Hướng tới Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái lần thứ II-2014

Nữ trưởng thôn năng động

  • Cập nhật: Thứ hai, 3/11/2014 | 2:13:48 PM

YBĐT - Đến thôn Đồng Ban, xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái) hỏi chị Sa Thị Bình, nhân dân trong thôn từ già đến trẻ đều khen ngợi chị là một Trưởng thôn năng động, gương mẫu. Nhờ có sự đóng góp của chị Bình, thôn đã có nhiều đổi thay cả về kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân từng bước phát triển.

Chị Bình chăm sóc đàn trâu của gia đình.
Chị Bình chăm sóc đàn trâu của gia đình.

Trước khi làm Trưởng thôn, chị Bình cũng đã có nhiều năm tham gia công tác phụ nữ ở thôn và Hội Nông dân xã. Năm 2011, chị được dân bản tin tưởng bầu làm Trưởng thôn. Không phụ lòng tin ấy, mặc dù bận trăm công nghìn việc, chăm sóc gia đình, chồng con, chưa kể phải đi sớm về muộn nhưng chị đã vận động được chồng, con hiểu, thông cảm và cố gắng hoàn thành tốt mọi công việc.

Chị Bình cho biết: “Thôn Đồng Ban có 124 hộ với trên 500 khẩu, 99% là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo còn chiếm khá cao. Vì vậy, những năm qua, cùng với tuyên truyền, vận động bà con tích cực phát huy những thế mạnh của địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, tăng năng suất, hiệu quả trên mỗi đơn vị diện tích, tôi cũng vận động bà con đóng góp công sức làm mới, sửa sang các công trình phúc lợi trong thôn, đặc biệt là đường giao thông nông thôn để tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế”.

Năm 2011, chị vận động bà con góp công sức, lấy cát sỏi và hiến đất mở rộng nền đường, sửa mặt đường rồi xin huyện trợ giúp xe lu làm nền đường. Nhờ đó, trong thời gian ngắn, nhân dân thôn Đồng Ban đã làm xong hơn 2km đường cấp phối, giúp cho việc đi lại, giao thương hàng hóa và con em đi học được thuận lợi trong 4 mùa.

Bà Sa Thị Tám - một người dân phấn khởi chia sẻ: “Trước đây, toàn đường đất nên mỗi khi trời mưa xuống thì lầy lội, đi lại khó khăn lắm, nhất là các cháu học sinh đi học, một số cháu học lớp 1 và mầm non còn phải nghỉ học mỗi khi trời mưa. 3 năm trở lại đây, nhờ có công vận động của chị Bình, đường được mở rộng to, đẹp nên không riêng tôi mà ai cũng phấn khởi”.

Hàng năm, vào các dịp lễ, tết, chị còn cùng với các chi hội, đoàn thể làm tốt công tác thăm hỏi, động viên người già, người nghèo, gia đình chính sách, thương bệnh binh và các hộ có việc, ốm đau hoặc không may bị thiên tai, hoạn nạn để củng cố thêm mối đoàn kết, tình làng nghĩa xóm. Đặc biệt, với kinh nghiệm nhiều năm tham gia công tác xã hội, học hỏi được nhiều kiến thức trong sản xuất, chăn nuôi, chị không ngần ngại đi từng hộ dân nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tư vấn, hướng dẫn cách phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện, trình độ lao động và tiềm năng, thế mạnh của mỗi hộ.

Qua đó đã xuất hiện các hộ với những mô hình phát triển kinh tế đem lại nguồn thu nhập khá ổn định như: mô hình nuôi ong từ 70 tổ trở lên/hộ của các ông Hoàng Văn Cù, Hoàng Văn Phòng; gia đình chị Bình nuôi 4 con trâu, 2 lợn nái, 10 đến 15 con lợn thịt/lứa... Hiện thôn có trên 60 con trâu, bò và hàng nghìn con lợn, gà, vịt các loại.

Với diện tích lúa nước của thôn trên 8ha, vài năm trở lại đây, chị đã vận động nhân dân cấy 2 vụ hoàn toàn bằng các loại giống lúa lai ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hộ thiếu đói giáp hạt. Ngoài ra, nhân dân còn tích cực gieo trồng hoa màu vụ đông và trồng chè, trồng cây lâm nghiệp các loại, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống và có điều kiện tham gia các công việc tập thể, đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Với những cố gắng của chị Bình, hàng năm, đã có hàng chục hộ thoát nghèo, góp phần giảm hộ nghèo của thôn xuống còn 62 hộ năm 2013. Là thôn hạn chế về đất sản xuất, để nâng cao thu nhập cho nhân dân, chị đề xuất với địa phương, các cấp, các ngành mở thêm nhiều lớp học nghề ngắn hạn và tăng thêm nguồn vốn vay ưu đãi để nhân dân có điều kiện phát triển kinh tế tốt hơn trong thời gian tới.

A Mua  

Các tin khác
Cô Kim Phụng hướng dẫn các em học sinh khoa Âm nhạc dân tộc chơi đàn tam thập lục. (Ảnh: Ngọc Đồng)

YBĐT - Kim Phụng được biết đến là một nghệ sĩ chơi đàn tam thập lục có tiếng ở Đoàn chèo Yên Bái (nay là Đoàn Nghệ thuật Yên Bái), một cô giáo dạy nhạc cụ âm nhạc của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch tỉnh, một hội viên thuộc chuyên ngành biểu diễn của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Yên Bái.

Chị Xía (bên trái) tham gia Hội thi Chủ tịch hội phụ nữ cơ sở giỏi năm 2014.

YBĐT - Chị Sùng Thị Xía ở thôn Bu Cao, xã Suối Bu, huyện Văn Chấn (Yên Bái) là một trong những người phụ nữ Mông đi đầu trong phong trào học xóa mù chữ. Nhờ đi học, biết đọc, biết viết, có kiến thức, chị có thể tham khảo, tìm kiếm các tài liệu hướng dẫn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.

Mở đường giao thông nông thôn ở huyện Lục Yên.

YBĐT - Thôn Thoi Xóa, xã Yên Thắng, huyện Lục Yên (Yên Bái) được phủ xanh bởi rất nhiều loại cây cùng những ngôi nhà sàn khang trang mới làm dọc hai bên con đường bê tông uốn lượn cho cảm nhận về cuộc sống của người dân nơi đây đang đổi thay từng ngày. Góp sức cho sự đổi mới đó phải kể đến vai trò tiên phong gương mẫu của ông Hoàng Văn Thòng, dân tộc Tày - Phó bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn.

“Thầy” Định vẽ tranh thờ treo trong lễ Cấp sắc.

YBĐT - 6 giờ sáng, như đã hẹn trước, tôi cùng anh Lương Xuân Tứ - Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Yên Bình ngược đường đông hồ đến xã Yên Thành để gặp một con người bình thường như mọi người nhưng đã làm được nhiều điều mà không phải bất cứ ai muốn là làm được.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục