng hộ, trong đó có 30ha cây sơn tra, khoanh nuôi bảo vệ tốt gần 400ha rừng tái sinh. Đặc biệt, mỗi năm thôn phấn đấu trồng mới từ 30 - 50ha trở lên với cây sơn tra là chủ lực. Nếu được chăm sóc và bảo vệ tốt, vài năm nữa những rừng cây sơn tra này không chỉ giúp nhiều hộ dân thoát nghèo mà nhiều hộ sẽ vươn lên làm giàu từ loại quả đặc sản này”.
Lòng hẹn lòng, có thể năm nay tôi sẽ lên Tà Xùa đón xuân!
Hà Anh
Các tin khác
YBĐT - Tết này, toàn tỉnh Yên Bái có thêm 283 hộ được vui xuân trong những ngôi nhà mới. Theo Đề án sẽ có gần 900 hộ gia đình người có công được hỗ trợ làm nhà mới giai đoạn 2012 - 2015. Đó chính là nguồn động viên tinh thần lớn lao, thêm ấm lòng người ở lại...
YBĐT - Theo quan niệm dân gian, năm nay là năm Tỵ, tức năm Rắn. Một ngày đầu xuân Quý Tỵ, tôi tìm đến ông Nguyễn Văn Tuyển (khu 5, thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình), người đã có hàng chục năm gắn bó với nghiệp nuôi rắn.
YBĐT - Tết này ở xã Trạm Tấu (Trạm Tấu), các gia đình người Mông nơi đây nhà nhà sum họp, người người phấn khởi. Gương mặt mỗi người chứa chan niềm hạnh phúc vì tết năm nay, đồng bào ăn chung, vui chung một tết với các dân tộc trong cả nước.
YBĐT - “Mộc, thạch, ngư, cầm” (gỗ, đá, cá, chim) là thú chơi sinh vật cảnh với rất nhiều yêu cầu khắt khe và đòi hỏi công phu. Có thể chỉ là những nhánh cây, phiến đá nhưng qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân chúng đã hóa thành các tác phẩm nghệ thuật mang những ý nghĩa và giá trị đặc biệt.