Những phụ nữ biết vượt lên đói nghèo
- Cập nhật: Thứ ba, 4/11/2014 | 2:56:32 PM
YBĐT - Chuyện như gia đình chị Trương Thị Mỹ Hiền (thôn Đức Tiến 1, xã Yên Bình, huyện Yên Bình) vươn lên thoát nghèo, trở thành một trong những điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương không còn là chuyện hiếm ở xã thuần nông này.
Chị Trương Thị Mỹ Hiền chăm sóc đàn gà của gia đình.
|
Là hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Đức Tiến 1, năm 2012, thông qua chương trình ủy thác của Hội Phụ nữ xã, gia đình chị Hiền được vay 30 triệu đồng vốn sản xuất kinh doanh. Với đồng vốn này, gia đình chị đã mua bò giống về phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, với diện tích đất rộng, gia đình chị tiếp tục đăng ký thực hiện mô hình nuôi lợn thịt và nuôi gà với quy mô hơn 50 lợn thịt và trên 1.000 con gà. Nhờ chăm chỉ làm ăn và biết quay vòng vốn, mỗi năm trừ chi phí, gia đình chị thu lãi cả trăm triệu đồng.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thủy - hội viên Chi hội Phụ nữ Bỗng cũng vậy. Năm 2012, thông qua chương trình ủy thác của Hội Phụ nữ xã, chị manh dạn vay 30 triệu đồng, thời hạn 5 năm với lãi suất ưu đãi từ nguồn vốn sản xuất kinh doanh để đầu tư trồng rừng, làm xưởng chế biến tinh bột sắn. Nhờ biết tính toán, gia đình chị đã mở rộng quy mô sang cả chế biến gỗ ván bóc và làm dịch vụ khai thác cát sỏi, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho từ 8 đến 15 lao động địa phương với mức thu nhập gần 3 triệu đồng/người/tháng. Đó chỉ là 2 trong số hơn 50 mô hình phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo tiêu biểu mà Hội Phụ nữ xã Yên Bình đã giúp đỡ thông qua các nguồn vốn vay ưu đãi ủy thác.
Hội Phụ nữ xã Yên Bình hiện có 609 hội viên, sinh hoạt ở 12 chi hội cơ sở. Xác định mục tiêu phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cải thiện, nâng cao đời sống cho hội viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Hội đặc biệt quan tâm đến phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế. Với nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả, Ban chấp hành Hội Phụ nữ xã đã xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp chỉ đạo các chi hội thực hiện chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế có hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh - Chủ tịch Hội cho biết: "Thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo, Hội đã giúp hội viên thay đổi tập quán sản xuất, cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, vận động các hội viên khá giúp đỡ các hội viên nghèo. Nhờ cách làm này, các hội viên nghèo trong xã đều được hỗ trợ giống, vốn, công lao động để phát triển kinh tế gia đình".
Để chị em có kiến thức phát triển kinh tế gia đình, hàng năm, Hội Phụ nữ xã đều phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện mở 3 - 4 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất chăn nuôi cho trên 100 lượt hội viên, mở 1 - 2 lớp tập huấn cho trên 70 hội viên phụ nữ về kỹ thuật sử dụng phân viên nén dúi sâu, phân lân trả chậm của Công ty phân bón Lào Cai để chị em biết áp dụng vào thực tế sản xuất. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho chị em có vốn phát triển kinh tế gia đình, Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã đã đứng ra tín chấp, ủy thác cho các chị em là hội viên hội phụ nữ vay vốn, tùy theo khả năng kinh doanh của từng gia đình. Đến nay, Hội Phụ nữ xã Yên Bình đang quản lý 5 tổ vay vốn với 647 lượt hội viên được vay, tổng dư nợ trên 3,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, Hội Phụ nữ xã đã vận động các hội viên có mức sống khá mỗi tháng đóng góp 5 ngàn đồng để thành lập quỹ Hội giúp đỡ các chị em có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện vay vốn để phát triển kinh tế. Đến nay, quỹ Hội đã có trên 10 triệu đồng. Đồng thời, tại các tổ vay vốn đều thành lập quỹ tiết kiệm riêng, có thể bằng thóc hoặc tiền mặt để hỗ trợ, giúp đỡ nhau khi hoạn nạn, rủi ro.
Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ xã còn duy trì sinh hoạt Câu lạc bộ "Phụ nữ với công tác khuyến nông" với 67 thành viên và gây quỹ giúp đỡ các hội viên khó khăn. Nhờ đồng vốn được vay, nhiều hội viên đã vươn lên phát triển kinh tế gia đình với nhiều mô hình như: sản xuất con rau giống, trồng rau sạch, kinh doanh hàng tạp hóa, dịch vụ máy xay xát, máy nông nghiệp, phát triển các mô hình kinh tế tổng hợp...
Nhờ đó, đời sống hội viên phụ nữ xã không ngừng được cải thiện. Nhiều gia đình chị em trước đây thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nay đã vươn lên trở thành hộ khá. Những mô hình kinh tế tổng hợp có mức thu nhập từ 70 đến 100 triệu đồng/năm xuất hiện ngày càng nhiều trong các gia đình hội viên. Hiện, xã có hơn 80% hộ hội viên phụ nữ có đời sống khá giả, chỉ còn 59 hộ phụ nữ nghèo, chiếm 9,6%.
Kinh tế phát triển, phụ nữ xã Yên Bình có điều kiện đầu tư, chăm lo cho gia đình, con cái học hành. Nhiều chị tích cực tham gia công tác xã hội, đóng góp cho các phong trào thi đua của địa phương. Liên tục nhiều năm, Hội Phụ nữ xã Yên Bình được các cấp hội đánh giá là đơn vị xuất sắc.
Lê Thanh
Các tin khác
YBĐT - Với sự năng động, sáng tạo của Giám đốc Nguyễn Văn Tư, Doanh nghiệp tư nhân Phú Thịnh, xã Tân Thịnh đã vượt qua khó khăn, trở thành một trong những đơn vị điển hình, đóng góp đáng kể vào số thu ngân sách năm 2014 của huyện Văn Chấn.
YBĐT - Đến thôn Đồng Ban, xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái) hỏi chị Sa Thị Bình, nhân dân trong thôn từ già đến trẻ đều khen ngợi chị là một Trưởng thôn năng động, gương mẫu. Nhờ có sự đóng góp của chị Bình, thôn đã có nhiều đổi thay cả về kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân từng bước phát triển.
YBĐT - Kim Phụng được biết đến là một nghệ sĩ chơi đàn tam thập lục có tiếng ở Đoàn chèo Yên Bái (nay là Đoàn Nghệ thuật Yên Bái), một cô giáo dạy nhạc cụ âm nhạc của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch tỉnh, một hội viên thuộc chuyên ngành biểu diễn của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Yên Bái.
YBĐT - Chị Sùng Thị Xía ở thôn Bu Cao, xã Suối Bu, huyện Văn Chấn (Yên Bái) là một trong những người phụ nữ Mông đi đầu trong phong trào học xóa mù chữ. Nhờ đi học, biết đọc, biết viết, có kiến thức, chị có thể tham khảo, tìm kiếm các tài liệu hướng dẫn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.