Tình yêu âm nhạc của cô giáo đa tài
- Cập nhật: Thứ sáu, 31/10/2014 | 9:25:53 AM
YBĐT - Kim Phụng được biết đến là một nghệ sĩ chơi đàn tam thập lục có tiếng ở Đoàn chèo Yên Bái (nay là Đoàn Nghệ thuật Yên Bái), một cô giáo dạy nhạc cụ âm nhạc của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch tỉnh, một hội viên thuộc chuyên ngành biểu diễn của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Yên Bái.
Cô Kim Phụng hướng dẫn các em học sinh khoa Âm nhạc dân tộc chơi đàn tam thập lục. (Ảnh: Ngọc Đồng)
|
Đa tài là thế, gắn bó với âm nhạc là thế nhưng những điều đó vẫn chưa đủ để Kim Phụng thể hiện tình yêu âm nhạc cháy bỏng của mình. Có lẽ vì thế nên thời gian gần đây, chị còn phổ nhạc cho thơ và sáng tác ca khúc. Điều đặc biệt là những ca khúc chị phổ nhạc nhanh chóng được yêu thích, đón nhận và giành giải thưởng tại các kì liên hoan.
Có thể kể đến những ca khúc như: “Trước biển” đạt giải B - Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Yên Bái và giải B Liên hoan các hội văn học nghệ thuật phía Bắc tại Bắc Ninh; “Điểm tựa quê hương” - phổ thơ Trần Vân Hạc; “Đưa tôi về với sóng” phổ thơ Ngọc Chấn; “Tú Lệ trong mây” phổ thơ Ngọc Bái; “Thăm lán Nà Lừa” phổ thơ Hiền Lương…
Nói về niềm đam mê âm nhạc, Kim Phụng chia sẻ: “Tôi sinh ra, lớn lên ở Yên Bái nhưng ngày bé tôi thường được bố đưa về thăm quê nội, chính là vùng đất của những làn điệu chèo Thái Bình. Bởi thế mà tôi được tận hưởng những điệu hát ru, những tích chèo cổ, làn điệu chèo rất hay. Điều ấn tượng nhất trong tôi là được thấy các cô, các chú chơi đàn điêu luyện như múa trên phím đàn. Tôi bị cuốn hút và theo đuổi con đường nghệ thuật từ đó…”
Vậy là, niềm đam mê ấy đã giúp cô bé Kim Phụng mới 13 tuổi đã trúng tuyển vào Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc. Và cũng nhờ tình yêu với văn hóa dân tộc nên trong khi có rất nhiều loại nhạc cụ phương Tây nhưng Kim Phụng lại chọn cho mình cây đàn tam thập lục. Bởi lúc đó, chị cảm nhận được cây đàn tam thập lục có một âm thanh rất lạ, vui hay buồn đều thể hiện được trên phím đàn. Đó cũng là cây đàn đã để lại ấn tượng khó quên suốt thời thơ ấu của chị. Càng học, chị càng thấy giá trị của cây đàn tam thập lục - loại nhạc cụ có thể sử dụng trong các dàn nhạc lớn như ca múa nhạc dân tộc, dàn nhạc chèo, cải lương, quan họ Bắc Ninh.
Tốt nghiệp ra trường, Kim Phụng được giữ lại làm giáo viên của Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc. Nhưng lúc bấy giờ, đất nước vừa trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ vô cùng ác liệt, quê hương Yên Bái còn nghèo nên Kim Phụng đã quyết định không ở lại trường mà về công tác tại Đoàn chèo Yên Bái để có thể phục vụ cho quê hương nhiều hơn. Những năm tháng gắn bó với Đoàn chèo Yên Bái là quãng thời gian đong đầy kỉ niệm không thể nào quên của Kim Phụng. Chị đã vượt qua bao khó khăn của cuộc sống, gia đình để luôn toả sáng trên sân khấu, mang đến những bản nhạc cháy bỏng niềm đam mê, khát khao phục vụ đồng bào các dân tộc.
Không ngừng học hỏi từ bạn bè, đồng nghiệp, Kim Phụng tiếp tục theo học đại học tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Sau khi tốt nghiệp đại học, chị đã chuyển về công tác tại Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh (nay là Trường Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch) với chuyên ngành tam thập lục.
Từ một nghệ sĩ biểu diễn chuyển sang làm cô giáo, bên cạnh thuận lợi cũng có không ít khó khăn. Nhưng bằng tình thương với học trò các dân tộc vùng cao và tình yêu âm nhạc, chị đã mang đến cho các em bao bài giảng cháy bỏng nhiệt huyết; giúp các em thấy yêu hơn, tự hào hơn về văn hóa dân tộc và thêm yêu quê hương xứ sở. Chị luôn tâm niệm, không chỉ dạy kiến thức mà còn phải dạy cho các em biết gìn giữ và phát huy những nét đẹp, bản sắc của âm nhạc dân tộc để khi ra trường, mỗi em học sinh là một tuyên truyền viên tích cực với đồng bào trong tỉnh. Bản thân chị cũng mày mò tự học, nghiên cứu thêm về nhạc cụ các dân tộc. Từ khi trở thành giảng viên khoa Âm nhạc - Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch tỉnh, chị có thời gian gắn bó nhiều hơn với các nhạc cụ thuộc bộ gõ của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên như đàn đá, đàn Chingkram…, đặc biệt là cây đàn Trưng.
Chị chia sẻ: “Cây đàn Trưng đã đem lại cho tôi một cảm xúc, niềm đam mê đặc biệt. Nó có những âm thanh trầm bổng, thánh thót, lúc róc rách như tiếng suối chảy, lúc như tiếng chim gọi đàn, lúc như tiếng thì thầm của những đôi trai gái đang hò hẹn… Âm thanh của cây đàn Trưng cuốn hút lòng người bởi tiếng đàn Trưng mô phỏng cuộc sống tưng bừng của người dân khi được mùa màng. Với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, nương rẫy nào mà có chiếc đàn Trưng kêu to, vang xa thì rẫy đó sẽ có cây lúa nhiều bông, trái bắp to đầy hạt. Hình như các thần linh coi sóc rẫy nương cũng hài lòng với những âm thanh vui tai ấy mà phù hộ cho con người. Từ những nét đẹp của nền văn minh lúa rẫy Tây Nguyên đó, tôi ngày càng say mê và gắn bó hơn với cây đàn Trưng.”
Vừa gắn bó với cây đàn Trưng vừa trăn trở với việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy các loại nhạc cụ dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc Yên Bái, chị đã có nhiều bài viết trên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái, Tạp chí Âm nhạc… đưa ra nhiều ý kiến về nhạc cụ dân gian các dân tộc Yên Bái như pí, khèn bè… của người Thái; sáo ngang, kèn lá, đàn môi… của người Mông; sáo mũi của người Phù Lá… và đặc biệt nhấn mạnh đây là những nét đẹp văn hóa cần được lưu giữ, bảo tồn và phát huy.
Có thể nói, Kim Phụng đã dành cả cuộc đời mình cho âm nhạc, cho niềm đam mê nhạc cụ các dân tộc. Điều chị luôn trăn trở là hiện nay, số bạn trẻ có niềm đam mê, yêu thích và biết chơi các loại nhạc cụ dân gian ở Yên Bái không nhiều. Việc đào tạo các em hiểu biết về các loại nhạc cụ truyền thống, khơi dậy niềm đam mê và lòng tự hào của các em về văn hóa dân tộc là điều vô cùng cần thiết. Bởi vậy, thật đáng quý và trân trọng tấm lòng, tâm huyết của cô giáo, nghệ sĩ Kim Phụng trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các loại nhạc cụ dân gian truyền thống. Mong rằng, tình yêu và niềm đam mê của chị sẽ tiếp thêm sức mạnh cho nhiều thế hệ học trò tiếp tục theo đuổi con đường âm nhạc dân tộc vốn nhọc nhằn, khó đi.
Anh Thư
Các tin khác
YBĐT - Chị Sùng Thị Xía ở thôn Bu Cao, xã Suối Bu, huyện Văn Chấn (Yên Bái) là một trong những người phụ nữ Mông đi đầu trong phong trào học xóa mù chữ. Nhờ đi học, biết đọc, biết viết, có kiến thức, chị có thể tham khảo, tìm kiếm các tài liệu hướng dẫn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.
YBĐT - Thôn Thoi Xóa, xã Yên Thắng, huyện Lục Yên (Yên Bái) được phủ xanh bởi rất nhiều loại cây cùng những ngôi nhà sàn khang trang mới làm dọc hai bên con đường bê tông uốn lượn cho cảm nhận về cuộc sống của người dân nơi đây đang đổi thay từng ngày. Góp sức cho sự đổi mới đó phải kể đến vai trò tiên phong gương mẫu của ông Hoàng Văn Thòng, dân tộc Tày - Phó bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn.
YBĐT - 6 giờ sáng, như đã hẹn trước, tôi cùng anh Lương Xuân Tứ - Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Yên Bình ngược đường đông hồ đến xã Yên Thành để gặp một con người bình thường như mọi người nhưng đã làm được nhiều điều mà không phải bất cứ ai muốn là làm được.
YBĐT - Trong thực hiện mọi nhiệm vụ, công tác dân vận phải được đưa lên hàng đầu vì sẽ tạo ra sức mạnh toàn dân, đồng tâm hợp lực như lời dạy của Bác: “Dễ mười lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.