Đoản khúc giao thừa

  • Cập nhật: Thứ tư, 6/2/2013 | 10:23:13 AM

YBĐT - Giao thừa là giờ phút linh thiêng, gia đình đoàn tụ bên nhau thì lúc này giữa tiết trời giá buốt, trên nhiều con đường, góc phố, những người công nhân quét rác vẫn lặng thầm, cần mẫn với công việc.

Phút giao thừa.
Phút giao thừa.

“Chị cứ quét dần từ đầu đại lộ Nguyễn Thái Học đến hết tuyến phố. Quét xong đường, lại chờ những người bán đào, bán quất ở khu vực Công viên Yên Hoà về thì tiếp tục quét dọn lá, quả và đất cát họ bỏ lại. Có những đêm giao thừa những năm trước, chị làm tới 3 giờ sáng ngày mùng 1 cơ nên còn phải tiếp tục quét chỗ rác mà những người đi chơi đêm giao thừa về xả ra nữa”, chị Đặng Thị Minh - công nhân đội quét và thu gom rác thải Công ty TNHH một thành viên Công trình và Môi trường đô thị Yên Bái cho biết.

“Lạnh lắm nên cứ phải quét nhanh thì người mới ấm lên được. Thời tiết trong những ngày tết này có mấy ai muốn ra ngoài, trừ những nhóm thanh niên đi chơi tết và những người bắt buộc phải làm công việc về đêm như bọn chị. Ừ, thì xã hội phân công rồi, mỗi người một việc, việc của mình thì mình làm thôi. Nhìn thấy đường phố khi chúng mình làm xong sạch sẽ cũng thấy vui, thấy mình cũng góp được chút công sức nhỏ bé cho sự sạch đẹp của thành phố trong những ngày vui này” - chị Phạm Kim Yến vừa quét vừa tâm sự trên đường Lê Hồng Phong, thành phố Yên Bái.

Công ty TNHH một thành viên Công trình và Môi trường đô thị Yên Bái có 2 đội quét, thu gom rác thải với 69 người; 1 đội xúc và san lấp rác thải có 24 người với 4 xe tải hạng nặng. Trong những ngày tết, bắt đầu từ 23 tháng Chạp, theo kế hoạch, toàn bộ 3 đội đều được huy động tối đa nhân lực "xuống đường". Nhiệm vụ của họ là làm sao để đường phố luôn sạch rác thải, người dân thành phố được đón tết với không khí trong lành, khang trang và tươi mới...

Khác với ngày thường, trong những ngày này, mỗi công nhân phải làm tăng ca, ăn uống tranh thủ qua loa rồi lại có mặt túc trực trên đường. Riêng ngày 30 tết, họ có mặt 24/24 giờ ngoài đường, đảm bảo không để rác thải bị dồn ứ; có đến một nửa trong tổng số gần 100 con người của cả 3 đội phải đón giao thừa trên đường. Quét xong tuyến phố rồi mấy chị em quây quần nhau lại bên đống lửa chia sẻ chuyện gia đình ngày tết để chờ xe đến chở rác đi.

Trong sự vất vả giữa tiết trời rét buốt của đêm giao thừa, những thanh củi phế liệu cháy rực lên ngọn lửa hồng, xen lẫn những tiếng cười đùa tếu táo làm cho không gian như mở ra khoáng đạt và một bầu không khí xuân ùa tới lẫn trong đó những câu hát: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng. Gian khổ biết dành phần ai...”.

Chị Vũ Thị Ngọc Tuyến - đội trưởng đội quét và thu gom rác số 1 chia sẻ: “Hát làm cho tinh thần của các đồng nghiệp lạc quan hơn và thấy lòng mình tự hào hơn, tạm quên đi hết những vất vả lo toan thường nhật để đón chào một mùa xuân mới với những niềm vui, niềm tin và hy vọng mới”.

Rồi chị kể: “Thấm thoắt thế mà đã gần 20 năm trong nghề rồi, em ạ. Nhanh thật đấy! Chị nhớ những ngày đầu vào nghề, đi làm cứ phải bịt kín mặt vì ngại bạn bè đi học qua nhìn thấy. Làm chưa quen nên người mệt mỏi, chân tay rã rời, mắt lúc nào cũng chỉ chực nhắm lại. Nhưng làm mãi thành quen, yêu nghề và gắn trọn cuộc đời với nó lúc nào chẳng hay”.

Trước câu hỏi: "Một tháng lương các chị được bao nhiêu?", chị trầm ngâm: "Cả lương, cả thưởng, tổng hợp tất cả các khoản thì được gần bốn triệu đồng. Thời buổi trượt giá này, khó khăn lắm nhưng cũng phải cố tính toán chi li".

Tiếng chổi tre lặng lẽ cho đêm xuân thành phố thêm lung linh. (Ảnh: Hoàng Đô)

Là đội trưởng đội quét và thu gom rác thải số 2, khác đội với chị Tuyến, chị Trịnh Thị Nhị cũng là một người đã gắn bó nhiều năm với nghề chia sẻ: "Có lẽ thấy tủi thân nhất là những đêm 30 tết đón giao thừa một mình cùng với chiếc chổi và con đường. Nhìn gia đình họ tay trong tay lại nghĩ về gia đình mình nhưng vì công việc nên đành phải chấp nhận.

Bù lại, mình được rất nhiều người quan tâm. Như tết vừa rồi, có đôi bạn trẻ yêu nhau đi đón giao thừa về thấy chị đang cặm cụi quét dừng xe lại rồi nói: "Cô ơi! Năm mới chúng cháu chúc cô và gia đình nhiều sức khỏe, hạnh phúc"; chị chưa kịp cảm ơn hai đứa đã vù xe đi. Tự nhiên thấy yêu đời, yêu nghề và yêu người hơn"...

3 giờ sáng! Đêm giao thừa! Thành phố Yên Bái lạnh buốt giá. Xoẹt, xoẹt, xoẹt... tiếng chổi tre vẫn đưa đều văng vẳng. Âm thanh ấy vang lên trong bao la tĩnh lặng, khi phố phường đã chìm trong giấc ngủ say sau những quay cuồng men rượu tết. Mưa xuân giăng khắp phố. Thi thoảng lại nghe rõ tiếng những chiếc lá sấu rụng trên đại lộ Nguyễn Thái Học. Với những người lao công cần mẫn ấy, nắng có nỗi khổ của nắng, mưa có cái mệt của mưa, ngày thường có vất vả của ngày thường, tết đến thì muôn vàn cực nhọc... của cái nghề "ăn với chồng nửa bữa, ngủ với chồng nửa đêm".

Xoẹt, xoẹt, xoẹt… từng nhát chổi,  rồi kụt kịt, kụt kịt… tiếng bánh xe đẩy mài xuống bề mặt đường nhựa đứt quãng và rời rạc - đoản khúc ấy đã đi vào “Tiếng chổi tre” của nhà thơ Tố Hữu - thứ thanh âm cuộc sống mỗi ngày của các chị: “Tiếng chổi tre. Xao xác. Hàng me... Chị lao công. Như sắt. Như đồng. Chị lao công. Đêm đông. Quét rác...!”

Thiên Cầm

Các tin khác
Đến trường.
(Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Trên con đường bê tông mới đổ, xe tôi bon bon đến bản văn hoá Tà Xùa, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu. Trước đây, từ trung tâm huyện đến bản phải mất gần 1 giờ đồng hồ thì nay chỉ mất 1/3 số thời gian ấy tôi đã lên đến bản.

Ông Đào Văn Ngân (thứ 2, phải sang) phấn khởi có ngôi nhà mới.

YBĐT - Tết này, toàn tỉnh Yên Bái có thêm 283 hộ được vui xuân trong những ngôi nhà mới. Theo Đề án sẽ có gần 900 hộ gia đình người có công được hỗ trợ làm nhà mới giai đoạn 2012 - 2015. Đó chính là nguồn động viên tinh thần lớn lao, thêm ấm lòng người ở lại...

Những con rắn trưởng thành của ông Tuyển.

YBĐT - Theo quan niệm dân gian, năm nay là năm Tỵ, tức năm Rắn. Một ngày đầu xuân Quý Tỵ, tôi tìm đến ông Nguyễn Văn Tuyển (khu 5, thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình), người đã có hàng chục năm gắn bó với nghiệp nuôi rắn.

Thi đánh quay.

YBĐT - Tết này ở xã Trạm Tấu (Trạm Tấu), các gia đình người Mông nơi đây nhà nhà sum họp, người người phấn khởi. Gương mặt mỗi người chứa chan niềm hạnh phúc vì tết năm nay, đồng bào ăn chung, vui chung một tết với các dân tộc trong cả nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục