Về Nghĩa Lộ vui Tết Xíp Xí

  • Cập nhật: Thứ bảy, 17/8/2024 | 1:55:21 PM

YênBái - Tết “Xíp Xí” là tết cổ truyền của đồng bào Thái Mường Lò – Nghĩa Lộ được tổ chức vào ngày 14/7 Âm lịch hàng năm. Tết Xíp Xí mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc được thể hiện qua các nghi lễ, phong tục, tập quán tốt đẹp. Đây là dịp để mỗi gia đình, mỗi người dân tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên, đấng sinh thành, cảm tạ trời đất ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cũng là dịp đồng bào giao lưu gặp gỡ, gắn kết cộng đồng, gìn giữ trao truyền những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp cho con cháu.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thị xã Nghĩa Lộ tham gia gói bánh Xíp Xí cùng đồng bào trong ngày Tết Xíp Xí.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thị xã Nghĩa Lộ tham gia gói bánh Xíp Xí cùng đồng bào trong ngày Tết Xíp Xí.


Ngay từ sáng sớm, các hộ gia đình người Thái ở bản Cang Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ đã cùng nhau dọ dẹp nhà cửa, mua sắm thực phẩm để làm bánh, đồ xôi, chuẩn bị mâm cơm cúng thần linh tổ tiên và mời anh em họ hàng đến cùng ăn tết. Nghệ nhân Lò Văn Biến cho biết: "Theo quan niệm của đồng bào, Tết Xíp Xí là thời điểm kết thúc một vụ mùa, để cầu xin cho con trâu cày được khoẻ mạnh, cây lúa được tốt tươi, người người được hạnh phúc. Vào ngày này, gia đình nào cũng mổ một vài con vịt để xua đi những đen đủi trong cuộc sống. Rượu, thịt và các món ăn khác đều được đồng bào chuẩn bị chu đáo để thết đãi bạn bè, người thân trong dịp này”.

Bắt đầu của ngày Tết Xíp Xí là lễ cúng tổ tiên (Co lo hoóng) của gia chủ. Chủ nhà cúng khấn mời tổ tiên, các ma nhà về dự Tết chung vui cùng con cháu. Lễ cúng này được diễn ra ngay tại gian thờ "Co lo hoóng” bao gồm xôi ngũ sắc, bánh Xíp Xí và một thủ lợn. 

Nghi thức tiếp theo trong ngày tết Xíp Xí là lễ cúng ruộng "Tam tế ra”. Mâm cúng xôi và thịt gà được đặt ngang đầu ruộng của gia đình. Thầy cúng ngồi trước thửa ruộng cầu xin ma bản, ma làng, tổ tiên thần thánh về phù hộ và chăm sóc cho cây lúa của gia đình không bị con sâu, con thú về phá hoại, lúa lên nhanh, hạt to, chắc, mẩy. Kết thúc lễ cúng, lễ vật sẽ được thả xuống ruộng như minh chứng về sự cầu xin thành khẩn của gia đình trong ngày Tết. 

Bà Điêu Thị Xiêng - Nghệ nhân ưu tú dân tộc Thái Mường Lò cho biết, các cụ già nơi đây cũng không nhớ Tết Xíp Xí có tự bao giờ, chỉ biết rằng hàng năm bản Thái đều tổ chức Tết Xíp Xí một cách trang trọng, đầm ấm, vui tươi. Dịp này, các bà, các mẹ, các chị trong mỗi gia đình đều chuẩn bị lá chuối rừng, gạo nếp, thịt gà, lạc... để làm món bánh Xíp xí (pảnh Xíp Xí), một loại bánh quan trọng nhất trong dịp lễ tết này. 

Bánh xíp xí 2 loại: một loại là "Pảnh cuổi” - bánh làm bằng gạo nếp nghiền với chuối tiêu, gói bằng lá chuối xôi chín; loại thứ 2 là "Pảnh cáy” - bánh có nhân làm từ đỗ xanh và thịt gà băm nhỏ với lạc, cũng được gói bằng lá chuối đồ chín. "Pảnh Xíp Xí” được gói 2 chiếc trên một tàu lá chuối sau đó xoắn giữa cặp đôi 2 chiếc vào với nhau, dùng một dây lạt buộc ở đầu. Trong ngày tết Xíp Xí, bánh này ngoài dùng làm lễ vật cúng ma nhà (Co lo hoóng) còn được đồng bào dùng làm quà biếu bà con anh em trong dòng họ, biếu tặng khách quý và những người dân tộc khác.

Gia đình nào cũng mổ một vài con vịt trong dịp này để "phá xúi”, xua tan đi những điều đen đủi, không may mắn trong cuộc sống. Rượu, thịt, cá và các món ăn được đồng bào chuẩn bị khá chu đáo để thết đãi bạn bè, khách khứa . Cùng với chuẩn bị lễ vật để cúng tổ tiên, nhà cửa, ngõ xóm, ruộng vườn cũng được đồng bào sửa sang trang hoàng cho thật sạch đẹp. Các cô gái tuổi cập kê cũng chuẩn bị lựa chọn cho mình những bộ áo váy cùng dây xà tích, khăn piêu đẹp nhất để diện trong dịp tết - Nghệ nhân Điêu Thị Xiêng cho biết thêm. 

Xíp Xí còn là dịp con cháu thể hiện tình cảm hiếu thuận với bậc sinh thành, về ăn tết cùng gia đình lễ vật con cháu mang đến biếu ông bà, bố mẹ là rượu, thịt và 1 con vịt. Bà Hà Thị Vân ở bản Đêu 1, xã Nghĩa An chia sẻ: "Từ vài ngày nay, cả gia đình tất bật đi chợ mua sắm nhu yếu phẩm để làm mâm cơm cúng thần linh, tổ tiên trong ngày Tết Xíp Xí. Các con cháu cũng mang gà, vịt, quà cáp đến biếu bố mẹ. Tết này, gia đình tôi vui lắm vì lúa năm nay được mùa, con cháu về ăn Tết đông vui”.


Nghệ nhân Điêu Thị Xiêng (thứ 3, trái sang) và chị em trong bản vui điệu xòe trong Tết Xíp Xí.

Ngoài thực hiện các lễ nghi trong gia đình, sinh hoạt cộng đồng trong Tết Xíp Xí cũng được người Thái Nghĩa Lộ rất coi trọng. Sau bữa cơm Xíp Xí, theo phong tục truyền thống, các nam thanh nữ tú cùng rủ nhau đi chơi hội hang Thẩm Lé, hội chơi núi hái nêm (quả sim), mọi người đều nô nức vui chơi trong niềm vui tươi phấn khởi. 

Kết thúc tết Xíp Xí cổ truyền là nghi thức cúng then và xòe Then (xe then) tại nhà mo Then trong bản. Mọi người từ khắp nơi đều tập trung tại đây. Các điệu xòe then như: xòe gậy, xòe khăn, xòe quạt, xòe hoa... trong Nghệ thuật xòe Thái đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đồng bào thể hiện trong suốt đêm hội để múa mừng và mời các thần Then về dự Tết, chung vui cùng trai làng, gái bản. 

Ngày nay, Tết Xíp Xí là dịp đặc biệt thu hút rất nhiều du khách đến với Mường Lò – Nghĩa Lộ. Đến thăm các gia đình người Thái ở Nghĩa Lộ này, khách lạ cũng như khách quen đều được chủ nhà đón tiếp nồng hậu, chu đáo, được thưởng thức những món ăn đặc trưng, được vui hội múa Xòe và đặc biệt khi ra về còn được chủ nhà biếu mỗi người 1 cặp "pảnh Xíp Xí”. Tất cả những điều đó đã tạo nên Tết Xíp Xí riêng có, đậm đà bản sắc của đồng bào Thái Nghĩa Lộ - Mường Lò níu chân du khách mỗi dịp ghé thăm.

Thu Trang

Tags Nghĩa Lộ Mường Lò Tết Xíp Xí người Thái đen

Các tin khác
Chương trình nghệ thuật với chủ đề “79 năm vang mãi bản hùng ca

Tối 16/8, tại phố đi bộ Lý Đạo Thành, Công an thành phố Yên Bái phối hợp cùng UBND phường Nguyễn Thái Học tổ chức Chương trình nghệ thuật với chủ đề “79 năm vang mãi bản hùng ca".

UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Báo Nhân Dân tổ chức Chương trình nghệ thuật chính luận “Vĩ tuyến 17 - Khát vọng hòa bình”.

"Từ Vĩ tuyến 17, hôm nay, chúng ta một lần nữa bày tỏ quyết tâm mạnh mẽ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Âm vang hào hùng của lịch sử sẽ tạo nên nguồn sức mạnh vô tận để thế hệ hôm nay và mai sau vững bước trên con đường cách mạng, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, Nhân dân có cuộc sống phồn vinh, ấm no, hạnh phúc."

Đại diện Ủy ban nhân dân Tỉnh Tuyên Quang chia sẻ tại Hội nghị truyền thông về Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ hội Thành Tuyên năm 2024.

Từ ngày 23/8 - 14/9, tại TP Tuyên Quang sẽ có rất nhiều hoạt động Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ hội Thành Tuyên năm 2024.

Tổ chức tập huấn, truyền dạy văn hóa phi vật thể là một trong những hoạt động được Trấn Yên quan tâm thực hiện.

Năm 2024, huyện Trấn Yên được bố trí 665 triệu đồng để thực hiện Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục