Thoát nghèo bằng ý chí làm giàu
- Cập nhật: Thứ sáu, 23/8/2013 | 8:43:42 AM
YBĐT - Cần cù, bền bỉ, biết khai thác thế mạnh của gia đình, cựu chiến binh, thương binh hạng 4/4 Ngô Văn Hải ở thôn 6, xã Văn Lãng (Yên Bình) đã vươn lên trong cuộc sống, làm giàu trên chính đồng đất quê hương.
Vào bộ đội năm 1979, đến năm 1986, ông Hải phục viên trở về địa phương. Quê hương còn nghèo, gia đình còn khó khăn, ông lại bắt đầu vào một trận chiến mới, trận chiến đẩy lùi "giặc đói", "giặc nghèo". Ban đầu, ông bàn với vợ đầu tư nuôi lợn nái vừa phục vụ chăn nuôi lợn thịt vừa bán giống cho bà con có nhu cầu. Mới chăn nuôi, chưa có nhiều kinh nghiệm cộng với giá cả thị trường bấp bênh nên việc chăn nuôi của ông không có lãi.
Không nản chí, ông cùng vợ đi thăm quan các mô hình làm kinh tế hiệu quả của một số thương binh là đồng đội của ông từ thời trong quân ngũ ở Hà Tây (cũ) để học tập. Khi về, "cái máu" làm giàu càng thôi thúc ông. Với tổng quỹ đất của gia đình hơn 1ha, năm 2008, vợ chồng ông vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học, quy mô 1.000 con/lứa. Đã có lúc, đàn gà của gia đình bị dịch bệnh chết hơn 500 con, thiệt hại lên đến gần trăm triệu đồng. Tuy thất bại nhưng ông coi đó là bài học kinh nghiệm cho bản thân.
Theo ông Hải, ngoài việc mua gà giống đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, người chăn nuôi cần quan tâm tiêm phòng dịch bệnh, thường xuyên sát trùng chuồng trại, máng ăn, máng uống và phải vệ sinh tốt, hạn chế thấp nhất thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh gây ra.
Không chỉ mày mò học hỏi những người có kinh nghiệm trong chăn nuôi và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ông Hải còn là một trong những học viên tích cực tham gia các lớp tập huấn do Trạm Khuyến nông huyện tổ chức. Để chăn nuôi đạt hiệu quả cao, tận dụng được những phế phụ phẩm, nguyên liệu từ địa phương lại giảm chi phí thức ăn đầu vào, năm 2009, ông Hải đầu tư máy nghiền thức ăn và máy phát điện để phục vụ chăn nuôi của gia đình. Mỗi năm, gia đình ông nuôi khoảng 4 lứa gà, quy mô 1.000 con/lứa, các đợt vào gà gối nhau nên trong chuồng luôn duy trì hơn 2.000 con.
Chỉ tính riêng năm 2012, gia đình ông xuất bán khoảng 4.000 con gà thịt, trọng lượng trung bình mỗi con 2kg, giá bán bình quân 80.000 đồng/kg đối với gà trống và 90.000 đồng/kg đối với gà mái, sau khi trừ khi chi phí, ông thu lãi hơn 100 triệu đồng. Ông Hải chia sẻ: "Gia đình tôi nuôi gà nhiều năm nay, đã từng thất bại trong chăn nuôi, thiệt hại về kinh tế tương đối lớn.
Những kinh nghiệm mà tôi tích lũy được cộng với tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi đã giúp tôi tiếp cận tiến bộ kỹ thuật mới, áp dụng vào chăn nuôi đạt hiệu quả cao. Cái khó nhất của người chăn nuôi chúng tôi là thiếu vốn. Chăn nuôi có hiệu quả, muốn đầu tư mở rộng sản xuất nhưng lại thiếu vốn, mỗi lần làm hồ sơ ngân hàng chỉ cho vay 30 triệu đồng. Số tiền này không đủ để gia đình tôi đầu tư mở rộng quy mô xây dựng chuồng trại và quay vòng vốn sản xuất".
Không chỉ nuôi gà, với 10 sào chè Bát Tiên đang trong thời kỳ kinh doanh cũng đem lại cho gia đình ông một nguồn thu đáng kể. Nhà neo người, cứ mỗi lần chè vào thời kỳ chăm sóc, bón phân, làm cỏ hay vào lứa hái, ông phải thuê người chăm sóc và hái chè để đảm bảo chất lượng chè búp. Hàng năm, sau khi trừ mọi chi phí cũng đem lại cho gia đình ông hơn 10 triệu đồng tiền lãi từ chè. Tận dụng diện tích đồi rừng của gia đình, ông trồng hơn 100 búi hóp. Gia đình ông là một trong những địa chỉ được các thương lái tìm đến mua để làm nguyên liệu mây tre đan, phục vụ cho xây dựng và mỗi năm ông thu hơn 30 triệu đồng.
Từ hai bàn tay trắng với quyết tâm thoát nghèo, ông Hải là một trong những điển hình của phong trào cựu chiến binh phát triển kinh tế, thi đua làm giàu.
Nguyễn Thị Minh Phượng
Các tin khác
YBĐT - Những ngày học ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Mù Cang Chải, Trường Dân tộc Việt Bắc Thái Nguyên và Trường Đại học Tây Bắc, Lù A Tu, người bản Hấu Đề, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải không những là một học sinh, sinh viên học giỏi mà còn là một cây văn nghệ xuất sắc, biết gìn giữ và phát huy có hiệu quả các làn điệu dân ca mang đậm bản sắc dân tộc, đặc biệt là dân tộc Mông.
YBĐT - Để có được cơ ngơi trị giá bạc tỷ như ngày hôm nay là cả một quá trình lao động với biết bao vất vả của vợ chồng anh Đặng Văn Đính (người Dao) ở thôn 4 Vàng, xã Phúc Lợi (Lục Yên).
YBĐT - Vừa sáng ra, ông Trạch đã thấy cô em út tất tả chạy sang nhà, dáng vẻ thất thần, giọng hào hển:
YBĐT - Đã từ nhiều năm nay, bà con dân phố tổ 57, phường Minh Tân (thành phố Yên Bái) vẫn thường nhắc đến chị Trần Thị Oanh, người phụ nữ chỉ còn một cánh tay nhưng ngày ngày vẫn miệt mài làm ra những chiếc bánh đã nuôi hai con nhỏ.