Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2014), 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và 68 năm ngày truyền thống lực lượng vũ trang Quân khu II

Ước nguyện của người lính già

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/12/2014 | 4:22:47 PM

YBĐT - Từ thôn Đình, xã Phúc Lộc, huyện Trấn Yên (nay là thành phố Yên Bái), người thanh niên trẻ Nguyễn Hữu Bình hăng hái lên đường nhập ngũ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước chuẩn bị bước vào giai đoạn ác liệt nhất.

Ông Nguyễn Hữu Bình luôn nâng niu, trân trọng những huân, huy chương được Đảng, Nhà nước trao tặng.
Ông Nguyễn Hữu Bình luôn nâng niu, trân trọng những huân, huy chương được Đảng, Nhà nước trao tặng.

22 năm phục vụ trong quân đội, có mặt ở những trận tuyến ác liệt nhất ở: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Nha Trang…, dù không trực tiếp cầm súng chiến đấu nhưng chiến sỹ giải phóng quân Nguyễn Hữu Bình đã có những kỷ niệm không thể nào quên về cuộc đời binh nghiệp - Những dòng tự sự cuộc đời được ông bắt đầu như một thước phim quay chậm...

“Tôi vào bộ đội tháng 4/1962, huấn luyện xong, tôi không đi B để chiến đấu như các bạn đồng ngũ mà tổ chức chọn đi học lớp văn hóa của Trường Quân chính Quân khu I. Không lâu sau đó, tôi đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Ban đầu, tôi chỉ nghĩ đó là sự lựa chọn ngẫu nhiên nhưng sau này mới biết, đó là các bước sắp xếp của tổ chức, chuẩn bị cho tôi đi học lớp cơ yếu của Bộ Tổng tham mưu để tôi vào chiến trường làm những công việc cơ mật và quan trọng. Học xong nghiệp vụ cơ yếu, tháng 10/1965, tôi vượt Trường Sơn về nhận công tác tại Trung đoàn 21, Sư đoàn 2, Quân khu V. Đơn vị chúng tôi thường xuyên có mặt tại những địa điểm ác liệt thuộc các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa.

Công việc của tôi là mã hóa các báo cáo đánh giá của thủ trưởng rồi giao cho đơn vị thông tin chuyển lên cấp trên và nhận những bản mật mã, đó là các chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên rồi dịch ra văn bản, báo cáo lại cho thủ trưởng đơn vị. Việc quân cơ là vậy, phải bảo đảm an toàn, tuyệt đối bí mật và nhanh chóng, chính xác nên luôn diễn ra trong hầm ngầm, dưới giao thông hào hoặc trong phòng kín. Cuộc đời làm cơ yếu của tôi đã mã hóa hoặc văn bản hóa hàng nghìn chỉ thị, mệnh lệnh, báo cáo… quan trọng như: đánh giá về tình hình của ta và địch trước, trong, sau mỗi trận đánh; những mệnh lệnh hành quân, chiến đấu; đôi khi, có những thông tin rất buồn như số thương vong của bộ đôi, chiến sỹ ta; ngược lại, có những bản tin rất vui tươi, đó là các tin thắng trận…

Nhưng có hai tài liệu - một giải mã và một mã hóa khiến tôi nhớ mãi. Cuối tháng 8/1969, khi thực hiện giải mã một bức điện tối mật, tôi vào hầm cá nhân, thắp đèn dầu lên, nhìn vào các dãy số, dòng chữ đã hiện lên trong đầu: “Sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất yếu, rất có thể Bác sẽ không qua khỏi. Đảng ủy cần sẵn sàng đón nhận tin đau buồn nhất, làm tốt công tác tuyên truyền cho cán bộ, chiến sỹ; biến đau thương thành hành động cách mạng; tuyệt đối không để kẻ thù lợi dụng tuyên truyền, làm lung lay tinh thần của bộ đội ta”.

Tôi chết lặng trong giây lát nhưng đã kịp bình tĩnh lại, lấy bút ghi lại cẩn thận và nhanh chóng mang nộp cho đồng chí Chính ủy Trung đoàn. Rồi điều không mong muốn nhất cũng xảy ra: Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, cán bộ, chiến sỹ ngoài mặt trận vô cùng thương tiếc Bác! Tình yêu thương đó đã biến thành lòng dũng cảm chiến đấu với những tên đế quốc và bè lũ tay sai. Nhiệm vụ đáng nhớ thứ hai là, sau khi chiến đấu và giành thắng lợi liên tiếp ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi…, một đơn vị của Trung đoàn 38, Sư đoàn 2 được lệnh tăng cường cho hải quân đi giải phóng biển đảo, tôi có mặt trong đoàn quân ấy, nhận lệnh, xuống tàu thẳng tiến ra Trường Sa.

Trước khí thế của đoàn quân giải phóng, địch thấy tháo chạy hoặc chỉ chống đỡ yếu ớt rồi đầu hàng, lá cờ giải phóng tung bay trên các đảo Trường Sa Lớn, Nam Yết, Song Tử Tây… Từ đảo Nam Yết, tôi mã hóa bản tin chiến thắng gửi về đất liền, lòng phơi phới niềm vui vì mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc đã sạch bóng thù.

Sau ngày giải phóng miền Nam, tôi tiếp tục làm nhiệm vụ cơ yếu ở Sở Chỉ huy tiền phương Quân khu II khi chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra. Năm 1984, tôi về nghỉ hưu cùng vợ con tại huyện Yên Bình với quân hàm Đại úy. Về nghỉ chế độ nhưng vẫn nhiệt tình công việc tập thể, thế là năm 1987, tôi tham gia công tác tại thị trấn. Từ năm 1990 đến năm 1999, tôi tham gia hai khóa HĐND, giữ chức Phó chủ tịch UBND thị trấn Yên Bình; từ năm 2000 đến năm 2013, là Trưởng ban Mặt trận của khu phố 10 rồi mới nghỉ hẳn khi sức khỏe không cho phép. Ước nguyện của mình là đóng góp hơn nữa cho việc làng, việc nước, phát huy truyền thống 70 năm anh hùng của quân đội ta, giữ vững bản lĩnh của 22 năm quân ngũ, 51 năm tuổi Đảng! Tiếc là tuổi 72 rồi, sức yếu quá nhưng còn sống là còn lòng nhiệt tình” - Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Bình đã nói như vậy.

 Lê Phiên

Các tin khác
Ông Bằng (phải) giới thiệu đồi mỡ trên 30 năm tuổi với cán bộ Hội Cựu chiến binh huyện và xã.

YBĐT - Phát huy tinh thần xung kích của một người lính, ông Hà Trọng Bằng ở thôn Đèo Thao, xã Cảm Ân, huyện Yên Bình (Yên Bình) không chỉ hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc mà sau khi trở về địa phương, với cuộc sống đời thường ông vẫn luôn phát huy tinh thần ấy để lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Đồng bào các dân tộc ở vùng cao Yên Bái ngày càng được quan tâm nhiều hơn trong chăm sóc sức khỏe ban đầu.

YBĐT - Sinh thời, Bác Hồ luôn dành nhiều tình cảm đặc biệt đối với ngành y tế. Có thể nói, sau đạo đức của người cán bộ cách mạng nói chung, đạo đức ngành y tế được Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn đến nhiều nhất. "Thầy thuốc phải như mẹ hiền" chính là yêu cầu Bác Hồ đặt ra trong phương châm xử thế, phương châm hành động và phục vụ của cán bộ, nhân viên ngành y đối với người bệnh.

Cô giáo, nhà văn Hoàng Kim Yên.
(Ảnh: Ngọc Đồng)

YBĐT - Yêu văn chương từ lúc còn là sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái nhưng phải đến năm 2008, khi tạm biệt mái trường Tiểu học Văn Lãng thân thương, về nhận công tác mới tại Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh, cô giáo Kim Yến mới có nhiều thời gian và điều kiện để chuyên tâm sáng tác cho thiếu nhi.

Ông Các chăm sóc đàn cá.

YBĐT - Theo chủ trương của Đảng, ông Lương Minh Các ở thôn Nhầy, xã Châu Quế Thượng (Văn Yên) đã cùng đồng bào Xa Phó từ trên các đỉnh núi, đầu nguồn các khe suối trong rừng sâu, từ bỏ cuộc sống du canh du cư về định cư tập trung thành thôn bản và học tập cách khai hoang ruộng nước, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, xây dựng đời sống mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục