Trưởng thôn đưa về dòng điện sáng

  • Cập nhật: Thứ ba, 10/9/2013 | 8:34:45 AM

YBĐT - Cách thị xã Nghĩa Lộ khoảng 10 km, qua những đoạn đường núi gập ghềnh dốc đá, thôn Tà Chử, xã Túc Đán (Trạm Tấu) hiện dần trước mắt chúng tôi. Ghé thăm Trưởng thôn Mùa A Chống - người đầu tiên mang điện về bản đúng lúc tại nhà anh đang tổ chức cuộc họp thôn.

Có điện, công việc may vá của chị Vàng Thị Dua ở thôn Tà Chử thuận tiện hơn rất nhiều.
Có điện, công việc may vá của chị Vàng Thị Dua ở thôn Tà Chử thuận tiện hơn rất nhiều.

Khác với những cuộc họp trước đây, dưới ánh sáng của điện lưới quốc gia, mọi người cùng nhau thảo luận các văn bản chỉ đạo của xã về triển khai công tác thu chiêm làm mùa, phòng chống lụt bão. Sau buổi họp, như thường ngày, từ già đến trẻ lại quây quần xem các chương trình phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam.

Anh Mùa A Chống mới làm trưởng thôn khoảng một năm. Khi ấy, anh mới 23 tuổi. Ý tưởng tuyên truyền, vận động bà con chung sức kéo điện về bản được anh thực hiện từ đầu năm 2013. Mới đầu vận động gặp rất nhiều trở ngại, anh tưởng chừng như không vượt qua bởi đời sống của bà con còn vô cùng khó khăn. Thôn có 39 hộ thì 38 hộ là nghèo, sức người thì có nhưng sức của thì không, cơm lúc giáp hạt không đủ ăn, áo không đủ mặc thì lấy đâu tiền đóng góp kéo điện về nhà. Anh đã cố gắng tuyên truyền, vận động, phân tích lợi ích của việc kéo điện về thôn cho bà con hiểu. “Mưa dầm thấm lâu”, bà con cuối cùng cũng đã hiểu ra và tự đóng góp tiền, ai có nhiều góp nhiều, ai nghèo hơn góp ít.

Có điện lưới quốc gia, đời sống của bà con đã đổi thay rõ rệt. Khác với bầu không khí tĩnh mịch trước đây mỗi khi màn đêm buông xuống, nay được xem ti vi, người dân đã thay đổi dần cách nghĩ, cách làm, hiểu biết sâu hơn về những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Cũng từ lúc có điện, chị em phụ nữ thôn Tà Chử phấn khởi hẳn lên bởi có thể tranh thủ may vá những chiếc váy, quần áo cho cả gia đình khi đêm về chứ không phải chờ đến khi trời sáng tranh thủ lúc đi làm nương, làm rẫy mang theo.

Ông Giàng A Giống năm nay đã bước sang tuổi 85 cho biết: “Mừng lắm! Từ nhỏ tới giờ, có bao giờ được thấy ánh điện sáng trong nhà mình đâu, tôi cũng  không dám nghĩ mình cùng bà con được xem ti vi tại bản như thế này. Trưởng thôn Chống trẻ nhưng nó tốt, nó hay nghĩ cho bà con lắm. Nó nghĩ được, nó cũng làm được đấy. Dân bản chúng tôi rất tin tưởng Trưởng thôn Chống! Từ ngày có điện, bà con học được nhiều kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi nên vụ xuân này, cán bộ xuống kiểm tra bảo lúa và ngô của thôn tốt nhất xã rồi đấy”.

Đối với trẻ em trong thôn thì điện về đã thay cho những chiếc đèn dầu tù mù. Góc học tập của các cháu giờ đây cũng sáng hơn. Thích nhất là không phải băng qua hàng chục ki-lô-mét đường rừng sang bản bên kia núi để xem nhờ ti vi nữa. Em Mùa A Vàng, năm nay 9 tuổi nói: "Từ khi bản có điện, chúng cháu vui lắm! Cháu không còn phải học bài bên cạnh bếp lửa nữa. Ở lớp học cũng có điện, những hôm mưa hay trời tối, chúng cháu không phải chờ có đủ ánh sáng để học nữa rồi".

Giờ đây, trong mỗi câu chuyện của bà con thôn Tà Chử còn có thêm cả những tin tức thời sự trên truyền hình, những thông tin bổ ích về trồng trọt, chăn nuôi, vệ sinh nơi ở.

Ông Thào A Tàng -  Chủ tịch UBND xã Túc Đán phấn khởi: “Có được sự thay đổi trong cách suy nghĩ đó là nhờ người trưởng thôn trẻ năng nổ, nhiệt tình, vì lợi ích của nhân dân. Đồng chí Mùa A Chống ngoài vận động nhân dân góp hàng trăm công lao động, còn vận động đóng góp trên 50 triệu đồng mua vật liệu, dây dẫn kéo điện về cho thôn. Đây là số tiền lớn đối với người dân vùng sâu, vùng xa khi mà thu nhập chủ yếu của họ trông vào cây ngô, cây lúa, chăn nuôi”.

Mặc dù mới một năm làm trưởng thôn nhưng anh Mùa A Chống đã tận tâm gắn bó với công việc, có được niềm tin yêu của bà con trong thôn. Ánh điện sáng khắp thôn cũng chính là sức sống mới đã đến với bản làng nghèo khó này.

 Kim Thoa

Các tin khác
Thương binh Bùi Hữu Cảo chăm sóc vườn cam.

YBĐT - Sau 4 năm tham gia nghĩa vụ quân sự và đóng quân tại chiến trường Khe Sanh (Quảng Trị), năm 1971, ông Bùi Hữu Cảo phục viên, trở về quê hương với cơ thể không còn lành lặn. Với nghị lực của anh bộ đội Cụ Hồ, ông đã không chùn bước trước khó khăn, vươn lên giữa cuộc sống đời thường.

Chăn nuôi lợn mỗi năm mang lại cho gia đình anh Se từ 70 đến 100 triệu đồng.

YBĐT - Năng động, cần cù, chịu khó, anh Mai Văn Se ở thôn Nà Chao, xã Mường Lai, huyện Lục Yên (Yên Bái) đã phát huy nội lực làm kinh tế hiệu quả ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.

Đồng chí Trần Thế Hùng (áo trắng giữa) - Bí thư Huyện ủy Văn Yên thăm mô hình sản xuất cây ngô đồi tại xã Lang Thíp.

YBĐT - Hôm nay, ở Lang Thíp, Văn Yên (Yên Bái), việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã ngày càng đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Sự lan tỏa ấy đã làm nên những chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo nên sức mạnh to lớn giúp Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã ngày càng đạt được nhiều thành tích cao hơn trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

YBĐT - Cần cù, bền bỉ, biết khai thác thế mạnh của gia đình, cựu chiến binh, thương binh hạng 4/4 Ngô Văn Hải ở thôn 6, xã Văn Lãng (Yên Bình) đã vươn lên trong cuộc sống, làm giàu trên chính đồng đất quê hương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục