Chiều đến, tại sân nhà văn hóa thôn 4, xã Đại Lịch lại rộn rã những thanh âm quen thuộc, khi từng tốp người già, trẻ, trai, gái - thành viên CLB Bóng chuyền hơi của thôn cùng tham gia thi đấu. Những trận đấu hấp dẫn cùng tiếng reo hò cổ vũ đã tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi cho mọi người sau một ngày lao động, học tập căng thẳng, mệt mỏi.
Chị Hoàng Thị Thanh, thôn 4, xã Đại Lịch cho biết: "Những người yêu thích bộ môn này tập hợp nhau thành lập CLB Bóng chuyền hơi thôn 4, xã Đại Lịch. Từ đó, chiều nào sân nhà văn hóa thôn cũng chật kín. Đông người chơi, bà con phải chia ca, chơi từ khi còn nắng tới tối muộn mới nghỉ. Phong trào thể thao phát triển không chỉ mang lại sức khỏe, hứng khởi cho mỗi người mà còn là sân chơi kết nối thắt chặt tinh thần đoàn kết trong cộng đồng”.
Xác định xây dựng và phát triển mô hình các CLB TDTT tại địa phương, cơ sở là nhiệm vụ và cũng là điểm tựa quan trọng để đẩy mạnh Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, phát triển phong trào luyện tập TDTT trong quần chúng nhân dân để góp phần hình thành và phát triển các thế hệ khỏe về thể chất, tạo ra sự gắn kết giữa các cá nhân với cộng đồng và xã hội, thời gian qua, huyện Văn Chấn luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện các kế hoạch, hướng dẫn của Trung ương của tỉnh về công tác TDTT và phong trào tập luyện của quần chúng nhân dân.
Chú trọng, quan tâm đến công tác hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng, hiệu quả các thiết chế văn hóa, TDTT; chỉ đạo các ngành, địa phương lựa chọn các môn thể thao thế mạnh, được người dân yêu thích để xây dựng, thành lập và duy trì hoạt động của các CLB như: điền kinh, bóng đá, cầu lông, bóng chuyền hơi...
Hiện nay, trên địa bàn có 150 sân cầu lông, 150 sân bóng chuyền hơi, 35 sân bóng đá, 2 bể bơi, đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT của nhân dân. Toàn huyện có 2.200 gia đình thể thao, 35 CLB thể thao, tỷ lệ người dân luyện tập thể thao thường xuyên chiếm 39%. Bên cạnh các môn thể thao phổ biến, huyện còn quan tâm nhân rộng các CLB thể thao dân tộc như: đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ... Việc nhân rộng mô hình CLB thể thao dân tộc không chỉ đáp ứng nhu cầu của nhân dân mà còn góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Và chính sự ra đời của các loại hình CLB thể thao được tổ chức theo hình thức tự nguyện với nội dung hoạt động đa dạng, phù hợp với mọi lứa tuổi đã và đang thu hút được đông đảo người dân tham gia, thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng phát triển, tạo nguồn vận động viên cho các giải thi đấu.
Huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn tạo điều kiện về sân bãi cho các CLB luyện tập, thi đấu; đồng thời tổ chức nhiều giải thể thao cấp huyện, cấp cơ sở dưới hình thức xã hội hóa, tạo sân chơi thiết thực để các CLB thể thao được giao lưu, thi đấu cọ xát, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào TDTT của huyện.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng, phát triển TDTT và phong trào tập luyện của quần chúng nhân dân trên địa bàn còn gặp những khó khăn, hạn chế. Trong đó, cơ sở vật chất và một số công trình văn hóa, thể thao còn thiếu, xuống cấp, chưa đảm bảo tiêu chuẩn. Ngân sách đầu tư cho TDTT chưa đáp ứng thực tiễn, công tác xã hội hóa các hoạt động TDTT còn khó khăn, nhất là đối với các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, xã nghèo của huyện…
Để tiếp tục nhân rộng và phát triển các CLB thể thao, thời gian tới huyện Văn Chấn sẽ tiếp tục có những cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các CLB thể thao ngay từ cơ sở. Trong đó, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực cho hoạt động và phong trào TDTT, đáp ứng nhu cầu của người dân. Huyện cũng kêu gọi sự đồng hành của các nhà tài trợ để tổ chức các giải đấu thể thao trên địa bàn. Đồng thời chú trọng phát triển các CLB TDTT trong khối trường học, tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh...
Thu Hiền