Nội lực quê hương hồ Thác

  • Cập nhật: Thứ hai, 6/5/2013 | 2:57:46 PM

YBĐT - Mặc dù không còn được tỉnh Yên Bái hỗ trợ tiền song bằng những cách làm riêng hiệu quả mà phong trào xây dựng nhà văn hóa thôn, tổ nhân dân, khu phố ở huyện Yên Bình vẫn diễn ra sôi nổi.

Đồng chí Dương Văn Tiến - Bí thư Huyện ủy Yên Bình tặng quà động viên cán bộ, nhân dân thôn Ba Luồn, xã Vũ Linh nhân ngày hoàn thiện nhà văn hóa.
Đồng chí Dương Văn Tiến - Bí thư Huyện ủy Yên Bình tặng quà động viên cán bộ, nhân dân thôn Ba Luồn, xã Vũ Linh nhân ngày hoàn thiện nhà văn hóa.

Con số 14 nhà văn hóa trị giá hơn 2 tỷ đồng được xây dựng trong thời điểm này là điều không thể phủ nhận về tinh thần phát huy nội lực của những người dân nghèo trên quê hương hồ Thác.

Vườn bưởi, cam và mít của gia đình chị Nguyễn Thị Loan ở thôn Cầu Mơ, xã Đại Minh có diện tích khoảng 500m2. Hàng năm, chỉ riêng thu hoạch quả bán cũng đem về cho gia đình chị hàng chục triệu đồng. Hơn thế, lô đất này nếu đem áp giá ở thời điểm hiện tại cũng là hơn 100 triệu đồng. Thế mà khi Đảng ủy, chính quyền địa phương có chủ trương xây dựng nhà văn hóa, gia đình chị Loan đã không hề do dự mà chặt phá toàn bộ vườn cây ăn quả để hiến đất cho thôn khởi công xây dựng nhà văn hóa.

Chị Loan chia sẻ: “Ở thôn tôi, bao năm qua không xây dựng được nhà văn hóa vì không có đất, việc họp hành của thôn xóm đều phải mượn nhờ nhà dân. Hôm nay thì họp nhà này, mai lại họp nhà khác, có vấn đề gì mọi người muốn tranh luận, bàn bạc cũng ngại vì nể nang. Các cháu nhỏ cũng không có nơi vui chơi, giải trí, nhất là trong dịp nghỉ hè. Tôi nói với chồng con, ăn bao nhiêu chẳng hết, thôi thì mình hiến đất cho thôn xây dựng nhà văn hóa để đem lại lợi ích cho cộng đồng và được cả gia đình nhất trí cao”.

Cũng giống chị Loan, hộ anh Lê Hồng Giang, thương binh 1/4 ở khu phố 2, thị trấn Thác Bà tuy cuộc sống còn nhiều khốn khó nhưng cũng đã tình nguyện hiến hàng chục mét vuông đất để xây dựng nhà văn hóa. Có lẽ chưa bao giờ phong trào người dân tự nguyện hiến đất và đóng góp công sức, tiền của để xây dựng nhà văn hóa ở huyện Yên Bình lại diễn ra sôi nổi như hiện nay.

Chúng tôi có mặt tại thôn Ngòi Lẻn, xã Bạch Hà đúng vào dịp gần 100 hộ đồng bào dân tộc Cao Lan tổ chức lễ khánh thành nhà văn hóa. Không sao tả xiết niềm vui hiện hữu trên từng gương mặt của người dân bởi đây là công trình dân sinh đầu tiên trị giá gần 200 triệu đồng được xây dựng ở vùng quê nghèo hẻo lánh này lại do chính bàn tay, công sức của bà con đóng góp tạo dựng nên. Hộ anh Dương Đình Đào, dân tộc Cao Lan là hộ nghèo nhất trong 12 hộ nghèo của thôn, bốn miệng ăn chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và nghề đan rọ tôm.

 Hưởng ứng phong trào xây dựng nhà văn hóa, anh chị sẵn sàng đi làm thuê, làm mướn, tiết kiệm chi tiêu, dành dụm đủ số tiền hơn 1,2 triệu đồng và đóng góp 5 ngày công cùng bà con trong thôn làm nhà văn hóa. Anh Đào bộc bạch: “Gia đình tôi rất khó khăn, mặc dù được thôn miễn, giảm các khoản đóng góp, trong đó có việc xây dựng nhà văn hóa nhưng thấy rõ trách nhiệm của mình cũng như lợi ích chung nên vợ chồng tôi vẫn tham gia đầy đủ. Giờ nhà văn hóa được khánh thành, gia đình tôi và bà con vui lắm!”.

Cách đó không lâu cũng từ sự tự nguyện đóng góp của sức dân, niềm vui có nơi sinh hoạt cộng đồng và vui chơi cho con trẻ đã đến với hàng trăm hộ dân ở thị trấn Yên Bình. Hai công trình nhà văn hóa khang trang trị giá gần 500 triệu đồng hoàn toàn do công sức của người dân đã được đưa vào sử dụng.

Chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng nhà văn hóa khu phố, thôn, tổ nhân dân đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Khuyến khích, động viên người dân tham gia, từ năm 2006 đến năm 2010, tỉnh Yên Bái đã thực hiện chính sách hỗ trợ mỗi nhà văn hóa từ 20 đến 48 triệu đồng theo Nghị quyết số 11 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, do nhận thức của một bộ phận cán bộ cũng như người dân còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn, thậm chí không thể thực hiện được. Ấy vậy mà ở huyện Yên Bình, mặc dù không còn được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhưng phong trào làm nhà văn hóa thôn, bản, khu phố vẫn diễn ra sôi nổi.

Chị Bùi Thị Thúy - Trưởng khu phố 2, thị trấn Thác Bà chia sẻ: “Lúc đầu đi tuyên truyền, vận động, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn, một số hộ phàn nàn là tại sao ở nơi khác được tỉnh, huyện hỗ trợ tiền để làm nhà văn hóa mà mình thì lại không. Chúng tôi đã giải thích cặn kẽ để bà con hiểu và khi đã thông suốt thì ai cũng tự nguyện thực hiện. Vì thế mà chỉ trong vòng một tháng vừa tuyên truyền, vận động vừa khởi công xây dựng, nhà văn hóa trị giá hơn 200 triệu đồng của khu phố đã được khánh thành, đưa vào sử dụng. Nhiều hộ trước đây còn do dự thì nay không chỉ tự nguyện đóng góp tiền mà còn ủng hộ hàng nghìn viên gạch, bàn ghế, tăng âm, loa đài”.

Vừa nói chị Thúy vừa dẫn chúng tôi đi xem nhà văn hóa của khu phố còn thơm mùi gạch ngói. Trong những năm qua, để xây dựng các thiết chế văn hóa, đặc biệt là nhà văn hóa thôn, bản, khu phố, huyện Yên Bình đã đặc biệt quan tâm và đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong cộng đồng dân cư. Đồng thời là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tạo quĩ đất, phát huy vai trò của quần chúng, huy động được mọi nguồn lực trong dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Bằng nhiều nguồn đóng góp khác nhau, có nơi thì vận động nhân dân đóng góp, nơi thì kêu gọi con em ra ngoài làm ăn khấm khá gửi tiền về đóng góp cho quê hương, người thì đóng góp nguyên vật liệu, người lại đóng góp công sức, người đóng góp mẫu thiết kế… nên từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã khởi công xây dựng 14 nhà văn hóa, tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng, trong đó riêng quí 1 năm 2013 đã xây dựng được 2 nhà.

Qua đó đã nâng tỷ lệ số thôn, tổ, khu phố có nhà văn hóa lên trên 65%. Nhiều địa phương, tất cả thôn, tổ đều có nhà văn hóa, điển hình như thị trấn Yên Bình, thị trấn Thác Bà, xã Phú Thịnh, xã Phúc Ninh...

Năm 2013, huyện Yên Bình đặt mục tiêu phấn xây dựng 22 nhà văn hóa, bình quân mỗi xã sẽ tiến hành khởi công xây dựng ít nhất 1 nhà trở lên. Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn và các ban, ngành, đoàn thể của huyện tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động xã hội hóa trong nhân dân. Đối với những nơi chưa có quĩ đất xây dựng nhà văn hóa, huyện đã chỉ đạo chính quyền địa phương có những biện pháp cụ thể ưu tiên nguồn quĩ đất hoặc vận động nhân dân tự nguyện hiến đất và phấn đấu đến năm 2015, 100% số thôn, bản, khu phố của huyện đều có nhà văn hóa.

Kiều Mười - Đức Thành

Các tin khác
Cầu Mường Thanh hôm nay.

59 năm đã trôi qua, nhưng ký ức hào hùng, vẻ vang về chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên...

Các thành viên của ABBA trên sân khấu trong thời hoàng kim.

Sau một bộ phim và cuộc triển lãm phác họa lại hành trình của ban nhạc pop nổi tiếng Thụy Điển ABBA, ngày 7/5, Viện bảo tàng ABBA sẽ chính thức ra mắt công chúng tại thủ đô Stockholm, Thụy Điển.

Nhà văn hóa là nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của nhân dân địa phương. (Ảnh: Thi đấu thể thao trong Ngày hội toàn dân năm 2012 tại phố Tân Trung 1 - 2, phường Minh Tân - Ảnh: Thanh Thủy)

YBĐT - Ngày 4/5/2013, Ban chỉ đạo (BCĐ) phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) tỉnh đã tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện phong trào. Đồng chí Ngô Thị Chinh - Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo (BCĐ) chủ trì Hội nghị.

YBĐT - Gom nắng cho em (Tác giả: Chúy, Công ty Alpha Books phát hành) là một truyện dài, được viết lại từ câu chuyện có thật được chia sẻ trên mục Tâm sự chuyện gia đình, ở một diễn đàn dành cho các bà mẹ và dành được hơn 600.000 lượt view với hàng nghìn comment ủng hộ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục