Khi được đến trường bán trú
- Cập nhật: Thứ tư, 20/3/2013 | 2:53:05 PM
YBĐT - Đến trường Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở (PTDTBTTH&THCS) xã Khao Mang (huyện Mù Cang Chải) nhìn những khuôn mặt xinh xắn, hồng hào, tươi vui trong bộ đồng phục sạch sẽ hay những chiếc áo sặc sỡ hoa văn của người Mông, phần nào đã cho thấy các em được sự quan tâm rất lớn của nhà trường.
Các em học sinh bán trú xã Khao Mang tích cực trồng rau xanh cải thiện bữa ăn hàng ngày.
|
>> Nền tảng những đổi thay >> Vun đắp ước mơ >> Văn chấn: Chung tay cho giáo dục
Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở (PTDTBTTH&THCS) xã Khao Mang (huyện Mù Cang Chải) có 917 học sinh thì có tới 515 em thuộc diện bán trú. Đây là trường có số lượng học sinh bán trú lớn nhất tỉnh Yên Bái vì phải tiếp nhận cả học sinh từ xã Lao Chải. Trong số đó, có rất nhiều gia đình có 3- 5 con, cháu học bán trú tại trường. Nhiều người đã bày tỏ niềm vui khôn xiết khi con họ đi học bán trú đều khỏe mạnh, ngoan, học tập tốt. Người dân ở bản Háng Dông xã Lao Chải, bản Háng Bia Ha xã Khao Mang cách trường quãng 2km còn bảo nếu không có trường bán trú thì không biết việc học hành của con cái họ sẽ ra sao.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Hòa - Hiệu trưởng nhà trường, trước khi trở thành trường PTDTBT năm 2011 theo Nghị quyết 22 của HĐND tỉnh thì trường đã triển khai hình thức bán trú dân nuôi từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, khi ấy, số học sinh ở bán trú tại trường ít hơn và nhà trường chỉ quản lý các em về việc ở, học tập tại trường.
Bây giờ, số học sinh bán trú tăng cao và nhà trường đảm nhiệm thêm cả việc ăn, ở, học tập, chăm sóc sức khoẻ cho học sinh, sự vất vả, phức tạp đối với cán bộ, giáo viên cũng tăng lên rất nhiều. Bù lại, niềm vui của những người làm công việc “trồng người” cũng nhân lên gấp bội bởi với những chính sách ưu tiên theo tinh thần của Nghị quyết 22 thì học sinh người Mông ở nơi non cao đầy khó khăn này đã được hưởng thêm nhiều chế độ đầu tư của Nhà nước.
Sự đầu tư đó đã thực sự tạo được điểm bật mạnh cho sự nghiệp giáo dục ở vùng cao như: tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học tiểu học được đến lớp đạt 100% và THCS cũng đạt gần xấp xỉ; tỷ lệ học sinh chuyên cần và chất lượng học tập cũng có tăng lên đột biến do các em không còn phải bận bịu giúp đỡ mọi công việc gia đình như trước đây để chuyên tâm vào học tập. Bữa ăn của các em hàng tháng với mức đầu tư bằng 40% mức lương tối thiểu đã giúp cho các hộ nghèo bớt đi bao gánh nặng khi tỷ lệ hộ nghèo ở Mù Cang Chải vẫn còn tới trên 70% và nhiều nhà có từ 3 đến 4 con, cháu đang độ tuổi đi học.
Được biết, bữa ăn của học sinh bán trú tại Khao Mang hiện đạt khoảng 7.500 - 8.500 đồng/bữa, các món ăn được thay đổi đảm bảo dinh dưỡng cho các em. Bởi vậy, khi được hỏi: “Bữa ăn ở trường có no và ngon hơn ở nhà không?” em Lý A Dê lớp 4A cùng mấy bạn đều trả lời: “No và ngon hơn ở nhà rất nhiều ạ!”.
Nhìn những khuôn mặt xinh xắn, hồng hào, tươi vui trong bộ đồng phục sạch sẽ hay những chiếc áo sặc sỡ hoa văn của người Mông, phần nào đã cho thấy các em được sự quan tâm rất lớn của nhà trường.
Nơi ở của học sinh, mỗi căn phòng rộng cỡ 50m2, ở tới 60 học sinh nhưng mọi thứ rất gọn gàng, sạch sẽ. Tinh thần tự giác học thêm sau mỗi buổi học ở trên lớp cũng được các thầy cô rất khen ngợi và cuối mỗi buổi chiều các em còn tranh thủ trồng rau xanh để thêm vào bữa ăn.
Ngoài ra, nhà trường còn rất quan tâm đến đời sống tinh thần cho các cháu bằng việc tăng cường sách tham khảo, truyện trong thư viện, sinh hoạt văn nghệ tập thể rồi xem ti vi khoảng 1 tiếng trước giờ đi ngủ. Tinh thần học tập tự giác, thái độ lễ phép và sinh hoạt nề nếp của các cháu có được là nhờ sự quan tâm dạy dỗ chu đáo của nhà trường, nhất là với những em nhỏ tuổi. Không những thế, thể lực các cháu cũng rất tốt do được quan tâm phòng các bệnh về mắt, chăm sóc y tế theo chương trình nha học đường, tẩy giun định kỳ…
Cái được lớn nhất ở loại hình trường chuyên biệt này là từ những chính sách ưu tiên cho giáo dục vùng cao đã ngày càng nhân lên niềm tin của đồng bào dân tộc với Đảng và Nhà nước. Không những thế khi con cái đi học bán trú, người lớn ở nhà bớt đi gánh nặng chăm sóc các con để chuyên tâm vào làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo và cùng với Nhà nước ươm mầm cho nguồn nhân lực mới, đưa tương lai quê hương Mù Cang Chải nhanh chóng vượt qua đói nghèo, lạc hậu.
Dẫu vậy, những ngôi trường bán trú như ở Khao Mang vẫn đang còn gặp khá nhiều khó khăn và cần thêm nhiều sự quan tâm hơn nữa của Nhà nước. Trong đó, những ưu tiên hàng đầu là khắc phục sự chật chội về chỗ ở cho học sinh. Nguồn nước sinh hoạt cho nhà trường rất thiếu và phải dùng nước từ khe núi nên chất lượng nước cũng hạn chế.
Hơn nữa rau xanh tuy đã trồng nhưng mới chỉ đáp ứng phần rất nhỏ nhu cầu bữa ăn hàng ngày, phần lớn vẫn mua ở chợ nên nhiều khi nhà trường rất lo về chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi thế, các trường bán trú nên chăng cần được ưu tiên cả đất đai để tự túc một phần rau xanh hoặc xây dựng mô hình hộ trồng an toàn để chuyên cung cấp cho nhà trường. Công trình vệ sinh công cộng cho lượng học sinh bán trú đông như vậy cũng cần được đầu tư tương xứng. Nhân viên phục vụ, quản sinh cũng cần được ưu tiên về biên chế hoặc hợp đồng và phải có chuyên môn thì mới bảo đảm công tác quản lý, chăm sóc học sinh bán trú cũng như giảm tải công việc cho giáo viên phải làm kiêm nhiệm… Những khó khăn đó nếu sớm được khắc phục thì hiệu quả từ loại hình trường PTDTBT chắc chắn sẽ còn được nâng cao hơn nữa.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
Ngày 19-3, Ban Tuyên giáo trung ương phối hợp với Bộ Thông tin - truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị cán bộ báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2013.
Trải qua 82 năm, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luôn hoàn thành xuất sắc sứ mệnh mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân giao phó.
YBĐT - Chiều 19/3, Công ty Liên doanh Canxi Cacbonat YBB phối hợp với Phòng cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn - Công an tỉnh Yên Bái tổ chức huấn luyện và thực tập phương án chữa cháy năm 2013. Đây là hoạt động hưởng ứng Tuần lễ An toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ năm 2013 của doanh nghiệp.
YBĐT - Là huyện miền núi, diện tích rộng, có nhiều xã vùng cao, giao thông khó khăn, dân cư không tập trung, đời sống của đồng bào còn khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều…, những yếu tố đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục của Văn Chấn.