Trường bán trú ở Mù Cang Chải: Những thuận lợi và khó khăn

  • Cập nhật: Thứ năm, 25/4/2013 | 2:56:37 PM

YBĐT - Sau 3 năm thực hiện loại hình trường PTDTBT là quãng thời gian chưa dài nhưng hiệu quả rất rõ. Huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có trên 90% đồng bào Mông sinh sống và tỷ lệ hộ nghèo chiếm 75,4% mà có tới 3.786/12.000 học sinh được ở bán trú.

Giờ tự học của học sinh bán trú ở Mù Cang Chải.
Giờ tự học của học sinh bán trú ở Mù Cang Chải.

Bà Lương Thị Xuyến - Phó chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: “Nghị quyết số 22 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái về xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) được ví như điểm tựa tạo nên sức bật cho sự nghiệp giáo dục ở vùng cao. Bởi vậy, ngay từ khi mới triển khai, huyện Mù Cang Chải đã chủ động thành lập Ban chỉ đạo và Nghị quyết đã nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân, các xã triển khai rất nghiêm túc.

Bên cạnh đó, nhiều tổ chức đoàn thể cùng một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã hợp sức xây dựng hệ thống cơ sở vật chất bước đầu cho 12 trường PTDTBT như bếp ăn tập thể, chỗ ở cho học sinh sớm được hoàn thiện. Trong số 12 trường này, có 3 trường tiểu học, 5 trường trung học cơ sở (THCS) và 4 trường liên cấp tiểu học, THCS”.

Sau 3 năm thực hiện loại hình trường PTDTBT là quãng thời gian chưa dài nhưng hiệu quả rất rõ. Huyện Mù Cang Chải có trên 90% đồng bào Mông sinh sống và tỷ lệ hộ nghèo chiếm 75,4% mà có tới 3.786/12.000 học sinh được ở bán trú. Trong đó, có 3.158 học sinh bán trú trong nhà trường và số còn lại bán trú tại các nhà dân; tỷ lệ học sinh ra lớp bậc tiểu học, mầm non tăng 10% so với khi chưa có trường bán trú và học sinh bậc THCS ra lớp đạt 95%; tỷ lệ học sinh chuyên cần cũng tăng mạnh do các em đi học bán trú không phải nghỉ giúp việc gia đình như trước đây.

Sức khỏe của các em được cải thiện nhiều do chế độ ăn uống bảo đảm dinh dưỡng, được chăm sóc sức khỏe theo quy định và phòng chống các bệnh về mắt, răng miệng. Đồng thời, chất lượng học tập của học sinh cũng có nhiều chuyển biến tốt nhờ được quản lý, hướng dẫn học tập, điều kiện học tập tốt hơn. Trẻ vùng cao ở trong môi trường bán trú có tính kỷ luật, tính tự giác, tự lập, khả năng giao tiếp cũng linh hoạt hơn…

Một hiệu ứng quan trọng nữa, do có những chế độ ưu đãi của Nhà nước đối với các trường bán trú nên nhiều gia đình khó khăn, đông con nhưng các con vẫn được đi học. Không những thế, các con được chăm sóc tốt, học tốt nên nhận thức của nhân dân đã thay đổi nhiều về việc cho con đi học. Nhiều nơi đã có những mô hình thu hút sự đóng góp của nhân dân vì sự nghiệp học tập của trẻ như mô hình “Kho thóc khuyến học” của người dân xã Nậm Có. Nhân dân ở nhiều xã khác đã tự nguyện đóng góp rau, củi, gạo hỗ trợ bữa ăn cho học sinh bán trú.

Tuy nhiên, loại hình trường PTDTBT ở Mù Cang Chải hiện nay vẫn còn không ít khó khăn. Trong số 12 trường bán trú, mới có 3 trường ở các xã: Nậm Có, Khao Mang, Hồ Bốn có nơi ăn ở, bếp được đầu tư xây dựng khá cơ bản, số còn lại đều tạm bợ.

Đồng thời, ngoài 12 trường bán trú vẫn còn tới 8 trường có học sinh bán trú nhưng không được công nhận là trường bán trú nên cả học sinh, nhà trường đều thiệt thòi về các quyền lợi, chế độ bán trú như tiền mua thuốc cho mỗi học sinh; tiền mua dụng cụ thể dục thể thao, văn nghệ; trợ cấp giáo viên trường chuyên biệt; hợp đồng người phục vụ...

Việc quy hoạch mặt bằng xây dựng nhà ở của trường bán trú cũng khó khăn do diện tích đất các trường bán trú đều hẹp. Trong khi đó, nếu quy hoạch vào đất nông nghiệp thì phải được sự đồng ý của Chính phủ mà thủ tục trình Chính phủ thường mất nhiều thời gian, kéo theo các nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình nhà ở bán trú cũng chậm theo.

Bên cạnh đó, còn có thêm một số khó khăn khác đang chi phối như: một bộ phận người dân vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc học hành của con; học sinh THCS ở vùng người Mông đã là lao động chính trong gia đình nên nhiều nhà không muốn cho con ở bán trú. Các trường bán trú chưa có biên chế giáo viên chuyên trách phục vụ học sinh bán trú nên hầu hết giáo viên phải kiêm nhiệm nên vừa vất vả vừa ảnh hưởng đến hiệu quả công việc ở nhiều lĩnh vực chuyên môn…

Những khó khăn trên rất cần sớm có giải pháp khắc phục đồng bộ để loại hình trường PTDTBT phát huy hiệu quả hơn nữa, góp phần tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển mạnh mẽ ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.

Hoàng Nhâm

 

Các tin khác

YBĐT - Năm 2012, Dự án áp dụng chế phẩm sinh học sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm nông nghiệp tiếp tục được triển khai thành công, mang lại hiệu quả rõ rệt tại huyện Trấn Yên (Yên Bái).

Nguyên nhân ban đầu được xác định là có khả năng do chập điện từ bình ắc quy trên tàu.

YBĐT - Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 2-4/6/2013; tỉnh Yên Bái có trên 7900 thí sinh dự thi cho 2 khối THPT và bổ túc THPT với 26 Hội đồng coi thi và 1 Hội đồng chấm thi tốt nghiệp. Đến thời điểm này, ngành giáo dục Yên Bái đã tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc và đạt kết quả cao. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo YBĐT đã có cuộc trao đổi với đồng chí Đặng Quang Khánh - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái.

YBĐT - Từ trường hợp phát hiện đầu tiên là hai vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Hòa và bà Nguyễn Thị Tân cư trú tại tổ 50, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái có những biểu hiện lâm sàng cúm AH1N1 vào ngày 18/4, đến nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có 9 ca mắc cúm AH1N1, hiện tại đã có 2 ca tử vong.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục