Xóa tư tưởng ỷ lại
- Cập nhật: Thứ ba, 14/5/2013 | 4:03:04 PM
YBĐT - Những chuyến công tác vùng cao trở về, tôi luôn bị ám ảnh bởi hình ảnh những gia đình người Mông nheo nhóc, đông con. Thương những đứa trẻ luôn đói ăn, thiếu mặc bìu díu chăm nhau.
Những gia đình người Mông đông con như thế này không phải là hiếm ở vùng cao Yên Bái.
|
Quan niệm trời sinh trời dưỡng dường như đã ăn sâu bám rễ trong cách nghĩ của người vùng cao. Người ta cho rằng đẻ nhiều con thì được Nhà nước cho nhiều hỗ trợ. Chính suy nghĩ ấy đã trói buộc không ít gia đình người Mông vào vòng xoáy luẩn quẩn của sự thất học, đói nghèo và đông con, đặt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình ở vùng cao Yên Bái trước khó khăn, thách thức mới.
Những chuyến công tác vùng cao trở về, tôi luôn bị ám ảnh bởi hình ảnh những gia đình người Mông nheo nhóc, đông con. Thương những đứa trẻ luôn đói ăn, thiếu mặc bìu díu chăm nhau. Hơn thế, chúng phải đảm đương rất nhiều công việc nặng nhọc mà đáng lý thuộc về phần của người lớn. Càng không khỏi chạnh lòng khi thấy nhiều cặp vợ chồng già có, trẻ có cứ sòn sòn sinh con mà chẳng mảy may lo nghĩ sẽ lấy gì nuôi chúng ăn học.
Bản Pá Hu, một trong hai thôn, bản khó khăn và xa nhất nhì của xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu, hỏi chuyện Trưởng bản Mùa A Vàng về cuộc sống của bà con, anh cười buồn thừa nhận: “Bản có 111 hộ tất cả thì 85 hộ thuộc diện nghèo. Anh trai mình cũng nằm trong diện ấy. Vợ chồng nhà anh đẻ nhiều con quá. Con bé chị đi học “ấu” đứa em sát nó xuống trường, cô giáo trông hộ. Chồng ở nhà “ấu” đứa thứ 3, vợ lại đẻ thêm đứa thứ 4 rồi ngồi nhà “ấu” con luôn, ruộng nương làm được ít nên năm này qua năm khác cái ăn cứ thiếu mãi. Có nhà nghèo một phần do dân thiếu ruộng sản xuất nhưng nói cho đúng thì nhiều nhà còn nặng tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ, bao cấp của Nhà nước. Người ta cứ nghĩ, đẻ nhiều thì Nhà nước cho nhiều chế độ nên đến tuyên truyền, vận động nhà nào cũng biết đông con là đói, là khổ nhưng không mấy người chịu thực hiện kế hoạch hóa gia đình, kể cả những cặp vợ chồng trẻ...”. Hệ quả là tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên ở xã Pá Hu hiện vẫn ở mức rất cao: 1,9%.
Năm 2012, xã có 40 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, trong đó có 14 trẻ sinh ra là con thứ 4. “Phép vua thua lệ làng”, việc tuyên truyền, vận động thậm chí là những chế tài xử phạt vẫn chẳng thể làm thay đổi được lối mòn ấu trĩ trong suy nghĩ của người dân mà đồng hành với nó là những hủ tục lạc hậu cần phải xóa bỏ.
Cán bộ lãnh đạo địa phương và ngay cả những người dân cần cù chịu khó, nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương của Nhà nước cũng sớm nhận thức được rằng, cần phải xóa bỏ sức ì, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước của người dân, có thế mới tạo được sự công bằng, khuyến khích được sự tự lực vươn lên của mỗi gia đình.
Một cách làm hiệu quả đã làm thay đổi hẳn suy nghĩ của người dân Pá Hu khi địa phương này quyết liệt đưa công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trở thành một trong những tiêu chí bắt buộc trong quy ước của các thôn, bản và là tiêu chuẩn hàng đầu khi bình xét hộ nghèo của xã. Theo đó, không bình xét hộ nghèo cùng các chính sách ưu đãi hỗ trợ của Nhà nước, địa phương cho những gia đình vi phạm chính sách dân số, đẻ nhiều con, không cho con đi học, lười lao động...
Chủ tịch xã Giàng A Lồng lý giải, vì chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với đồng bào được địa phương công khai phổ biến, lợi ích mà người dân được hưởng do chính họ bình bầu, xét chọn nên rất công bằng. Hộ nào không thực hiện đúng thì bà con nhất quyết không bình bầu. Làm nghiêm ngay từ cơ sở thôn, bản nên từ khi xã triển khai đưa biện pháp này đã hạn chế đáng kể tình trạng sinh nhiều con trong các gia đình.
Thấy rằng, tình trạng sinh nhiều con trong các gia đình người Mông ở vùng cao Yên Bái còn rất phổ biến. Nà Hẩu cũng không phải là một ngoại lệ. Hàng năm địa phương này vẫn thường xuyên có tới hàng trăm nhân khẩu trông đợi vào nguồn hỗ trợ cứu đói của Nhà nước.
Theo lãnh đạo địa phương, số khẩu phải cứu đói là rất nhiều nhưng như năm 2012, sau khi cử cán bộ các đoàn thể trực tiếp kiểm tra, nắm bắt tình hình trong dân, xã chỉ chấp nhận định mức hỗ trợ cứu đói cho 168 khẩu theo tiêu chí: mỗi gia đình chỉ được hỗ trợ 2 con, 2 người già…, số con đẻ vi phạm quy định của Nhà nước về chính sách dân số gia đình phải tự lo.
Địa phương cũng quán triệt, không thể dễ dãi trong khâu bình xét, vì nếu làm không đúng, không sát thực tế sẽ chẳng những không khuyến khích được những gia đình chăm chỉ làm ăn, tự lực vươn lên thoát đói nghèo mà còn khiến cho những gia đình lười lao động, vi phạm chính sách dân số, đẻ nhiều con ỷ lại vào Nhà nước.
Có thể thấy, các chính sách, chương trình, dự án mà Đảng, Nhà nước quan tâm tập trung đầu tư thực hiện trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi trong nhiều năm qua thực sự là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng cao, giúp đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn sớm thoát nghèo. Bởi vậy, mỗi người dân cần coi đó là động lực để vươn lên thoát nghèo chứ không nên xem các chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước là chỗ dựa để trông chờ, ỷ lại.
Phạm Minh
Các tin khác
YBĐT - Năm 2012, trên địa bàn huyện Yên Bình (Yên Bái) có 178 trường hợp bị chó cắn (trong đó 4 người đã tử vong) và 4 tháng đầu năm 2013 có 140 người bị chó cắn, rải rác ở tất cả các xã, thị trấn.
YBĐT - Do những lý do khách quan và chủ quan mà hiện nay nhiều bạn trẻ vẫn chưa hiểu hoặc hiểu chưa đầy đủ về sức khỏe sinh sản (SKSS) và tình dục an toàn nên đã dẫn tới tình trạng mang thai ngoài ý muốn và để lại những hậu quả khôn lường.
YBĐT - Có được tham gia vào một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ (CLB) Anh Ngữ của Trường THCS Nguyễn Du (TP Yên Bái) mới thấy khả năng thuyết trình các chủ đề cho sẵn bằng tiếng Anh của các em học sinh ở đây thật đáng ngưỡng mộ. Được sinh hoạt định kỳ vào thứ 5 hàng tuần, CLB đã thực sự là nơi tụ họp của những em yêu thích môn tiếng Anh.