Trấn Yên chủ động trước mùa mưa lũ

  • Cập nhật: Thứ ba, 14/5/2013 | 4:08:06 PM

YBĐT - Để chủ động trong việc phòng chống lụt bão, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện Trấn Yên và các xã, thị trấn đã tiến hành kiểm tra, tu sửa đê điều, các công trình thủy lợi, giao trách nhiệm cho các lực lượng quản lý các trạm bơm, cống xả lũ, các công trình thủy lợi, hồ chứa, các tuyến đường giao thông, các công trình xây dựng cơ bản, đường, điện...

Phương châm “4 tại chỗ” được huyện Trấn Yên chủ động tập trung chỉ đạo trong mùa mưa bão.
Phương châm “4 tại chỗ” được huyện Trấn Yên chủ động tập trung chỉ đạo trong mùa mưa bão.

Trấn Yên là huyện vùng thấp của tỉnh Yên Bái, trên địa bàn có sông Hồng chảy qua với chiều dài 35km và còn có 30 ngòi, suối chia cắt địa hình, giao thông đi lại khá phức tạp.

Hàng năm, mùa mưa lũ, mực nước sông Hồng dâng cao, gây ngập úng lúa, hoa màu, các tuyến đường giao thông và các hộ dân sống ở 9 xã ven sông; mưa lớn nội vùng với cường độ lớn gây sạt lở ta luy, lũ ống, lũ quét làm thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và của Nhà nước. Đặc biệt, những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trên địa bàn huyện, thời tiết diễn biến khá phức tạp. Mỗi năm, diễn biến của mưa, bão, áp thấp nhiệt đới ngày càng khắc nghiệt và khó lường…

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn, mùa mưa, bão năm 2013, tình hình thời tiết, thủy văn sẽ có diễn biến phức tạp. Trên địa bàn tỉnh Yên Bái cần chủ động đề phòng tố, lốc, mưa đá, mưa lớn, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất cục bộ có thể xảy ra ở một số vùng.

Đánh giá của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện cho thấy, qua nhiều năm thiên tai xảy ra trên địa bàn huyện, nhận thức của nhân dân về phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) được nâng lên; các ngành, các cấp từ huyện đến cơ sở đã điều chỉnh, bổ sung kế hoạch PCLB-TKCN hàng năm sát với tình hình thực tế.

Các lực lượng tham gia vào công tác PCLB trên địa bàn huyện gồm các ngành thành viên như: Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (cơ quan thường thực Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện), Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện, Đài Truyền thanh - Truyền hình, Phòng Kinh tế hạ tầng, Phòng Tài nguyên & Môi trường, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội, Phòng Văn hóa - Thể thao, Bệnh viện Đa khoa huyện, Trạm Viễn thông Trấn Văn, Trạm điện Trấn Yên, Trung tâm Y tế dự phòng.

Ngoài ra, tham gia vào công tác PCLB còn có một số đơn vị đóng quân trên địa bàn huyện như: Nhà máy Z183, Trung đoàn 931, Trại giam 32… Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện thường xuyên được củng cố và đã tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện kế hoạch PCLB - TKCN sát với tình hình thực tế, triển khai giao nhiệm vụ cho các thành viên và lực lượng vũ trang tại chỗ; phối hợp hiệp đồng với các đơn vị của tỉnh, Trung ương sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống sạt lở đất, vỡ đê, di dời các hộ trong khu vực nguy hiểm…

Tuy nhiên, do địa hình bị chia cắt nên khi có lụt bão trên báo động cấp 3, trung tâm huyện Trấn Yên bị chia cắt giao thông vì nước ngập ở các tuyến đường Minh Quán, Nga Quán, khu thôn 1 xã Đào Thịnh, việc đi lại còn gặp nhiều khó khăn. Nước trên báo động cấp 3, các xã vùng thượng huyện cũng bị ách tắc giao thông nên các phương tiện đi kiểm tra, đánh giá tình hình, di chuyển lực lượng và vận chuyển hàng hóa, trang thiết bị… về cơ sở sẽ gặp khó khăn lớn.

Với phương châm “Bốn tại chỗ” và tư tưởng chỉ đạo: "Tích cực, chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”, Ban Chỉ huy PCLB - TKCN huyện Trấn Yên đã đánh giá, xác định những khu vực trọng yếu, chuẩn bị vật tư thiết bị cũng như phương án phòng tránh, di dân kịp thời, đảm bảo không bất ngờ trong mọi tình huống.

Cụ thể là các khu vực đê có khả năng bị vỡ khi có báo động cấp 3 trở lên: khu vực đê bao Trường THPT Lê Quý Đôn (khu phố 2) 50m; đê Cầu Đất (đường Yên Bái - Khe Sang): 100m; đoạn đê bà Tiến (từ nhà ông Mận đến nhà bà Tiến): 120m; đê bao tuyến Phú Thọ - Việt Thành: 30m; đoạn đập đầm Hậu - Minh Quân: đập số 2, số 3.

Các khu vực ngập úng phải di dân gồm: khu phố Hóp, thôn Nhân Nghĩa, Ngòi Hóp, Làng Chung, Tân Long, Đình Xây, Đồng Trạng, Đồng Nghềnh, Lông Chu thuộc xã Báo Đáp; khu vực thôn 1, 2, 3, 5 xã Đào Thịnh; thôn 5, 6, 8, 11, 12 xã Việt Thành; thôn 10, xã Minh Quán; khu phố 1, khu vực thôn 2, thôn 3, thôn 4 và khu phố 5, thị trấn Cổ Phúc…

Một số khu vực thường bị sạt lở ta luy như: đèo Thao – Cảm Ân, xã Tân Đồng; khu vực thôn Chiến Khu, Ngòi Đong, xã Bảo Hưng; đường Lương Thịnh - Hưng Khánh - Hồng Ca; đường Kiên Lao - Đồng Song và tuyến đường Yên Thịnh - Đồng Ruộng, xã Kiên Thành. Một số đoạn đường bị ngập nước, gây tắc giao thông gồm: đường Yên Bái - Khe Sang, đoạn qua Nga Quán, Cổ Phúc, Đào Thịnh; Báo Đáp; đường Âu Lâu - Quy Mông, đoạn thuộc xã Minh Tiến; chợ Quy Mông và thôn 1, xã Quy Mông.

Song song với việc chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác PCLB, giảm nhẹ thiên tai cũng như củng cố, nâng cao sức chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang, đặc biệt là lực lượng dân quân cơ động và lực lượng dự bị động viên để ứng cứu kịp thời khi có tình huống xảy ra; Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện và các xã, thị trấn đã tiến hành kiểm tra, tu sửa đê điều, các công trình thủy lợi, giao trách nhiệm cho các lực lượng quản lý các trạm bơm, cống xả lũ, các công trình thủy lợi, hồ chứa, các tuyến đường giao thông, các công trình xây dựng cơ bản, đường, điện...; đôn đốc các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn điều chỉnh, bổ sung kế hoạch PCLB - TKCN cho phù hợp với tình hình thực tế.

Bên cạnh đó thường xuyên tuyên truyền, thông báo, dự báo và theo dõi về tình hình thời tiết, khí hậu thủy văn để cho nhân dân chủ động có biện pháp phòng chống và thu hoạch nhanh gọn lúa, hoa màu cũng như phòng tránh, sơ tán kịp thời; theo dõi lượng mưa trên địa bàn để báo cáo, tổng hợp, đề phòng tình hình lũ ở các cơ sở, đặc biệt phòng lũ quét, lũ ống và sạt lở ta luy xảy ra; tổ chức hiệp đồng lực lượng với các đơn vị trên địa bàn: Nhà máy Z183, Trung đoàn 931… triển khai đối phó ở các vùng trọng điểm cần tập trung lực lượng, phương tiện đồng thời chuẩn bị các vật tư cần thiết cho việc khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.

Đối với những hộ dân sống sát ven sông Hồng, các khu vực có nguy cơ sạt lở ta luy, khu vực thường xảy ra lũ ống, lũ quét… UBND các xã trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc phòng tránh và di dời trước khi bão lũ xảy ra. Để đối phó với diễn biến bất thường của mưa bão có thể xảy ra trong năm 2013, huyện Trấn Yên đã tổ chức diễn tập nhiều tình huống thiên tai, bão lũ khác nhau để đánh giá khả năng ứng phó của cấp ủy, chính quyền và lực lượng.

Chủ tịch UBND huyện đã có chỉ thị giao nhiệm vụ cho các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện với chức năng, nhiệm vụ, vị trí đứng chân trên địa bàn của cơ quan, đơn vị, địa phương mình có trách nhiệm tham gia PCLB - TKCN với kế hoạch cụ thể, chi tiết, sát hợp với tình hình thực tế trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra.

Kế hoạch PCLB - TKCN đều đã được xây dựng và qua các cấp có thẩm quyền phê duyệt; lực lượng, vật tư, phương tiện đã được chuẩn bị đầy đủ; các cấp, các ngành ở Trấn Yên đã tích cực, chủ động ngay từ trước mùa mưa bão. Tuy nhiên cũng vẫn còn không ít người dân chủ quan với thiên tai vẫn vớt củi trên sông, suối khi có lũ lớn làm nhà tại các vị trí nguy hiểm có thể bị lũ quét hoặc sạt lở đất…

Vì vậy, công tác đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân vẫn tiếp tục giữ một vị trí quan trọng để giảm thiểu những thiệt hại có thể xảy ra trong mùa mưa bão.

Tấn Đạt

Các tin khác

YBĐT - Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Lục Yên (Yên Bái) đã xuất hiện ổ dại đầu tiên tại thôn 4, xã An Lạc làm đàn chó 3 con của gia đình bà Trần Thị Hiền phát dại và chết.

Những gia đình người Mông đông con như thế này không phải là hiếm ở vùng cao Yên Bái.

YBĐT - Những chuyến công tác vùng cao trở về, tôi luôn bị ám ảnh bởi hình ảnh những gia đình người Mông nheo nhóc, đông con. Thương những đứa trẻ luôn đói ăn, thiếu mặc bìu díu chăm nhau.

YBĐT - Năm 2012, trên địa bàn huyện Yên Bình (Yên Bái) có 178 trường hợp bị chó cắn (trong đó 4 người đã tử vong) và 4 tháng đầu năm 2013 có 140 người bị chó cắn, rải rác ở tất cả các xã, thị trấn.

Cán bộ phụ nữ trao đổi với chị em về chăm sóc sức khỏe sinh sản.

YBĐT - Do những lý do khách quan và chủ quan mà hiện nay nhiều bạn trẻ vẫn chưa hiểu hoặc hiểu chưa đầy đủ về sức khỏe sinh sản (SKSS) và tình dục an toàn nên đã dẫn tới tình trạng mang thai ngoài ý muốn và để lại những hậu quả khôn lường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục