Năng động vượt khó
- Cập nhật: Thứ ba, 4/11/2014 | 8:54:14 AM
YBĐT - Với sự năng động, sáng tạo của Giám đốc Nguyễn Văn Tư, Doanh nghiệp tư nhân Phú Thịnh, xã Tân Thịnh đã vượt qua khó khăn, trở thành một trong những đơn vị điển hình, đóng góp đáng kể vào số thu ngân sách năm 2014 của huyện Văn Chấn.
Ông Nguyễn Văn Tư (đứng) - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Phú Thịnh kiểm tra hoạt động sản xuất của dây chuyền máy héo.
|
Kinh nghiệm lớn nhất để đứng vững trên thị trường của Doanh nghiệp tư nhân Phú Thịnh trong suốt 5 năm qua là chủ động tạo vùng nguyên liệu có năng suất, chất lượng; vận động người trồng chè thấy được lợi ích lâu dài, làm ăn ổn định với doanh nghiệp. Song song, để nâng cao chất lượng chè thành phẩm, doanh nghiệp đã đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, vận hành dây chuyền sản xuất bảo đảm bảo lợi ích cho công nhân lao động. Đó là tâm sự của ông Nguyễn Văn Tư - người chèo lái con thuyền kinh doanh của Doanh nghiệp tư nhân Phú Thịnh.
Bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2009, vốn điều lệ 800 triệu đồng, hoạt động của doanh nghiệp chủ yếu là sản xuất chè đen bán thành phẩm. Với ba cơ sở sản xuất chè, trụ sở chính đặt tại thôn 10, xã Tân Thịnh và 2 cơ sở tại xã Chấn Thịnh, xã Đồng Khê, dây chuyền gồm 16 máy héo, 7 máy vò, 3 máy sấy và 3 lò nhiệt, doanh nghiệp có tổng số 78 lao động, trong đó 15 người quản lý, điều hành và kế toán, còn lại là cán bộ kỹ thuật và người lao động trực tiếp sản xuất.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Tư thì vài năm trở lại đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn do giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, người trồng chè ít đầu tư chăm sóc, việc thu hái nguyên liệu bằng máy không đúng quy trình đã ảnh hưởng đến sản phẩm chè thành phẩm, dẫn đến chất lượng hạn chế, giá bán thấp, giảm doanh thu.
Gắn bó với doanh nghiệp từ những ngày đầu thành lập, hơn 5 năm nay, vợ chồng anh Lê Công Uẩn ở thôn 11, xã Tân Thịnh bằng lòng với thu nhập hiện có và luôn cố gắng lao động hết mình để cùng doanh nghiệp ổn định sản xuất. Anh Uẩn cho biết: "Tôi và công nhân ở đây được trang bị đầy đủ dụng cụ và bảo hộ lao động, thời gian làm việc bảo đảm đúng quy định. Mỗi tháng, tôi làm 20 ca, thu nhập 6 triệu đồng. Gia đình rất yên tâm và mong muốn tiếp tục được làm việc lâu dài ở doanh nghiệp Phú Thịnh". Cũng suy nghĩ như anh Uẩn, những công nhân lao động ở đây đều muốn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Hiện nay, thu nhập của người lao động đạt bình quân từ 4,5 triệu đồng đến 7 triệu đồng/người/tháng.
Trong năm 2013, doanh nghiệp thu mua 3.200 tấn chè búp tươi, sản xuất và tiêu thụ trên 800 tấn chè đen bán thành phẩm, doanh thu gần 16 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 1,3 tỷ đồng. Hết vụ chè năm 2014, dự kiến đơn vị thu mua trên 4.000 tấn chè búp tươi, sản xuất gần 1.000 tấn chè thành phẩm, doanh thu ước đạt 18 tỷ đồng. Đến hết tháng 10 năm 2014, doanh nghiệp đã nộp ngân sách 1 tỷ đồng, hiện còn phải nộp 900 triệu đồng, trong đó thuế phát sinh trong quý IV là 300 triệu đồng. Định kỳ hết tháng, doanh nghiệp tiến hành kê khai hóa đơn, đóng góp đầy đủ các khoản thuế, không có hiện tượng nộp chậm.
Ông Nguyễn Văn Tư - Giám đốc doanh nghiệp cho biết: "Việc không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước sẽ không tốt cho doanh nghiệp, trước hết là vi phạm luật thuế. Riêng đối với ngành chè, điều này càng thêm bất lợi là mất khoản thuế mà Nhà nước đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tức là sau 30 ngày xuất hàng nộp khoản thuế này, nếu khó khăn có thể sử dụng số thuế ấy vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Hơn nữa, khi lưu thông hàng hóa trên đường, nếu không có hóa đơn thuế sẽ bị các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý theo quy định. Chính vì vậy, doanh nghiệp rất chú trọng và nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước".
Thuận lợi đối với doanh nghiệp là có uy tín với người trồng chè nên đã tạo được vùng nguyên liệu ổn định, người lao động yên tâm gắn bó lâu dài, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, doanh thu năm sau cao hơn năm trước, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước. Liên tục từ năm 2010 đến nay, năm nào đơn vị cũng được tặng giấy khen vì đã chấp hành tốt chính sách thuế, trong đó 3 năm liền được Tổng cục Thuế tặng giấy khen.
Ngọc Lan
Các tin khác
YBĐT - Đến thôn Đồng Ban, xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái) hỏi chị Sa Thị Bình, nhân dân trong thôn từ già đến trẻ đều khen ngợi chị là một Trưởng thôn năng động, gương mẫu. Nhờ có sự đóng góp của chị Bình, thôn đã có nhiều đổi thay cả về kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân từng bước phát triển.
YBĐT - Kim Phụng được biết đến là một nghệ sĩ chơi đàn tam thập lục có tiếng ở Đoàn chèo Yên Bái (nay là Đoàn Nghệ thuật Yên Bái), một cô giáo dạy nhạc cụ âm nhạc của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch tỉnh, một hội viên thuộc chuyên ngành biểu diễn của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Yên Bái.
YBĐT - Chị Sùng Thị Xía ở thôn Bu Cao, xã Suối Bu, huyện Văn Chấn (Yên Bái) là một trong những người phụ nữ Mông đi đầu trong phong trào học xóa mù chữ. Nhờ đi học, biết đọc, biết viết, có kiến thức, chị có thể tham khảo, tìm kiếm các tài liệu hướng dẫn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.
YBĐT - Thôn Thoi Xóa, xã Yên Thắng, huyện Lục Yên (Yên Bái) được phủ xanh bởi rất nhiều loại cây cùng những ngôi nhà sàn khang trang mới làm dọc hai bên con đường bê tông uốn lượn cho cảm nhận về cuộc sống của người dân nơi đây đang đổi thay từng ngày. Góp sức cho sự đổi mới đó phải kể đến vai trò tiên phong gương mẫu của ông Hoàng Văn Thòng, dân tộc Tày - Phó bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn.