Tác phẩm Việt tại Liên hoan thế giới Nghệ thuật vẽ trên cơ thể
- Cập nhật: Thứ hai, 17/8/2009 | 12:00:00 AM
Liên hoan thế giới nghệ thuật vẽ trên cơ thể (World body painting festival - WBPF) 2009 diễn ra tại thị trấn Seeboden, miền Nam nước Áo từ ngày 13 đến 19-7-2009 quy tụ nhiều họa sĩ đến từ 40 nước, trong đó có một nữ họa sĩ đến từ VN: Nguyễn Thị Mỹ Hạnh.
Mỹ Hạnh và một tác phẩm dự thi của nước bạn.
|
Tốt nghiệp khoa mỹ thuật ứng dụng Đại học Mỹ thuật TP.HCM, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh là một trong những người đi tiên phong ở Việt Nam về nhân tượng. Cô đã thành lập Công ty Táo Xanh với đội ngũ nhân tượng chuyên nghiệp chuyên biểu diễn tại các hội chợ, hội thảo và các sự kiện quảng cáo. Chính loại hình nhân tượng đã đưa Hạnh đến với WBPF 2009.
Là thí sinh tự do, Hạnh tự lo tiền vé máy bay và xin visa đến Áo tham gia liên hoan. Lần đầu tiên đi xa với vốn tiếng Anh chỉ đủ xã giao, Hạnh tự nhủ xem đây như... một cuộc phiêu lưu. Cô đến Áo ngày 10-7 và được vợ chồng một người bạn thân đón ở sân bay rồi cùng nhau đi xe buýt đến Seeboden, một thị trấn du lịch nổi tiếng với núi non trùng điệp, phong cảnh hữu tình. WBPF 2009 thu hút hơn 25.000 du khách.
Ngay trong ngày đầu tiên ở Seeboden, Hạnh đăng ký học các lớp ngắn hạn về nghệ thuật vẽ trên cơ thể để bổ sung kiến thức: lớp trang điểm chuyên nghiệp, lớp kỹ thuật vẽ và tư duy sáng tạo loại hình nghệ thuật này. Đa số người tham gia WBPF là những họa sĩ chuyên nghiệp đến từ các nước châu Âu và đã tham dự nhiều giải chuyên nghiệp, còn những người tham gia lần đầu tiên như Hạnh thì dự giải bán chuyên nghiệp. Cô được chú ý vì là một trong số những người châu Á hiếm hoi tại liên hoan.
Thơ ca - sức mạnh của ngôn từ
Hạnh quyết định không tham gia ngày thi đầu tiên, cô dành thời gian để quan sát, tìm hiểu quy định, cách thức thi... Thế nhưng bao nhiêu nhiệt huyết của Hạnh gần như tan biến khi thời tiết ở Seeboden đột ngột giá lạnh vào ngày thi tiếp theo khiến toàn bộ người mẫu không chịu... trút bỏ quần áo để họa sĩ vẽ vì sợ đổ bệnh, trong khi các họa sĩ thì... “biểu tình” đòi được vẽ. Riêng Hạnh đã cố thuyết phục người mẫu của cô đồng ý để cô vẽ bằng cách che kín lều để khí lạnh không tràn vào.
Tác phẩm dự thi của Mỹ Hạnh. |
Chính từ ngày thi lạnh giá ấy ý tưởng về tác phẩm dự thi của Hạnh đã được hoàn thiện hơn. Cô muốn thể hiện sức mạnh nội tại trong tâm hồn người nghệ sĩ qua chủ đề “Thơ ca - sức mạnh của ngôn từ”. “Tôi muốn vẽ những câu thơ ẩn chứa bên trong tâm hồn người nghệ sĩ, như thể những ngọn lửa đang đốt cháy bản thân họ để từ đó họ sẽ cho ra đời tác phẩm... - Hạnh nhớ lại - Khi tôi nằm co để cho ấm thì chợt nhận ra chân mình tạo thành chân chiếc đèn dầu, mông là bầu đèn, ngực ra dáng cái bóng đèn - đã có một sự tương tác rất hay giữa cơ thể phụ nữ ở tư thế đó với hình dáng cây đèn dầu VN mà tôi mang theo và muốn đưa vào tác phẩm sẽ thể hiện tại liên hoan”. Cô xách máy tính xuống sảnh chính của khách sạn phác thảo các tư thế đứng, ngồi, các động tác tay chân...
Tác giả Chris Obsn Ober (người áo) và tác phẩm đoạt giải nhất thể loại airbrush. |
Bước vào ngày thi 18-7, nhiều sự cố bất lợi xảy ra với Hạnh. Trong hành trang của Hạnh khi rời quê nhà, ngoài ba cây đèn dầu thì chẳng có dụng cụ vẽ vì cô nghĩ sang Áo sẽ mua một bộ mới. Điều Hạnh không ngờ là thị trấn Seeboden quá nhỏ đến độ không tìm đâu ra một cây airbrush (súng phun sơn). Xoay xở mọi cách, cuối cùng “ngộ biến tùng quyền” cô đành dùng hai tay để vẽ.
Khi thời gian thi trôi qua được quá nửa thì cô bạn thân mới đem đến cho cô một cây súng phun sơn nhỏ, từ đó Hạnh đã chạy đua để kịp hoàn thành tác phẩm dự thi. Thêm nữa, trong khi các họa sĩ khác đều có 2-3 phụ tá biết nghề thì Hạnh phải một mình pha màu, phối màu và vẽ. May mà Hạnh nhận được sự động viên rất lớn từ những người xung quanh, kể cả cô người mẫu.
“Ồ, cô ấy đến từ Việt Nam!”
Tác phẩm của Hạnh đã thu hút sự chú ý của nhiều khách tham quan, đặc biệt là nhiều nhà nhiếp ảnh các nước, do khi tạo hình trên cơ thể người mẫu Hạnh dùng kỹ thuật mảng - miếng, trong khi các họa sĩ phương Tây dùng airbrush thường nghiêng về tả thực. Chính lá cờ đỏ sao vàng treo ở căn lều của Hạnh cũng là một động lực lớn đối với cô.
Lá cờ Tổ quốc đã nói với bạn bè quốc tế rằng cô là người VN. Nhiều người tham dự WBPF rất ngạc nhiên khi biết Hạnh là người VN. “Tôi hi vọng qua WBPF 2009 nghệ thuật vẽ trên cơ thể VN sẽ được nhiều người biết đến và có nhiều người Việt hơn tham gia các liên hoan như thế này để được hòa mình cùng thế giới” - Hạnh mơ ước.
Các tác phẩm dự thi của nước bạn - Ảnh: Mỹ Hạnh cung cấp |
Body painting (nghệ thuật vẽ trên cơ thể) được coi là hình thức nghệ thuật thổ dân cổ xưa nhất, ngày nay vẫn tồn tại trong các lễ hội của thổ dân Úc và một số bộ lạc ở châu Phi. Nhân tượng, vẽ trên cơ thể là những nhánh nhỏ của nghệ thuật cơ thể (body art), các nhánh khác là nghệ thuật vẽ trên bàn tay, vẽ trên mặt, nghệ thuật xăm, nghệ thuật tạo những hiệu ứng đặc biệt như gắn lên người những nhánh cây, hình thù quái lạ... Liên hoan thế giới Nghệ thuật vẽ trên cơ thể được tổ chức hăng năm ở Seeboden, nơi được xem là thánh địa của môn nghệ thuật kết hợp giữa hội họa và hình thể đẹp, thu hút giới nghệ sĩ và người mẫu chuyên nghiệp cũng như nghiệp dư trên thế giới tham dự. |
(Theo TTO)
Các tin khác
Những nhà làm phim tài liệu sẽ có cơ hội được giới thiệu những sản phẩm của mình trên kênh truyền hình Discovery châu Á thông qua một cuộc thi có tên gọi “Lần đầu làm phim Việt Nam với Discovery.”
Chiều 14-8 (giờ Việt Nam), Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 20009 đã công bố Hoa hậu Hoàn vũ Panama, Diana Broce, 23 tuổi, cao 1,7m, đã vượt qua 83 người đẹp khác và giành chiến thắng trong phần thi trang phục dân tộc.
YBĐT - Chào mừng kỷ niệm 64 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, 40 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, Triển lãm Mỹ thuật khu vực III (Tây Bắc – Việt Bắc) lần thứ XIV năm 2009 được tổ chức tại tỉnh Phú Thọ từ ngày 10 đến 25/8/2009.
Les Paul, một nghệ sĩ guitar bậc thầy và người tiên phong phát minh ra cây guitar điện đã qua đời hôm qua tại New York vì viêm phổi và kiệt sức, thọ 94 tuổi.