“Mày râu” làm dân số giỏi

  • Cập nhật: Thứ ba, 10/2/2015 | 10:02:53 AM

YBĐT - Thông thường chỉ có phụ nữ làm công tác dân số nhưng ở vùng cao thì cánh mày râu cũng tham gia nhiệm vụ này. Anh Hờ A Chỉnh - cán bộ dân số xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải là một người như thế. Anh là 1 trong 115 cá nhân điển hình tiên tiến của ngành y tế tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2015.

Anh Hờ A Chỉnh (thứ ba, từ trái sang) nhận bằng khen của Sở Y tế tỉnh Yên Bái dành cho các cá nhân điển hình tiên tiến ngành y tế giai đoạn 2010 - 2015.
Anh Hờ A Chỉnh (thứ ba, từ trái sang) nhận bằng khen của Sở Y tế tỉnh Yên Bái dành cho các cá nhân điển hình tiên tiến ngành y tế giai đoạn 2010 - 2015.

Hờ A Chỉnh.

Anh Hờ A Chỉnh bắt đầu làm cộng tác viên dân số từ năm 2005 tại bản Tu San, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải. Tu San là bản có 100% dân số là người Mông. Địa bàn của bản khá rộng, dân số đông, dân trí thấp, tập quán lạc hậu, đi lại khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa nên công tác tuyên truyền, vận động đối tượng thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình gặp nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn nhất là tư tưởng phải có con trai, đẻ tự nhiên và lối sống đơn giản về vật chất nên thiếu quyết tâm trong phát triển kinh tế. Anh Chỉnh chia sẻ: “Việc thay đổi những nhận thức, tư tưởng lạc hậu của đồng bào mình là việc rất khó nhưng càng khó thì càng phải làm”.

Suy nghĩ này đã cho anh thêm quyết tâm làm tốt công việc của mình. Đây thật sự là việc không thể làm trong một sớm, một chiều mà phải dần dần, mưa dầm thấm lâu. Bởi vậy, những người làm công tác dân số phải kiên trì, có tâm huyết, trách nhiệm mới có thể làm được. Anh tâm sự: “Có phải đến vận động một, hai lần là người ta nghe ngay đâu mà phải đi vài lượt, có khi cả chục lần thì người ta mới nghe ra ấy chứ...”.

Trong quá trình tuyên truyền, vận động, anh Chỉnh nhận ra rằng, chỉ một mình cán bộ dân số tuyên truyền, vận động thôi chưa đủ mà cần sự vào cuộc đồng bộ của tất cả đoàn thể trong thôn. Do đó, anh thường xuyên tham mưu cho cấp ủy chi bộ và trưởng bản phối hợp với các hội, đoàn thể trong bản tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đến Trạm Y tế xã để thực hiện các biện pháp tránh thai, chăm sóc sức khỏe sinh sản; tổ chức họp nhóm, đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động đối tượng và lồng ghép cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình.

Với tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện công tác vận động đồng bào sinh ít con để có cuộc sống no ấm, sau 6 năm làm cộng tác viên dân số ở bản Tu San, anh Chỉnh được chuyển về làm cán bộ chuyên trách xã. Cả xã Nậm Có có 14 bản, giao thông đi lại khó khăn, bản xa nhất đi bộ phải mất nửa ngày thế nhưng anh vẫn thường xuyên đến các bản để tuyên truyền. Anh Chỉnh cho biết thêm: “Xã có gần 1.300 hộ với trên 7.500 nhân khẩu, trong đó có trên 1.000 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Với tư tưởng muốn có đông con nhiều cháu nên công tác tuyên truyền, vận động là rất khó khăn nhưng là người làm công tác dân số thì phải cố gắng hết sức mình giúp bà con thay đổi nhận thức và hành động”.

Từ đó, anh luôn trăn trở suy nghĩ làm thế nào để công tác dân số được hoàn thành tốt, góp sức mình vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương bằng cách vận động giảm tỷ lệ sinh, quản lý tốt phụ nữ ở lứa tuổi sinh đẻ để tuyên truyền, giáo dục, sử dụng các biện pháp tránh thai có hiệu quả, chăm sóc bà mẹ mang thai để thai phát triển khỏe mạnh. Năm 2014, anh đã vận động được hơn 200 chị em sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại như: tiêm thuốc, dùng bao cao su, đặt vòng... Anh còn tham mưu cho chính quyền xã xử lý các hộ sinh con thứ ba theo quy định của Nhà nước và theo hương ước, quy ước thôn, bản.

Là nam giới làm công tác dân số tưởng chừng lắm ngại ngùng nhưng anh Chỉnh lại khẳng định: “Đây là công việc mà tôi không ngại ngần. Ngày trước, bố mẹ tôi cũng đẻ nhiều nên khổ, vì thế tôi nghĩ lớn lên sẽ tích cực tuyên truyền cho người dân trong bản hiểu về lợi ích của việc đẻ ít con. Dân số ổn định thì kinh tế mới phát triển, con cái mới có quần áo mặc, mới được đi học, vợ chồng mới có thể làm kinh tế. Tôi sẽ luôn cố gắng tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức và hành động của người dân, góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh”.

Hoài Anh

Các tin khác
Anh Nguyễn Văn Thắng chăm sóc trang trại lợn giống.

YBĐT - Người dân thôn Hòa Bình, xã Y Can (Trấn Yên) thường gọi anh Nguyễn Văn Thắng là "Thắng còi triệu phú". Cái tên nghe mộc mạc nhưng lại gắn với tác phong và công việc của một đảng viên trẻ nơi vùng sâu nghèo khó.

Đi theo hướng chăn nuôi mới, gia đình bà Hà Thị Thùy Dương nuôi lợn bằng phương thức ủ chua thức ăn, trung bình mỗi năm suất bán 5 lứa, cho thu nhập gần 300 triệu đồng.
(Ảnh: Minh Huyền)

YBĐT - Vui vẻ, năng động là điều ai cũng có thể nhận thấy ngay từ lần đầu tiên gặp Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc An, huyện Yên Bình - Hà Thị Thùy Dương. Với vai trò "đầu tàu", bà Dương luôn cố gắng để những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chương trình, hoạt động của Hội đến gần hơn với bà con nông dân.

Vi Văn Nguyên đã phát triển được đàn trâu, bò gần 20 con.

YBĐT - Đất Yên Bình - tôi đã nghe danh những người trẻ giàu nghị lực, dám nghĩ, dám làm, thực sự là những tấm gương tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế của địa phương như: Hoàng Văn Hợp (xã Xuân Long) , Phương Đức Dũng (xã Xuân Lai) hay chàng trai đa tài Nguyễn Văn Thiệp với mô hình chăn nuôi lợn rừng cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm ở xã Vũ Linh…

Giây phút đăng quang của Phạm Thị Hà Thu tại cuộc thi “Charm of Law

YBĐT - Những ngày tháng 10 năm 2014, cái tên Phạm Thị Hà Thu - Hoa khôi Trường Đại học Luật Hà Nội đã xuất hiện khá nhiều trên các trang báo và mạng xã hội Facebook với nhiều lời khen ngợi và yêu mến. Hà Thu được biết đến không chỉ bởi là một nữ sinh dịu dàng, duyên dáng, luôn tự tin tỏa sáng trên sân khấu mà còn bởi em là một "bông hoa đẹp" đến từ núi rừng miền Tây Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục