Ước mơ của Hiếu

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/1/2014 | 8:41:23 AM

YBĐT - Lớn lên trong tình thương yêu vô bờ của bà ngoại đã gần 80 tuổi và người mẹ tảo tần tật bệnh, chẳng đủ đầy tay - chân như bạn bè cùng trang lứa khác nhưng cậu bé Hà Văn Hiếu lại luôn là niềm tự hào của bà, của mẹ khi mà thành tích học tập của em luôn xếp vào tốp nhất, nhì của lớp suốt 5 năm liên tục học tập tại trường làng.

Hà Văn Hiếu trong giờ học tin học.
Hà Văn Hiếu trong giờ học tin học.

Sinh con ra với khát khao mong sao con được lành lặn để an ủi phần nào những khiếm khuyết thiệt thòi của bản thân nhưng chị Phạm Thị Tuyến ở thôn Bảo Long, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên lại phải mang chính nỗi đau mà ngày nào sinh chị ra mẹ chị đã từng chịu đựng. Đôi bàn tay, bàn chân của cậu bé Hiếu giống hệt mẹ, chỉ có hai ngón còng queo, dị dạng. Thương con, người mẹ khốn khổ này chỉ biết nuốt nước mắt vào trong chăm chỉ sớm hôm con lợn con gà lo cho con ăn học.

Bà Phạm Thị Khánh, mẹ chị Tuyến kể: “Ngày sinh con Tuyến ra, nhìn con chẳng được lành lặn đủ đầy tay chân tôi đã khóc mấy tháng trời, tưởng mù đôi mắt. Rồi con bé lớn lên đầy nghị lực. Cứ mong vào sự bù trừ, nào ngờ hạnh phúc của con cũng chẳng trọn vẹn. Thằng bé Hiếu ra đời di truyền đúng những khuyết tật của mẹ; bố nó bỏ đi, mẹ con tàn tật nuôi nhau. Thương con thương cháu, hơn 80 tuổi rồi, sớm tối con gà, con lợn, tôi vẫn đỡ đần giúp con mong sao cuộc đời mẹ con nó bớt khổ…”.

Cậu bé Hiếu chào đời chưa đầy 2 tuổi thì người cha kém trí đã rũ bỏ hai mẹ con tàn tật để lo cuộc sống mới khiến cho cái gia cảnh vốn đã nghèo của hai mẹ con càng thêm phần bần hàn, cô quạnh. Mẹ con Hiếu gánh thêm một nỗi đau khác, nỗi đau hạnh phúc nửa vời còn hơn cả nỗi đau những thiếu thừa của cơ thể. Trong ánh mắt ngây thơ của Hiếu có nỗi buồn vời vợi.

Trong tâm hồn non nớt của em đã chín chắn những nghĩ suy của một người trụ cột gia đình. Hỏi chuyện về hoàn cảnh bản thân, mắt Hiếu ánh lên niềm tự ti và thương cảm: “Cháu rất thương mẹ, thương bà nhưng cháu không cảm thấy tự ti về hoàn cảnh của mình. Bàn tay cháu chỉ có một ngón nhưng cháu vẫn viết đẹp; bàn chân chỉ có hai ngón xấu xí nhưng cháu vẫn đi được. Cháu sẽ phấn đấu học thật giỏi để trở thành họa sỹ, mai này lớn lên nuôi bà nuôi mẹ”.

Nghị lực của Hiếu được đắp bù khi hết lớp 5 trường xã lên lớp 6, em được nhập học tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyến tật tỉnh Yên Bái. Ai cũng mừng cho em nhưng sâu thẳm trong nỗi lòng của mẹ và bà vẫn canh cánh những ưu tư.

Ôm đứa cháu trai vào lòng, bà Khánh rưng rưng: “Tôi tuổi cao rồi, sống nhờ thác gửi chẳng biết thế nào, chỉ thương hai mẹ con nó, nhất là thằng cháu Hiếu côi cút, tật nguyền. Mong sao cháu nó được quan tâm học hành để mai này có được một cái nghề nuôi sống bản thân khi mẹ cháu mỗi ngày mỗi yếu đau, tật bệnh”.

 

Chăm chỉ giúp mẹ việc nhà. 

Bắt nhịp cùng các bạn trong môi trường học tập mới tại Trung tâm, Hiếu càng tự tin và nỗ lực phấn đấu vươn lên. Em được các thầy cô trực tiếp giảng dạy tại Trung tâm đánh giá rất cao năng lực và ý thức học tập dù rằng bản thân gặp không ít khó khăn.

Chia sẻ niềm vui khi nói về cậu học trò này, cô giáo Nguyễn Thị Kim Hường, giáo viên Tin, tổ trưởng chuyên môn THCS cho hay, Hiếu nhận thức nhanh lại rất cần cù, chịu khó. Với riêng môn Tin học, dù hai bàn tay khuyết tật nhưng em sử dụng bàn phím máy tính rất thành thạo; bản thân rất nỗ lực vươn lên nên được các thầy cô rất yêu quý.

Mỗi chiều thứ 7, chủ nhật, trở về với căn nhà lá đơn sơ, chẳng có gì đáng giá nhưng ấm áp tình yêu thương của bà, của mẹ, cậu bé Hiếu lại cặm cụi chăm sóc đàn gà, đàn lợn giúp bà, giúp mẹ. Nhìn mẹ sáng sáng, chiều chiều cần mẫn đi từng quán ăn bên thành phố xin từng xô nước rác về nuôi lợn, nuôi gà; mỗi đêm chỉ chợp mắt chưa đầy 4 tiếng đồng hồ lo làm lụng kiếm tiền chăm chút cho cuộc sống của ba mẹ con bà cháu, Hiếu thương mẹ một lại thương bà mười vì tuổi cao sức yếu mà vẫn canh cánh nỗi lo cho hai mẹ con.

Tìm hiểu về gia cảnh mẹ con Hiếu được biết, dù một mình tàn tật những mỗi lứa chị Tuyến vẫn chăn nuôi gần chục con lợn thịt, nuôi 2 lợn nái; một năm 3 lứa gà thả vườn, mỗi lứa vài trăm con. Lớn lên trong môi trường ấy, cậu bé Hiếu luôn tràn đầy nghị lực sống. Nghĩ về ước mơ mai này trở thành họa sỹ của em, tôi thầm mong những khát khao hiếu thảo kia sẽ thành hiện thực để ước mơ của con trẻ không là tật nguyền…      

Phạm Minh

Các tin khác
Ông Lý Văn Pẹc làm ông mờ trong một đám cưới.

YBĐT - Năm nay, ông Lý Văn Pẹc ở thôn Khe Đát, xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên (Yên Bái) lại có thêm hai người con nuôi tới vui tết. Trước tết, ông đã se duyên cho một đôi bạn trẻ.

YBĐT - Ở thôn Bản Lềnh, xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, bà con ai cũng quý mến anh Sùng A Tỉnh, 31 tuổi, dân tộc Mông, vì anh không những là bí thư chi bộ trẻ năng động, nhiệt tình với công tác Đảng mà còn là một tấm gương sáng trong lĩnh vực phát triển kinh tế hộ gia đình tại địa phương.

Các giáo dân tiêu biểu trong sản xuất, phát triển kinh tế được tặng giấy khen của UBND huyện Văn Yên.

YBĐT - Đến thôn Yên Sơn, xã Yên Phú (Văn Yên) hỏi thăm ông Bùi Văn Đông, bất kể người già hay trẻ nhỏ ai cũng biết tường tận, bởi với mọi người, ông Đông là một trong những tấm gương giáo dân tiêu biểu biết cách làm ăn phát triển kinh tế gia đình, “sống tốt đời, đẹp đạo” của địa phương.

Phàng A Giàng (bàn đầu, bên phải) đang ôn bài cùng các bạn trong lớp.

YBĐT - Đó là cậu học trò nghèo Phàng A Giàng- học sinh lớp 8, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Pá Hu đã vượt lên mọi khó khăn, cố gắng học hành chăm chỉ, trở thành tấm gương sáng của gia đình, dòng họ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục