Tôi đi xem hát chầu văn, hầu đồng
- Cập nhật: Thứ tư, 5/2/2014 | 9:10:59 AM
YBĐT - Mấy người bạn bảo tôi hâm khi biết tôi có một sở thích là nghe hát chầu văn và xem hầu đồng. Ngẫm cũng phải bởi ở tuổi tôi, mọi người thường thích nghe nhạc trẻ, thích xem MV (music video - nhạc hình) lãng mạn của những ca sĩ đẹp trai và xinh gái.
|
Nhiều bạn còn nói một cách rất nghiêm túc nhưng cũng hết sức buồn cười rằng: “Hay là cậu có “căn” nhỉ?”. Còn tôi thì tôi biết vì sao. Vì tôi là con gái của bố, một người cũng mê nghe hát chầu văn và xem hầu đồng lắm. Bố bảo tôi khi phát hiện hai bố con có cùng sở thích: “Chầu văn là loại hình âm nhạc tín ngưỡng truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc. Không phải mê tín nếu chúng ta nhìn nhận nó ở khía cạnh nghệ thuật”. Tôi đã từng bất ngờ vì câu nói đậm chất “nghệ thuật” của một cán bộ khoa học như bố. Bố nói vậy thôi chứ thực sự bố cũng giống như tôi: chỉ là thích nghe, thích xem và yêu chầu văn, hầu đồng.
Ở thành phố núi này, khó có thể có một câu lạc bộ chầu văn như ở Hà Nội - nơi bố và tôi đã từng được bạn của bố dẫn đi nghe hát. Nhưng hai bố con tôi đã tìm ra được thời điểm và nơi có thể nghe hát chầu văn - đó là những ngày đầu xuân năm mới, ở các đền có rất nhiều đoàn hầu. Mùng 3 tết, bố bảo: “Ngày mai, ở đền Tuần Quán có hầu đồng, hai bố con đi xem nhé!”. Khi đi, bố cũng chẳng bảo chuẩn bị tiền lẻ hay lễ lạt mang theo. Đến nơi, bố lấy trong ví ra tờ 50.000 đồng ghi công đức rồi đem đặt lên ban chính giữa và vái.
Bố đi khắp các ban trong đền để vái, không khấn xin điều gì. Tôi thắc mắc thì bố nói: “Mình thành tâm con ạ!”. Vì đoàn hầu còn đang làm lễ nên hai bố con cùng dạo quanh đền. Cảm giác thanh tịnh, nhẹ nhàng và vô cùng dễ chịu... Tôi thêm hiểu lý do người Việt mình từ xưa tới nay, khi cuộc sống gặp điều không may mắn lại đi lễ đền chùa. Có lẽ không hẳn chỉ là cầu xin các vị thần thánh che chở mà còn tự tạo cho mình những giây phút tĩnh lặng và minh mẫn để giải quyết khó khăn.
“Choeng...” - tiếng chiêng báo hiệu đoàn hầu bắt đầu. Đã có rất nhiều người ngồi kín xung quanh. Hai bố con cũng nhanh chóng tìm được chỗ ngồi. Lướt qua một vòng, tôi thấy có rất nhiều người như bố con tôi. Khi mọi người đã ổn định thì xuất hiện một nam thanh niên - tôi dám chắc là một nam thanh niên dù thân hình dây dây như mấy cô người mẫu lại mặc bộ đồ trắng tinh bằng vải phi bóng may kiểu áo bà ba, đầu vấn khăn, trang điểm đậm. Một vài người gọi “Cậu” rồi không ngớt lời khen: “Cậu hôm nay xinh quá cơ!”. “Cậu” cười duyên dáng và ngồi lên sập đã được trải sẵn thảm hoa đỏ.
Bố kéo tay tôi: “Ngày xưa, hầu đồng thường diễn ra vào ngày lễ của làng để cảm ơn các vị thần thánh che chở, bảo vệ làng. Tuyển chọn các cô đồng rất nghiêm ngặt, do làng họp rồi quyết định. Tiêu chuẩn phải là trẻ gái từ sáu tuổi trở lên, con nhà tử tế. Cô đồng lúc đó được gọi là thanh đồng - biểu tượng cho tuổi xuân và sự tinh khiết. Nhưng thanh đồng giờ có cả đàn ông, đàn bà, người già có, trẻ cũng có. Dù là đàn ông hay đàn bà thì khi họ hầu đồng đều phải bận trang phục sạch sẽ, thơm tho, trang điểm như con gái”. Hóa ra vậy! Thế mà nhiều người lại cho rằng, cứ đàn ông hầu đồng là thuộc giới tính thứ ba...
Tiếng trống nổi lên rồi tiếng phách, tiếng nỉ non của đàn bầu, đàn nguyệt... Âm thanh hòa quyện của nhiều loại nhạc cụ dân tộc ấy có sức hút thật lạ kì! Chỉ ít phút sau, giọng hát của người chơi đàn nguyệt cất lên. Trong trẻo quá và cách anh nhả chữ ở mỗi câu hát sao mà điêu luyện! Tôi quay sang đã thấy tay bố khe khẽ đánh lên đùi theo tiếng trống, tiếng phách. Bố nhìn tôi cười: “Người hát trong đám chầu văn được gọi là cung văn, tức là người hát văn. Anh này hát được đấy!”. Trong tiếng nhạc khoan thai, “cậu” thực hiện bài khấn rồi nhảy múa. Giọng hát của cung văn mỗi lúc lại thay đổi.
Xuống trầm, lên bổng phù hợp với những động tác múa của “cậu” khi chậm, lúc nhanh. Tương ứng với nhạc và lời hát, “cậu” hóa thân thành những nhân vật huyền thoại khác nhau. Tôi thấy ở đó bóng dáng của một ông quan lớn oai vệ múa kiếm. Tôi nhận ra hình ảnh của thiếu nữ miền sơn cước yểu điệu... Khúc nhạc cao trào, người hầu đồng lẫn người hát đều thăng hoa. Người xem cũng say sưa, vỗ tay theo nhịp trống. Càng được cổ vũ, “cậu” múa càng đẹp. Bố quay sang giải thích: “Khi hầu đồng, thanh đồng hoàn toàn là “đồng tỉnh” chứ không phải “đồng mê” nên những động tác múa, người ngả nghiêng, lắc lư là do thanh đồng tự tạo, không có chuyện Thánh nhập vào người. Múa đẹp hay không còn cần có khiếu nữa đấy!”.
Theo như lời bố thì “cậu” này rất có khiếu, tay dẻo, mặt tươi như hoa, đặc biệt thẩm âm cực chuẩn! Từng hành động, cử chỉ trong từng điệu múa, bước chân của “cậu” hòa quyện với từng làn điệu hát văn.
Chỉ trong một vuông chiếu làm sân khấu, với một dàn nhạc cụ dân tộc cùng những đạo cụ đơn giản như: đao, kiếm, mồi nến, quạt giấy, vài bông hoa tươi... các nhân vật huyền thoại lần lượt được tái hiện trong màn diễn xướng, trong tiếng nhạc, trong tiếng hát dẫn tích của anh cung văn đã hút hồn người xem. Hát văn và hầu đồng là hai hình thức không thể tách rời nhau, luôn giao thoa với nhau, tạo nên sức hút mê hoặc.
Tôi chợt nhớ mình đã đọc được trong một nghiên cứu về hát văn, hầu đồng: hát văn ra đời gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn) - một tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Và như bố nói, nếu nhìn hầu đồng dưới góc độ văn hóa thì đây thực chất là một tín ngưỡng văn hóa của người Việt có cả âm nhạc, nhảy múa, diễn xướng.
Tôi không đếm “cậu” đã hầu bao nhiêu giá bởi câu chuyện của những nhân vật huyền thoại được kể nối tiếp nhau. Mỗi câu chuyện được kể bằng từng giai điệu khác nhau, động tác múa khác nhau, những trang phục khác nhau của người diễn xướng. Nghe mấy bác cao tuổi xung quanh nói, “cậu” hầu cả 36 giá. Nhìn đồng hồ, tôi giật mình, hai bố con đi từ 8 giờ sáng mà bây giờ đã là 15h30. Xem ra, người hầu đồng cũng phải có sức khỏe tốt mới có thể múa liên tục trong nhiều giờ đến vậy.
Sau buổi hầu, ai cũng phấn khởi, vui tươi. Bố nói: “Con có biết vì sao cả những người đi hầu và người đến xem đều có cảm giác hưng phấn, dễ quên đi mọi thứ xung quanh không?”. “Có phải vì âm nhạc của hát chầu văn không ạ?”. “Đúng thế! Nhạc hát văn có tiết tấu nhịp 7, nhịp 3 sôi nổi nên rất dễ tạo hưng phấn. Nó cũng giống như con và các bạn đi xem một buổi nhạc rock ấy”. Bố tiếp lời: “Chúng ta đã ra khỏi đền vẫn còn thấy phấn chấn, đó là dư âm của âm nhạc hát văn. Nếu hiểu theo đúng những lý giải khoa học và nhìn nhận ở góc độ văn hóa thì hầu đồng sẽ không bị lợi dụng làm công cụ trục lợi của những kẻ xấu.
Khi bị lợi dụng, hầu đồng lại trở thành mê tín dị đoan. Vì vậy, hầu đồng và hát chầu văn là văn hóa tín ngưỡng hay mê tín dị đoan đều do cách nhìn nhận của mỗi người. Bố hy vọng, một người trẻ như con thích nghe hát văn, xem hầu đồng sẽ có cái nhìn đúng đắn với nguyên bản giá trị của nó”.
Tôi thật sự cảm ơn bố bởi nhờ bố, tôi đã có một ngày đầu xuân ý nghĩa biết bao với những hiểu biết về hầu đồng, hát chầu văn từ góc nhìn văn hóa! Hiểu hơn về những giá trị nghệ thuật vượt thời gian, tôi càng thêm yêu vốn quý của dân tộc mình!
Thanh Ba
Các tin khác
YBĐT - Cùng với người Kinh, đồng bào Cao Lan ăn tết cổ truyền "Kên nen" trùng với dịp tết Nguyên đán. Ngoài những lễ thức và phong tục, tập quán chung của văn hóa Việt Nam, tết "Kên nen" của đồng bào Cao Lan còn có nhiều nét riêng biệt, tạo thành một không gian văn hóa đặc sắc không bị pha lẫn với bất cứ dân tộc nào.
YBĐT - Đồng bào dân tộc thiểu số ở Lục Yên chủ yếu là người Tày, Nùng, Dao. Từ xưa bà con vẫn thường cư trú thành những làng bản khá thuần nhất một dân tộc. Bởi vậy, kiến trúc nhà ở, ngôn ngữ và các loại hình văn hóa dân gian của mỗi tộc người thường giữ được những nét đặc thù riêng. Hơn nữa, văn hóa Tày, Nùng, Dao ở đây mang sắc thái của khu vực Đông Bắc - một trung tâm cư trú lớn nhất của đồng bào Tày, Nùng, Dao ở Việt Nam nên vùng Lục Yên từ lâu cũng được coi là một vùng văn hóa cổ khá đặc sắc.
YBĐT - Yên Bái hiện có các nhóm Mông hoa, Mông trắng, Mông đỏ, Mông đen chung sống. Tuy tiếng nói khác nhau đôi chút nhưng thủ tục cưới hỏi căn bản giống nhau. Đối với đồng bào Mông, chuyện cưới xin thường diễn ra vào mùa xuân bởi họ quan niệm, mùa xuân là mùa của vạn vật sinh sôi, nảy nở và con người cũng không nằm ngoài quy luật đó của tự nhiên. Hơn nữa, mùa xuân là mùa thảnh thơi, ít công việc đồng áng nên anh em, họ hàng, bạn bè có thời gian đến chung vui.
YBĐT - Nhà anh Vì Văn Tiềng lên nhà mới, bản Loọng, xã Nghĩa Sơn lại có thêm ngôi nhà sàn 4 gian khang trang khiến mọi người đều vui mừng. Vì thế, bữa cơm mừng của gia đình anh Tiềng, nhà nào trong bản cũng có người đến chúc mừng. Sau lễ thắp hương, lên mâm cúng tổ tiên, anh mời bà con cùng nâng chén rượu, mừng anh đã có mái ấm vững chãi đi về. Rượu từ chai nghiêng đầy các chén. Bữa liên hoan có thịt lợn đen nuôi, có gà thả vườn, cá từ dòng suối khe. Cả bản đến đông vui, tiếng cười xen lẫn lời mời làm ngôi nhà rộn rã trong hơi men nồng ấm.