Ai quản lý việc tìm kiếm cổ vật trái phép trong lòng sông Chảy?
- Cập nhật: Thứ sáu, 13/4/2012 | 10:12:41 AM
YBĐT - Nhiều tháng qua, mỗi khi Nhà máy Thủy điện Thác Bà đóng cửa xả thì phía hạ lưu sông Chảy lại diễn ra việc tìm kiếm cổ vật.
Một chiếc thuyền đang tìm kiếm cổ vật trong lòng sông Chảy đoạn thuộc địa bàn xã Vĩnh Kiên (huyện Yên Bình).
|
Những người tìm kiếm cổ vật ở đây cho biết, sự việc này bắt nguồn từ những người chuyên săn lùng cổ vật tung tin rằng, tuyến sông Chảy từ nghìn năm về trước đã là con đường "tơ lụa" giữa Đại Việt với Trung Hoa.
Ngay ở trong nội địa thì đây cũng là một trong những con đường giao thương chính giữa miền xuôi với miền ngược mà trung tâm buôn bán sầm uất nhất là chợ Ngọc, chợ Ngà nằm trong lòng hồ Thác Bà hiện nay.
Chính vì lẽ đó, trong lòng sông Chảy chứa rất nhiều cổ vật, vàng bạc, đá quý do tàu thuyền buôn bán bị chìm, lật lúc gặp cướp hoặc khi vượt qua những vị trí thác ghềnh hiểm nguy như đoạn Thác Bà, Thác Ông...
Bên cạnh thông tin này, những người săn lùng cổ vật còn hướng dẫn cho một số người dân mua sắm thiết bị và cách trục vớt cổ vật rồi sẽ mua lại những thứ mà dân kiếm được.
Nghe vậy, nhiều người thấy hấp dẫn đã cho rằng đây là cơ hội tốt để làm ăn nên họ sẵn sàng bỏ ra vài chục triệu đồng mua sắm máy nổ để thổi cát, đóng thuyền bè và các thiết bị lặn như máy bơm dưỡng khí, quần áo lặn, kính lặn... để hành nghề.
Theo anh T. - một người tìm kiếm cổ vật ở xã Vĩnh Kiên (huyện Yên Bình) cho biết thì dân ở mạn Đoan Hùng làm trước, sau đó dân Vĩnh Kiên mới làm theo. Lúc đầu ở Vĩnh Kiên cũng chỉ có 2 nhóm, mỗi nhóm từ 3 đến 4 người người chung vốn cùng làm.
Sau này không biết tin đồn từ đâu rằng, việc trục vớt kiếm được khá nhiều hiện vật đắt tiền, trong đó có cả những cây trâm làm bằng ngọc bán được mấy chục triệu đồng. Vậy là số nhóm người tìm kiếm cổ vật trên sông Chảy là dân xã Vĩnh Kiên hiện có khoảng 5 nhóm.
Theo họ thì việc tìm kiếm cổ vật cũng không có gì khó lắm bởi lẽ, khi nhà máy đóng cửa xả thì sông thu hẹp lại và chỉ còn từ 3 - 5 mét nước ở những vực sâu nhất.
Nước sông Chảy rất trong nên khi máy nổ thổi hết lớp cát ở đáy sông giãn ra khỏi nơi định tìm kiếm thì có bao nhiêu vật nặng còn sót lại được nghi là cổ vật đều nhìn thấy hết và được cho vào bao tải đưa lên thuyền chọn lựa.
Một người lặn để tìm kiếm có thể làm việc liên tục từ 2 giờ trở lên nhờ có sự trợ giúp của thiết bị lặn. Nhiều người trong cuộc cho biết, thực tế qua một thời gian dài làm nghề này họ cũng chưa từng kiếm được hiện vật nào bán tới vài chục triệu như tin đồn.
Hiện vật mà họ phát hiện được nhiều nhất là các loại mảnh vỡ của đồ gốm sứ, tiền cổ, công cụ, binh khí bằng đá, đồng. Những hiện vật này nếu đem bán cho những người mua bán cổ vật thì cũng chỉ bảo đảm được công lao động khoảng 200 nghìn đồng/ngày cho mỗi người tìm kiếm.
Thu nhập như vậy là khá cao so với công lao động phổ thông hiện tại nhưng cũng có người thú nhận là công việc này khá nguy hiểm do quần áo lặn chưa đáp ứng được yêu cầu sức khỏe trong điều kiện thời tiết giá lạnh phải lặn sâu, lặn kéo dài. Biểu hiện rõ nhất là sau một thời gian lặn đã có không ít trường hợp có biểu hiện giãn mạch máu, chóng mặt nhẹ, ù tai, tức ngực, ho...
Bên cạnh việc ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân thì điều đáng nói là do không có cơ quan nào ngăn chặn tình trạng này nên một lượng cổ vật rất lớn trong lòng sông Chảy đã bị thất thoát.
Theo quy định chuyên môn thì di chỉ khảo cổ học có cả ở trên cạn và dưới nước kể cả trong lòng biển khơi. Vì vậy, công tác quản lý khai quật và tìm kiếm phải thuộc cơ quan chuyên môn của Nhà nước mới được phép triển khai.
Tình trạng tìm kiếm cổ vật bừa bãi trên dòng sông Chảy như vừa qua, đã làm cho Nhà nước mất đi những cứ liệu khoa học vô cùng quan trọng để nghiên cứu về sự tiến hóa của con người trên lưu vực sông Chảy.
Đồng thời là bằng chứng rõ nhất về di chỉ Hang Hùm ở xã Tân Lập (huyện Lục Yên) chìm trong lòng hồ đã tìm thấy di cốt của người Việt cổ.
Những di vật cổ này cũng sẽ giúp chúng ta minh xác tiến trình phát triển kinh tế, xã hội, mối bang giao thương mại với bề dày hàng nghìn năm lịch sử cũng như các vấn đề liên quan đến lịch sử đấu tranh vệ quốc đã được lòng sông Chảy lưu giữ.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
Ngày 12-4, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với NXB Dân Trí, tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam tổ chức cuộc thi viết và lễ tôn vinh “Nhân tố mới thời đại Hồ Chí Minh”.
Đạo diễn trẻ Việt Tú sẽ “thế chân” đạo diễn Nguyễn Quang Dũng trong liveshow thứ 4 của chương trình “Bước nhảy hoàn vũ 2012” (BNHV) sẽ được diễn ra vào lúc 21h20 Chủ nhật tuần này tại sân Quần Ngựa (Hà Nội) và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV3.
Cuộc thi Hoa khôi Thể thao Việt Nam 2012 (Miss Sport Vietnam 2012) do Công ty Nam Hương tổ chức là cuộc thi nhan sắc dành cho các bạn gái đam mê thể thao tuổi từ 18 đến 26 (bắt đầu khởi động vòng loại vào tháng 5.2012 tại Hà Nội).
12 nghệ sĩ hát chính, 30 đội viên hợp xướng thiếu nhi và 35 đội viên hợp xướng nam, nữ của Nhà hát Nhạc kịch quốc gia Paris (Pháp) sẽ sang Việt Nam biểu diễn vở opera "L'Enfant et les Sortilèges" ("Cậu bé và những câu thần chú") - tác phẩm độc đáo, thể hiện niềm ham thích với chuyện thần tiên và cả sự tinh tế trong phối nhạc của Maurice Ravel.