Nhạy bén làm giàu
- Cập nhật: Thứ hai, 12/5/2014 | 3:07:47 PM
YBĐT - Theo lời giới thiệu của lãnh đạo xã, chúng tôi tìm đến gia đình anh Sùng A Lử ở bản Tà Chơ, xã Cao Phạ (Mù Cang Chải). Đây là một nông dân trẻ nhạy bén trong tiếp cận các mô hình sản xuất mới, áp dụng vào phát triển kinh tế hộ gia đình.
Kinh tế phát triển, anh Lử đã mua máy xay xát để phục vụ nhu cầu của gia đình và dân bản.
|
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất sương mù quanh năm, anh Lử cũng giống bao trai bản, chăm chỉ, thuần thục công việc làm ruộng, làm nương và đi rừng. Nhưng bên cạnh đó, anh Lử được cái hơn nhiều người cùng trang lứa là được đi học chữ, biết đọc, biết viết nên chính cái chữ đã giúp anh tiếp cận với các phương thức sản xuất mới, cách làm ăn hay, mô hình kinh tế cho thu nhập cao.
Anh Lử cho biết: “Năm 2000, khi đang theo Trường Trung cấp Nông lâm nghiệp tỉnh - nay là Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Yên Bái - tôi đã tình cờ đọc được một bài báo viết về người làm giàu nhờ trồng thảo quả. Sau khi nghiên cứu kỹ về các điều kiện thích nghi của cây thảo quả như: thổ nhưỡng, khí hậu, đặc điểm sinh trưởng và giá cả thị trường cũng như kỹ thuật trồng, chăm sóc, tốt nghiệp trở về địa phương, tôi đã cất công đi tham quan, khảo sát và nhận thấy, đất đai, khí hậu ở Cao Phạ cũng có nhiều điểm tương đồng với những vùng đất trồng thảo quả. Tôi đã đầu tư tìm mua cây giống và mua hạt về tự ươm giống trồng”.
Mới đầu, vì chưa thực sự tin tưởng sẽ thành công nên anh Lử chỉ trồng mấy trăm gốc mang tính thử nghiệm. Một năm sau, thấy cây phát triển tốt, không bị sâu bệnh, anh vui mừng và tiếp tục đầu tư thêm giống, động viên vợ con trồng tiếp. Sau 5 - 6 năm chăm chỉ mở rộng diện tích, kết hợp với chăm sóc, luỗng cỏ cho những diện tích đã trồng được, hiện nay, anh Lử có tổng diện tích trên 6ha.
Anh Lử cho biết: “Các vụ từ năm 2011 về trước thì không nhớ nhưng vụ năm 2012, tổng thu được hơn 2 tấn quả khô, giá hơn 100.000 đồng/kg cũng bán được trên 200 triệu đồng. Vụ năm 2013, do thời tiết xấu nên mất mùa, chỉ thu được hơn 1,4 tấn quả khô. Năm nay, giá lại cao hơn nên cũng bán được trên 160 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình đã mua sắm được máy xay xát, xe máy, ti vi... phục vụ sinh hoạt tốt hơn”.
Bên cạnh phát triển cây thảo quả, gia đình anh Lử còn nuôi hai con trâu lấy sức cày kéo, nuôi thường xuyên 4 - 5 con lợn mỗi năm và nuôi gà, vịt... làm thực phẩm cải thiện bữa ăn gia đình. Đưa các loại giống lúa, ngô lai mới cho năng suất, chất lượng cao vào trồng 2 vụ/năm trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp không chỉ có đủ lương thực cho gia đình quanh năm mà còn dư thừa làm thức ăn chăn nuôi.
Từ năm 2012 trở lại đây, anh Lử tiếp tục đầu tư mua nhím giống về nuôi. Cho đến nay, tuy mô hình nuôi nhím vẫn chưa phát huy hiệu quả nhưng đã giúp anh nắm được cơ bản kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc, phòng tránh, chữa trị bệnh. Từ mô hình phát triển kinh tế tổng hợp, vài năm trở lại đây, bình quân tổng thu nhập của gia đình anh Lử đạt trên 200 triệu đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho mình, anh còn nhiệt tình giúp đỡ cây, con giống và kinh nghiệm cho nhiều hộ nông dân nghèo ở địa phương cùng phát triển.
Bằng sự linh hoạt, nắm bắt kịp thời những mô hình kinh tế mới, kết hợp với ý chí và lòng quyết tâm, quyết đoán, mạnh dạn đầu tư, từ một hộ nghèo, sau hơn chục năm trồng cây thảo quả và đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gia đình anh Lử đã có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu chính đáng.
A Mua
Các tin khác
YBĐT - Cả nước đang hướng về Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2014); tôi cũng có cách kỷ niệm của riêng mình. Đó là về quê hương Trấn Yên gặp lại những chiến sỹ giải phóng năm nào, những người lính xông pha trước bom đạn kẻ thù để non sông thu về một mối như ước nguyện của Bác Hồ và toàn dân tộc Việt Nam.
YBĐT - Việc nào đồng chí Say cũng có mặt. Có người bảo đồng chí là “rỗi hơi” nhưng với đồng chí, việc nào có ích cho dân, cho bản là đồng chí làm bằng ý thức trách nhiệm của một người đảng viên. Người dân Bản Công gọi đồng chí bằng cái tên thân mật là: ông Say “mặt trận”
YBĐT - Trở về quê nhà từ những chiến trường, những người lính Cụ Hồ lại xông pha trên trận tuyến xây dựng quê hương, đất nước. Dù không vốn, không kinh nghiệm nhưng nhờ tinh thần chịu khó học hỏi, dám nghĩ dám làm, nhiều cựu chiến binh đã phát huy bản lĩnh, tinh thần người lính, vượt qua khó khăn, vươn lên làm kinh tế giỏi.
YBĐT - Đó là bà Đặng Thị Tuất - Phó bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận khu dân cư phố Phúc Xuân, phường Nguyễn Phúc - một khu dân cư nhiều năm qua luôn đạt danh hiệu tiên tiến.