Việt Nam sẽ thừa 2,3 – 4,3 triệu nam giới
- Cập nhật: Thứ sáu, 29/3/2013 | 2:05:16 PM
Đây thực sự là mối đe dọa đến sự phát triển kinh tế -xã hội, nhất là an sinh xã hội của nước ta trong thời gian tới.
Trong tương lai Việt Nam sẽ dư thừa khoảng 2,3 – 4,3 triệu nam giới
|
Vừa qua, Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình đang đề xuất lên Chính phủ đề án can thiệp giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2013-2020. Một trong những biện pháp nhân văn tại đề án là chính sách hỗ trợ cho các gia đình sinh con một bề là gái...
Xung quanh chủ đề này, PV VOV online có cuộc phỏng vấn T.S Dương Quốc Trọng - Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình.
PV: Thời gian qua, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình được Đảng và Nhà nước quan tâm, đặc biệt là vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. Vấn đề này được Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình triển khai như thế nào và đạt kết quả ra sao?
T.S Dương Quốc Trọng: Công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình trong thời gian vừa qua được sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước, thể hiện qua các con số, nhất là việc thực hiện mục tiêu giảm sinh. Trong 50 năm qua, tổng tỉ suất sinh (số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) đã giảm từ 6,4 con (năm 1960) xuống còn 2 con (năm 2010).
Theo các nhà khoa học tính toán, chỉ tính riêng trong 20 năm qua, Việt Nam đã tránh sinh được 18 triệu trường hợp. Thành quả trên có ý nghĩa hết sức to lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội, góp phần nâng cao mức bình quân đầu người, nâng cao các chỉ số sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam. Tuy nhiên những thành quả đó lại tạo ra những khó khăn, thách thức mới.
Do làm tốt công tác giảm sinh, nên tỷ lệ trẻ em sinh ra đã giảm xuống nhanh chóng. Số trẻ em trước đây trong thời kỳ tăng sinh đến nay đã bước vào độ tuổi lao động, vì vậy số người trong độ tuổi lao động trong giai đoạn hiện nay và khoảng 30 năm tới sẽ đạt giá trị cực đại. Như vậy, Việt Nam đã bước vào giai đoạn cơ cấu dân số vàng.
Mặt khác, cũng do sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt chất lượng chăm sóc sức khỏe, tuổi thọ của người dân Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Nên số lượng người cao tuổi cũng tăng nhanh chóng trong thời gian vừa qua, Việt Nam cũng đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số vào năm 2011.
Một vấn đề nổi cộm của dân số là việc mất cân bằng giới tính khi sinh. Người dân cũng đã ý thức được việc sinh ít con nhưng họ lại muốn trong đó phải có con trai, do đó tỷ số giới tính khi sinh chênh lệch giữa bé trai và bé gái tăng lên một cách rõ rệt trong thời gian vừa qua. Điều đó đã trở thành vấn đề “nóng nhất” trong công tác dân số hiện nay của Việt Nam.
Ý thức được vấn đề này, Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình đã có nhiều giải pháp thiết thực. Vì vậy giai đoạn đầu 2006-2009, tỷ số giới tính khi sinh (SRB) tăng khoảng 1,15 điểm phần trăm/năm, từ 2009 đến nay SRB tiếp tục tăng nhưng tốc độ gia tăng đã giảm xuống (tăng khoảng 0,6 điểm phần trăm/năm so với trước), đặc biệt từ 2011-2012 SRB tăng 0,4 điểm phần trăm/năm.
Nhưng thấp như vậy vẫn chưa đủ, tình hình này vẫn đe dọa đến mất cân bằng giới tính trong tương lai. Các nhà khoa học cũng đã dự báo nếu để tình trạng này tiếp tục xảy ra, trong tương lai Việt Nam sẽ dư thừa khoảng 2,3 – 4,3 triệu nam giới. Đây thực sự là mối đe dọa đến sự phát triển kinh tế -xã hội, nhất là an sinh xã hội của nước ta trong thời gian tới nếu chúng ta không làm quyết liệt ngay từ bây giờ.
PV: Một trong những biện pháp nhân văn chính tại Đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2013-2020 là có nhiều hỗ trợ cho các gia đình sinh con một bề là gái... Vậy, biện pháp này khi nào sẽ được áp dụng?
Để giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, chúng tôi đã tìm ra 3 nhóm nguyên nhân và cũng đưa ra 3 nhóm giải pháp tương ứng.
Nhóm giải pháp tuyên truyền, vận động, giáo dục người dân sinh hai con dù trai hay gái là biện pháp cấp bách nhất, có ý nghĩa sống còn và mang tính bền vững nhất trong việc can thiệp mất cân bằng giới tính khi sinh. Song, đây cũng là giải pháp có kết quả chậm nhất.
Như việc tuyên truyền người dân chỉ sinh hai con thôi cũng mất 50 năm người dân mới chấp nhận việc đó. Vì vậy, để chấp nhận sinh con dù trai hay gái cũng phải mất hàng thập kỷ chứ không phải một sớm một chiều là giải quyết được.
Nhóm giải pháp thứ hai là tuyên truyền thực thi pháp luật, nghiêm cấm mọi hành vi lựa chọn giới tính trước sinh, xử lý những trường hợp vi phạm.
Tuy nhiên, nhóm giải pháp này trong thời gian vừa qua cũng không phát huy tác dụng. Mặc dù đã có quy định của pháp luật, nhưng người cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ đã lách luật, vẫn có những thông điệp truyền tải để người phụ nữ biết được con mình là trai hay gái. Và những thông điệp ấy rất khó xử lý bằng pháp luật.
Vì vậy, chúng tôi có nhóm giải pháp thứ ba là chính sách ưu tiên đối với phụ nữ, bao gồm luật bình đẳng giới, chương trình hành động quốc gia vì bình đẳng giới, có ủy ban bảo vệ, ủy ban vì sự tiến bộ phụ nữ… Trong nhóm giải pháp này, một phần rất nhỏ là hỗ trợ cho những gia đình sinh con một bề chiếm 1% trong tổng thể các giải pháp.
Nhưng hầu như các phương tiện thông tin trong thời gian qua chỉ chú ý đến 1% mà quên đi rằng tuyên truyền, vận động chiếm tới 60% - 70 %. Tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm thay đổi hành vi mới là nhóm giải pháp chính, cơ bản nhất, quyết định nhất và bền vững nhất.
Chúng tôi cũng đang xây dựng đề án này, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ phải làm kiên quyết hơn, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Trong toàn bộ Đề án can thiệp mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2013 -2020, chúng tôi dự kiến đề xuất đề án này khoảng 3000 tỷ đồng. Việc hỗ trợ các gia đình sinh con một bề là gái chỉ chiếm một ngân sách nhất định trong tổng thể đề án.
PV: Có ý kiến cho rằng, việc hỗ trợ các gia đình sinh con một bề là gái nếu làm không khéo sẽ vô tình gây nên bất bình đẳng giới, khi hỗ trợ cho những trẻ em gái mà không hỗ trợ cho trẻ em trai. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
T.S Dương Quốc Trọng: Khi đưa vấn đề này chúng tôi cũng cân nhắc tất cả mọi yếu tố, liệu hỗ trợ cho các gia đình sinh con một bề như vậy chúng ta có làm quá tải việc mất cân bằng giới, thiên lệch về nữ hay không?
Chúng ta thấy ràng, tất cả các quốc gia trên thế giới đều có chính sách về tài chính khi người ta áp dụng, khuyến khích một việc gì đó. Trước đây, chúng ta cần phải giảm sinh nên đã có chính sách khuyến khích cho việc giảm sinh như miễn phí cho những người sử dụng phương tiện tránh thai. Nhưng hiện nay chỉ miễn phí cho những người nghèo vùng sâu, vùng xa. Như vậy chính sách này đã có sự điều chỉnh.
Ví dụ khác, như các nước láng giềng như Thái Lan, Hàn Quốc… người dân không muốn sinh con không phải vì họ quá nghèo. Như Hàn Quốc với mức bình quân trên đầu người 30.000 USD/năm, nhưng quốc gia họ vẫn có chính sách khuyến sinh bằng tài chính.
Do đó, chính sách dùng tài chính là một trong những công cụ quản lý vĩ mô của nhà nước khi chúng ta cần phải điều chỉnh những việc cho dân nước đó. Việt Nam hiện nay đang đẻ nhiều con trai hơn con gái, vậy phải khuyến khích cho những người sinh con gái. Giải pháp hỗ trợ, khuyến khích là giải pháp tình thế, có tác dụng sớm, khẳng định nó không phải là giải pháp mãi mãi, đến khi tỷ lệ nam nữ cân bằng thì chính sách này cũng không còn nữa.
PV: Nhiều người cho rằng việc hỗ trợ như vậy chỉ an ủi một phần, trong khi quan niệm sinh con trai đã ăn sâu vào tiềm thức người dân Việt? Vậy, yếu tố kinh tế có làm giảm tỷ lệ sinh con trai hay không?
T.S Dương Quốc Trọng: Nếu chỉ mình yếu tố kinh tế sẽ không làm được. Chính sách hỗ trợ các gia đình sinh con một bề chỉ là một trong 100 công việc chúng ta phải làm và làm một cách tổng thể. Trong ba nhóm giải pháp can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh thì nhóm giải pháp tuyên truyền, giáo dục, vận động thuyết phục chiếm tới 60% trong tổng thể giải pháp. Đó cũng là giải pháp quyết định nhất, cơ bản nhất và bền vững nhất nhưng kết quả lại chậm nhất.
Như khi ta đói thì phải ăn, nhưng nếu lý sự rằng cứ ăn muối sẽ đủ no thì hoàn toàn nhầm, nhưng ngược lại trong bữa cơm phải có muối.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Ưu tiên nhập học, miễn giảm các khoản phí, chỗ ở ký túc xá, dạy nghề, giải quyết việc làm, vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh và các phúc lợi xã hội khác…
(Theo VOV)
Các tin khác
Sáng nay, ngày 29/3/2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2013.
YBĐT - Ngày 29/3, Báo Yên Bái đã tổ chức Hội nghị để bàn giải pháp, mục tiêu, phương hướng và nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng ấn phẩm Báo Yên Bái điện tử và Truyền hình Internet, với sự tham gia của lãnh đạo Đảng uỷ, Ban biên tập, cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên và lãnh đạo, phóng viên của 9/9 đài huyện, thị, thành phố tham dự.
YBĐT – Mang tên của vị anh hùng dân tộc, Trường tiểu học Nguyễn Trãi, thành phố Yên Bái không ngừng phấn đấu xây dựng môi trường sư phạm đảm bảo an toàn, thân thiện, gắn bó với học sinh, tạo không khí vui tươi, lành mạnh cho các em khi đến trường học tập.
YBĐT - Với tốc độ đô thị hóa cao như hiện nay, hàng ngày chúng ta vẫn chứng kiến cảnh xe ôtô chở đất chạy qua các tuyến đường của thành phố Yên Bái.