Tuyên bố chung sau hội nghị có thể xem là một thành công của Liên minh châu Âu, với việc đạt được một số nhượng bộ quan trọng từ phía Trung Quốc.
|
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. (Ảnh minh họa)
|
Tại cuộc họp thường niên các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) - Trung Quốc lần thứ 21 tại Brussels (Bỉ), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã ra tuyên bố chung nhất trí tăng cường hợp tác và tái khẳng định cảm kết ủng hộ cơ chế đa phương.
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu và Trung Quốc đã đặt mục tiêu hoàn thành Thỏa thuận đầu tư toàn diện EU- Trung Quốc trong năm 2020, hướng tới một thỏa thuận chất lượng cao và công bằng cho cả hai bên.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh: "Chúng ta cần đẩy nhanh các cuộc đàm phán về thỏa thuận đầu tư Trung Quốc- châu Âu nhằm đạt được tiến bộ quyết định vào cuối năm nay để có thể đi tới một thỏa thuận Trung Quốc - EU chất lượng cao vào năm tới, công bằng cho các nhà đầu tư, các tổ chức từ cả hai bên và đảm bảo sự cởi mở lẫn nhau”.
Tuyên bố hoan nghênh tiến triển đạt được trong đối thoại giữa Trung Quốc và EU, cũng như cơ chế hợp tác về mạng 5G dựa trên Tuyên bố 5G ký kết năm 2015, trong đó có việc hợp tác công nghệ giữa cộng đồng doanh nghiệp.
Điểm đáng chú ý trong tuyên bố chung này là việc hai bên đều đồng ý không ép buộc chuyển giao công nghệ. Đây vốn là vấn đề gây khúc mắc giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu trong thời gian gần đây. EU nhiều lần lên tiếng chỉ trích chính sách buộc chuyển giao công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc khẳng định rằng, việc chuyển giao công nghệ là tự nguyện.
Theo giới quan sát, tuyên bố chung sau hội nghị có thể xem là một thành công của Liên minh châu Âu, với việc đạt được một số nhượng bộ quan trọng từ phía Trung Quốc. Trước đó, tại cuộc gặp với Thủ tướng Lý Khắc Cường, Chủ tịch Ủy Ban châu Âu Giăng Jean-Claude Juncker đã nhấn mạnh đến yếu tố bình đẳng trong quan hệ đầu tư thương mại. Theo đó, các doanh nghiệp châu Âu làm việc tại Trung Quốc phải được hưởng các quyền lợi tương tự như các doanh nghiệp Trung Quốc làm việc tại châu Âu.
Hồi tháng 3 vừa qua, Hội đồng châu Âu đã đề xuất kế hoạch 10 điểm nhằm tái cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt là về kinh tế, trong bối cảnh Bắc Kinh đang ngày càng đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng thiết yếu, trong đó có công nghệ liên lạc mới. Kế hoạch hành động này đánh dấu sự chuyển dịch trong lập trường của Liên minh châu Âu đối với đối tác thương mại hàng đầu Trung Quốc.
(Theo VOV)
Liên minh châu Âu EU sẵn sàng đồng ý để Anh dời ngày Brexit qua ngày 12/4, thậm chí lùi thời hạn dài nhưng với các điều kiện chặt chẽ.
Ngày 9-4, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết, quốc gia này sẽ miễn phí hoàn toàn giáo dục phổ thông kể từ năm 2021.
Hôm nay (9/4), nội các Nhật Bản chính thức thông qua việc kéo dài thời hạn trừng phạt đối với Triều Tiên.
Tính từ đầu năm 2019 tới nay, dịch tả đã cướp đi sinh mạng của hơn 300 người Yemen, buộc giới chức y tế nước này phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Sanaa.