Người Mông vui tết đoàn viên

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/2/2013 | 2:26:21 PM

YBĐT - Năm nay, gia đình anh Vàng A Hù và chị Hảng Thị Chu dân tộc Mông ở bản Mí Háng Tâu, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải đã được đón một cái tết vui tươi và đầm ấm.

Thi giã bánh dày.
Thi giã bánh dày.

Những năm trước đây, khi gia đình tổ chức ăn tết truyền thống của dân tộc là lúc hai đứa con của anh chị đang bận học tại trường chưa thể về nhà  để ăn tết cùng gia đình. Nhưng năm nay thì khác rồi, bên mâm cơm đoàn viên ngày tất niên, anh Hù phấn khởi cho biết: "Trước đây khi ăn tết, gia đình tôi chỉ làm thủ tục để cúng gia tiên thôi, chưa mổ lợn tết, vì các con của tôi còn đi học xa chưa về nhưng tết năm nay thực hiện ăn chung với tết Nguyên đán, các con tôi đã về đầy đủ, gia đình tôi đã mổ lợn và giã bánh dày. Tôi  rất vui  khi gia đình sum họp đông đủ như thế này".

Gia đình anh Chang A Mùa ở bản Lùng Cúng, xã Nậm Có cũng vậy. "Bản thân tôi công tác xa nhà và có đứa em cũng đi học xa nhà nên khi ăn chung một tết, tôi thấy rất hợp lý. Năm nay gia đình tôi được ăn tết thật vui, vì các thành viên trong gia đình đã có mặt đông đủ" - anh Mùa chia sẻ. Không chỉ riêng gia đình anh Hù và anh Mùa mà rất nhiều gia đình khác ở huyện vùng cao Mù Cang Chải đều được đón tết vui vẻ và đầm ấm.

Em Thào A Sang - sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái cho biết: "Mấy năm trước, khi gia đình tổ chức ăn tết là lúc em đang bận học ở  xa, chưa được về nhà ăn tết với gia đình, em rất buồn nhưng năm nay thì khác trước nhiều, em đã được về ăn tết cùng với gia đình và có thời gian đến thăm hỏi anh em, bạn bè".

Em Cứ Thị Hoa là sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Yên Bái cũng phấn khởi bày tỏ: "Em vui lắm khi được ăn tết với gia đình và tham gia các hoạt động văn hóa thể thao như: ném pao, múa khèn, đẩy gậy, đánh quay và được giao lưu văn hóa với bạn bè các dân tộc khác".

Theo phong tục truyền thống thì đồng bào Mông thường tổ chức ăn tết sớm hơn tết Nguyên đán một tháng, đó là vào những ngày cuối tháng 11 và đầu tháng 12 Âm lịch hàng năm. Tết  của người Mông thường kéo dài nhiều ngày. Tuy nhiên, lúc này là thời điểm đang vào vụ sản xuất đông xuân và đây cũng là thời gian bận nhất trong năm nên rất nhiều con em của đồng bào đang bận công tác, học tập ở xa khó có điều kiện về đoàn tụ vui tết cùng gia đình. Chính vì vậy, việc ăn chung một tết vào dịp tết Nguyên đán là phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương cũng như nguyện vọng của đa số các gia đình và không làm ảnh hưởng tới lao động, sản xuất.

Nhận thức được việc thay đổi tục ăn tết theo tinh thần vui chung một tết là có lợi, đồng bào Mông đã chuyển thời điểm ăn tết sang cùng với tết Nguyên đán. Việc ăn chung một tết sẽ tạo cơ hội cho những cán bộ, đảng viên đang công tác và các em học sinh, sinh viên đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học và trung học chuyên nghiệp được về ăn tết với gia đình. Đồng thời, đồng bào Mông sẽ có thời gian và điều kiện tham gia các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí và cũng là dịp để bạn bè gần xa và những người dân tộc khác đến chia sẻ các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Anh Khang A Chua - Bí thư Huyện đoàn Mù Cang Chải cho biết: "Thực hiện theo chủ trương của tỉnh, của huyện về việc vận động đồng bào Mông trên địa bàn huyện ăn chung một  tết vào dịp tết Nguyên đán, Huyện đoàn đã vận động đoàn viên, thanh niên ở cơ sở thực hiện tốt nội dung này. Đây là một cuộc vận động có ý nghĩa đối với đồng bào vùng cao. Khi tổ chức ăn tết cùng với tết Nguyên đán, các bạn trẻ có thời gian tham gia các trò chơi, giao lưu văn hóa với thanh niên các dân tộc khác, do đó các bạn đều hưởng ứng nhiệt tình".

Mặc dù đây là năm đầu tiên huyện Mù Cang Chải thực hiện vận động đồng bào cùng vui chung một tết nhưng đã được đại đa số bà con người Mông đồng tình ủng hộ. 

Vàng Mai

Các tin khác
Quang cảnh buổi lễ cấp sắc của đồng bào Dao, xã Đại Sơn.

YBĐT - Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII "Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", huyện Văn Yên đã tạo được chuyển biến căn bản trong nhận thức của các cấp uỷ, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò văn hoá đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở địa phương.

YBĐT - Trung tá Vũ Xuân Hải - Trưởng Công an phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái cho hay: "Công an phường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều năm liền đạt danh hiệu "Đơn vị quyết thắng".

Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Thái, xã Sơn A, huyện Văn Chấn.

YBĐT - Với địa bàn rộng, Văn Chấn có nền văn hóa dân gian của 13 dân tộc anh em rất phong phú, đa dạng và đặc sắc. Và mùa xuân là mùa của các lễ hội dân gian đặc sắc. Việc tổ chức, quản lý tốt các hoạt động vui chơi, lễ hội đầu xuân là việc cần phải được quan tâm.

Chợ  hoa ngày tết ở thành phố Yên Bái. (Ảnh: Tuấn Nghĩa)

YBĐT - Thị trường tết Nguyên đán đã nhanh chóng kết thúc để trở lại với nhịp điệu vốn có của mình. Nếu để có một lời nhận xét về thị trường tết Quý Tỵ thì một câu cô đọng nhất chắc chắn sẽ là “đa chiều”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục