Cô giáo của 14 học sinh đoạt giải tỉnh môn Sử

  • Cập nhật: Thứ hai, 11/11/2013 | 9:11:01 AM

YBĐT - Cái tin cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hòa - Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Yên Bái có 14 học sinh đạt giải kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm 2013 môn Lịch sử khiến rất nhiều người trong và ngoài ngành giáo dục hết sức thán phục.

Cô Nguyễn Thị Thanh Hòa trong một giờ lên lớp.
Cô Nguyễn Thị Thanh Hòa trong một giờ lên lớp.

Trong nhiều năm gần đây, môn Lịch sử bị coi là yếu thế hơn các môn khoa học tự nhiên và ngoại ngữ, các em học sinh ít hứng thú với môn này, vậy mà cô giáo Thanh Hòa có 14 học sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Sử thì cả 14 em đoạt giải. Phải chăng cô Hòa đã có cách đặc biệt nào đó truyền lửa cho học sinh học môn Lịch sử để hôm nay cô có một thành tích mà nhiều người phải kính nể?

Tới Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh vào những ngày đầu tháng 11. Ngôi trường thật bình yên, không ồn ào giống y như tính cách của những học trò vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số về đây học vậy.

Hẹn rồi nhưng khi tới trường cũng phải mất hồi lâu chờ đợi tôi mới có thể gặp được cô Thanh Hòa bởi cả trường hiện giờ chỉ có mình cô đảm nhiệm môn Lịch sử cho tất cả các lớp, ở tất cả các khối. Tôi đã nghĩ, cô giáo dạy môn Lịch sử có nhiều học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia như vậy chắc phải là một cô giáo lớn tuổi với cặp kính nghiêm nghị. Nhưng khác với những gì tưởng tượng, dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, cặp mắt sáng, cuốn hút người đối diện bởi nụ cười hiền hậu, lạc quan là những điều dễ dàng cảm nhận được từ cô giáo Thanh Hòa ngay lần đầu gặp gỡ.

Có lẽ chính những điều đó phần nào giúp cô Thanh Hòa có được cảm tình của các em học sinh. 7 năm công tác ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh thì tới 6 năm cô đều có học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, mỗi năm từ 2 - 8 em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, vài ba em đạt học sinh giỏi quốc gia. Năm học 2012 - 2013 vừa qua, cô có 8 em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh từ giải nhất tới giải khuyến khích và vui hơn khi có 4 em đạt học sinh giỏi quốc gia với 1 giải nhì, 1 giải ba và 2 giải khuyến khích.

Nói về những học trò cưng của mình, cô không giấu nổi xúc động: “Hai đứa (cô thân mật gọi học trò mình như vậy) được tuyển thẳng khoa Sử - Đại học Sư phạm I Hà Nội, còn đứa đạt giải khuyến khích cũng đã thi đỗ đại học với điểm rất cao. Không chỉ vậy, những em chỉ cần tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi thôi cũng đã có nhiều phần thắng trong kỳ thi đại học rồi. Đó chính là hạnh phúc của của những người giáo viên như chúng tôi đây. Học trò thành đạt là điều không gì mong đợi hơn cả”.

Năm học 2013 - 2014 mới bắt đầu chưa hết học kỳ I nhưng học trò của cô Thanh Hòa đã gặt hái được 14 giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, 2 trong số đó được vào đội tuyển tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia. Trước thắc mắc của tôi về một môn học với nhiều sự kiện, dấu mốc lịch sử dễ trở nên khô khan, khó nhớ, không hấp dẫn, vậy mà cô đã làm được điều mà không phải nhiều người có thể làm được, đó là khiến học sinh yêu thích môn Lịch sử, cô Thanh Hòa cười, nụ cười hiền hậu và lạc quan: “Tâm huyết với nghề, chỉ cần thế thôi là đủ. Vì tâm huyết rồi, tự nhiên mình sẽ tìm ra được cách tiếp cận với học trò, cách khiến các em yêu thích bài giảng, yêu mến cô giáo và từ đó yêu thích môn học”.

Cái cách mà theo cô Hòa là đơn giản ấy chẳng phải ai cũng làm được, nhất là với hoàn cảnh gia đình khó khăn như cô, chồng cô cũng là đồng nghiệp, đang đi tăng cường ở Trường THPT Mù Cang Chải, hai bên gia đình nội ngoại ở xa, hai con nhỏ học phổ thông đang trong giai đoạn cần sự sát sao của cha mẹ. Ấy vậy mà cô Hòa lạc quan lắm: “Mình không cho phép mình được ốm bởi các con cần mình, các em học sinh cần mình”. 

“Quan tâm tới học sinh, chắc chắn học sinh sẽ gắn bó với mình” dường như là khẩu hiệu của các thầy cô Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh, bởi học sinh ở đây khác hẳn với những học sinh các trường khác, các em không chỉ coi thầy cô giáo là những người truyền đạt kiến thức mà còn như cha mẹ, lo cho các em từng bữa ăn, giấc ngủ, bên các em những lúc thay đổi tâm lý... Cô Thanh Hòa cũng vậy, tuy không làm công tác chủ nhiệm nhưng cô luôn quan tâm, chia sẻ với các em học sinh, động viên các em, nhận được sự yêu mến của các em, từ đó, mỗi tiết giảng tràn đầy cảm hứng khiến học sinh say mê, yêu thích hơn. Tuy nhiên, cốt lõi của thành công của cô Thanh Hòa không chỉ có vậy. Mỗi bài giảng được cô làm mềm hóa, nhẹ nhàng hơn, thu hút lòng đam mê tìm hiểu của học trò, xen kẽ những bài học lịch sử là những bài học thực tế. 

Để có được những tiết giảng hay, hấp dẫn, trong quá trình soạn bài, cô đã không tự bằng lòng với những kiến thức trong sách giáo khoa mà luôn phải tham khảo, bổ sung tư liệu, đồng thời thường xuyên trao đổi kinh nghiệm giảng dạy với đồng nghiệp để tìm ra phương pháp hiệu quả nhất. Với chất giọng truyền cảm, từng trang sử hào hùng của dân tộc, nhất là những trận đánh giặc ngoại xâm oanh liệt của cha ông qua giọng cô thuyết trình trở nên sống động trong sự cảm thụ của học sinh.

Em Hải Yến, người Dao, Văn Yên - học sinh lớp 12C, một trong hai học sinh của trường sẽ tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm nay chia sẻ về những tiết giảng môn Lịch sử của cô Thanh Hòa: “Em chưa bao giờ được học môn Lịch sử hay, dễ hiểu như học cô Hòa. Từ ngày được học cô, mỗi dấu mốc lịch sử em đều ghi nhớ một cách dễ dàng, mỗi bài học rút ra đều gắn liền với thực tế. Em sẽ tiếp tục phấn đấu trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia tới đây để không phụ lòng cô”.

Tuy không có nhiều thời gian phụ đạo các em học sinh đội tuyển buổi tối nhưng cô tranh thủ mọi lúc mọi nơi để hóa giải những thắc mắc của các em và cô còn “quy định” với mấy đứa nhỏ: “Các em có thể hỏi cô bất cứ lúc nào, dù tối hay đêm muộn đều được. Cô rất vui nếu được các em hỏi, chỉ cần nháy máy, cô sẽ gọi lại”. Những cuộc điện thoại của cô trò cùng nói chuyện về những cuộc cách mạng trong lịch sử nhân loại, những trận chiến làm nên lịch sử Việt Nam...

Một trong những học trò thường xuyên điện thoại với cô giáo buổi đêm là cô bé Ngọc Ánh, người dân tộc Tày, huyện Yên Bình, học sinh lớp 12A chia sẻ: “Nhờ có cô Hòa mà em đã yêu thích môn Lịch sử. Em sẽ phấn đấu như chị Lý Thị Hoàn khóa trước”.

Lý Thị Hoàn mà Ngọc Anh nhắc tới là người đạt giải nhì môn Lịch sử kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2012 - 2013, em đã được tuyển thẳng vào khoa Sử, Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội. Dù đã là sinh viên nhưng Hoàn vẫn thường xuyên trao đổi, chia sẻ cùng cô giáo môn Sử về học tập cũng như cuộc sống.

Lý Thị Hoàn đã được tham dự “Lễ tuyên dương và trao thưởng học sinh đạt giải nhất - nhì - ba quốc gia môn Lịch sử tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám” và “Lễ trao giải Hoa Trạng nguyên 2013”.

Tới đây, Hoàn sẽ được nhận học bổng tại “Lễ biểu dương học sinh dân tộc thiểu số đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và đỗ thủ khoa, điểm cao kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2013” do Ủy ban Dân tộc tổ chức. Trong những lần trò chuyện, trao đổi, cô học trò nhỏ Lý Thị Hoàn đã nói với cô Thanh Hòa: “Nhờ cô mà em đã có tình yêu đặc biệt với môn Lịch sử, để tương lai của em ngày càng rộng mở”.

Không chỉ tương lai của Lý Thị Hoàn, Dương Thị Thúy (giải ba quốc gia năm 2012 - 2013), của thế hệ sau như Hải Yến, Ngọc Anh mà sẽ là tương lai rộng mở của rất nhiều những học sinh người dân tộc thiểu số ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh từ sự truyền lửa với môn Lịch sử của cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hòa.

Thanh Ba

Các tin khác
Cán bộ, chiến sỹ Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra triển khai nhiệm vụ.

YBĐT - Từ năm 2004 đến nay, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái đã tham mưu cho lãnh đạo cấp trên xây dựng nhiều văn bản quan trọng, từ đó, có chỉ đạo kịp thời, giải quyết nhiều vụ án phức tạp, đúng quy định của pháp luật.

Anh Hoàng Văn Hòa chăm sóc ruộng cà chua Ấn Độ.

YBĐT - Nhắc đến anh Hoàng Văn Hòa - Bí thư Đoàn phường Cầu Thia thì ai cũng biết. Sở hữu một xưởng máy xay xát và chăn nuôi lợn thịt cho thu nhập trên 50 triệu đồng/năm, anh Hòa là tấm gương đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) điển hình trong phát triển kinh tế của thị xã Nghĩa Lộ.

YBĐT - Hà Kim Chi - học sinh lớp 5A, là Liên đội trưởng năng động, gương mẫu, của Liên đội Trường Tiểu học Liên Sơn, huyện Văn Chấn.

Anh Tuấn chăm sóc đàn lợn.

YBĐT - Từ hiệu quả mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa của gia đình anh Tuấn, nhân dân xã Văn Lãng đã tích cực đến thăm quan, học hỏi kinh nghiệm để xây dựng mô hình tại gia đình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục