Văn chấn: Chung tay cho giáo dục
- Cập nhật: Thứ tư, 20/3/2013 | 9:17:49 AM
YBĐT - Là huyện miền núi, diện tích rộng, có nhiều xã vùng cao, giao thông khó khăn, dân cư không tập trung, đời sống của đồng bào còn khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều…, những yếu tố đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục của Văn Chấn.
Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Văn Chấn Sa Quang Phụng thăm giờ học tin học của học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Văn Chấn.
|
>> Nền tảng những đổi thay >> Vun đắp ước mơ
Song trong những năm gần đây, sự nghiệp giáo dục - đào tạo của huyện được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội chăm lo, vào cuộc, đặc biệt là từ khi thực hiện các mục tiêu của Đề án “Xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010-2015” theo Nghị quyết số 22 của HĐND tỉnh, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên.
Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thanh Xuân cho biết: "Để thực hiện được các mục tiêu của Đề án, huyện đã chỉ đạo ngành giáo dục - đào tạo tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các thầy cô giáo, các em học sinh, xác định các công việc cần làm trước mắt và lâu dài. Từ những căn cứ đã xác định được, trong điều kiện cơ sở vật chất và nguồn kinh phí để đầu tư, xây dựng cho các đơn vị còn hạn chế, đặc biệt là các trường PTDTBT và các trường có học sinh bán trú, ngành giáo dục - đào tạo đã tham mưu cho huyện thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, trước hết là huy động nguồn lực trong nhân dân và hội cha mẹ học sinh”.
Khu ký túc xá khang trang, ngăn nắp của các em học sinh Trường PTDTBT xã Nậm Lành (Văn Chấn). Ảnh: Văn Trường
Để huy động được sức dân và các nguồn lực trong xã hội, ngành giáo dục - đào tạo huyện Văn Chấn đã tham mưu cho Huyện ủy ban hành Chỉ thị số 06-CT/HU, về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác giáo dục và đào tạo; Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Quyết định về việc phân công các đồng chí trong Ban thường vụ, Ban chấp hành Đảng bộ huyện phụ trách cụm xã, thị trấn và phụ trách xã, thị trấn, đội ngũ này được kiện toàn hàng năm.
Hội đồng Giáo dục huyện Văn Chấn đã ban hành các quyết định về việc phân công các chi, Đảng bộ trực thuộc đỡ đầu các cơ sở có học sinh bán trú, tạo bước đột phá quan trọng trong công tác xã hội hóa giáo dục với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”...
Nhờ vậy, sau 3 năm triển khai và thực hiện việc tăng cường huy động công tác xã hội hóa giáo dục, nhất là với công tác xây dựng trường PTDTBT và các nguồn lực đầu tư cho các trường có học sinh bán trú đã thu được kết quả nổi bật. Công tác xã hội hóa giáo dục, xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài không chỉ dừng lại ở các gia đình, làng xã mà lan rộng khắp thu hút sự tham gia đóng góp của cá nhân, tập thể, tổ chức, đơn vị cả trong và ngoài tỉnh. Có những doanh nhân, cá nhân ủng hộ cả tỷ đồng để xây dựng trường bán trú, đầu tư cơ sở vật chất cho các điểm lẻ ở các đơn vị trường vùng cao.
Bữa cơm chiều của các em học sinh Trường PTDTBT tiểu học và THCS Suối Giàng (Văn Chấn). Ảnh: Thanh Miền
Điển hình như ông Bùi Khắc Sơn - Giám đốc công ty cổ phần Thủy điện Văn Chấn, ông Đặng Nho Quang ở thôn Vàng Ngần (Suối Quyền) tự nguyện bỏ vật liệu xây dựng 2 phòng học, ông Đặng Nho Tài (Suối Quyền) hiến 2.000m2 đất đá xây dựng trường học, Quỹ Thiện Tâm (ở Hà Nội) hỗ trợ tiền ăn trưa cho học sinh ở bán trú...
Thầy giáo Bùi Xuân Vinh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Suối Quyền phấn khởi cho biết: "Nhờ làm tốt công tác xã hội hóa nên nhà trường được Công ty cổ phần Thủy điện Văn Chấn xây dựng cho 6 phòng học điểm trường Vàng Ngần, đáp ứng cho hơn 100 cháu ăn học. Học sinh, phụ huynh và giáo viên phấn khởi lắm".
Sau 3 năm tăng cường huy động công tác xã hội hóa giáo dục, nhất là với công tác xây dựng trường PTDTBT và các nguồn lực đầu tư cho các trường có học sinh bán trú, huyện Văn Chấn đã thu được 7,3 tỷ đồng (trong đó năm 2010 huy động được 1,1 tỷ đồng, năm 2011 huy động được 2,5 tỷ đồng, năm 2012 huy động được 3,7 tỷ đồng), góp phần xây dựng được nhiều phòng học, phòng ở cho nhiều học sinh ở bán trú. Đến nay, phòng học kiên cố và bán kiên cố của huyện Văn Chấn đạt 91%.
Đặc biệt hơn, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 22 của HĐND tỉnh về Xây dựng trường PTDTBT ở huyện Văn Chấn đã góp phần giảm số lượng lớp ghép (năm học 2004 - 2005 toàn huyện còn 77 lớp, 1.752 học sinh, thì đến năm học 2012-2013 còn 20 lớp, 331 học sinh); chất lượng giáo dục có sự chuyển biến rõ nét: năm 2011-2012 cấp tiểu học số lượng học sinh giỏi môn Tiếng Việt 18,61%, Toán 28,9%, đều tăng so với cùng kỳ năm học trước; ở cấp THCS: 28,80% học sinh có học lực khá giỏi, tăng so với năm học trước 1,87%.
Học kỳ I năm học 2012-2013, tỷ lệ chuyên cần đạt 98%; tỷ lệ duy trì số lượng đạt trên 99,9%; chất lượng hai mặt giáo dục tiếp tục tăng. Tất cả những yếu tố trên sẽ là động lực quan trọng cho sự nghiệp giáo dục Văn Chấn vươn lên một tầm cao mới.
P.V
Các tin khác
YBĐT - Để xây dựng, củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn và phong trào thanh niên trong doanh nghiệp ở Yên Bái, cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo, kiểm tra nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên.
YBĐT - Ở xã Bản Công, Trạm Tấu, thầy và trò Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và Trung học cơ sở không ngừng nỗ lực dạy và học. Dưới mái trường bán trú, các em học sinh dân tộc thiểu số được quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng, vun đắp những ước mơ...
YBĐT - Thay vì những bữa cơm đạm bạc chỉ có nước sôi, muối ớt và ít rau rừng, giờ đây, bữa cơm của hàng ngàn học sinh vùng đặc biệt khó khăn trong tỉnh nói chung và huyện Văn Yên nói riêng đã có thêm thịt, cá, đậu và các loại rau xanh…
Mức phạt này được Bộ GD-ĐT đưa ra tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục được công bố trong hội thảo ngày 19-3 tại Hà Nội. Phạt từ 15-20 triệu đồng đối với lớp có số lượng học sinh vượt quá mức quy định từ 41% trở lên