Tìm hướng làm giàu trên bản làng quê hương khi ruộng nương ít ỏi, anh Lù Páo Câu - bản Púng Luông đã bắt đầu từ đặc sản chè Shan tuyết địa phương. Anh Câu nghĩ: "Púng Luông có giống chè ngon đến vậy, tại sao mình lại không tận dụng lợi thế này, đâu cần phải tìm kiếm cái gì xa xôi”.
Nghĩ là làm, bắt đầu từ tháng 5/2019, anh Câu thành lập cơ sở sản xuất chè Shan tuyết Púng Luông. Thuở ban đầu này, quy mô, nhà xưởng, thiết bị máy móc còn nhỏ lẻ nhưng đến cuối năm vẫn cho lợi nhuận trên 60 triệu đồng. Gần một năm sau, người đàn ông Mông ấy quyết định mua thêm máy móc, thiết bị hiện đại hơn và mở rộng quy mô nhà xưởng.
Ý chí, quyết tâm làm giàu thêm quyết liệt và mong ước xây dựng sản phẩm đặc sản của quê hương vùng cao thành thương hiệu được biết đến nhiều hơn, tháng 7/2020, anh Câu quyết định đăng ký với các cơ quan chức năng làm hồ sơ đưa chè Shan tuyết Púng Luông trở thành sản phẩm OCOP và thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Púng Luông với mục tiêu là kinh doanh nhiều mặt hàng nông nghiệp, trước mắt là sản xuất, chế biến chè xanh. Với nhiều nỗ lực, đến tháng 9/2020, sản phẩm chè Shan tuyết của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Púng Luông đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận OCOP sản phẩm đạt 3 sao năm 2020.
Anh Câu cho hay: "Sản phẩm chè Shan tuyết Púng Luông của Hợp tác xã đã và đang tạo được niềm tin dùng, trước hết là thị trường trong huyện. Tôi xác định sẽ gắn bó lâu dài với cây chè và những sản phẩm nông nghiệp khác của quê hương mình mà vươn lên làm giàu ngay ở nơi đây”.
Nếu như cây chè gắn bó với người dân ở Púng Luông bấy lâu nay thì nấm rơm lại là thứ rất mới mẻ với họ. Thế nên, trồng nấm rơm trong nhà là một hướng đi chưa từng được biết đến trên địa bàn xã, nay được khởi mở bởi người nông dân Mùa A Lẩu ở bản Nả Háng Tủa Chử. Anh Lẩu bắt đầu công việc này từ năm 2016 với quy mô nhỏ, khoảng 30 m2, sản xuất 100 - 200 bịch phôi nấm. Qua một thời gian trồng thử nghiệm, thấy hiệu quả, anh Lẩu quyết định mở rộng quy mô nhà lán, đầu tư các giàn treo trồng thêm nấm để sản xuất trở thành hàng hóa trên thị trường. Anh Lẩu vừa làm vừa học hỏi và rút ra kinh nghiệm.
"Trồng nấm không khó nhưng cần chăm chỉ, nhất là phải theo dõi thường xuyên về tình hình thời tiết, dịch bệnh, côn trùng ký sinh đẻ trứng phá hoại phôi; phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất từ nguyên liệu đầu vào, quá trình chăm sóc và thời gian thu hoạch. Nấm của gia đình làm ra sạch, không có chất kích thích hay thuốc bảo vệ thực vật nên bước đầu được người tiêu dùng địa phương đón nhận, chủ yếu là tiêu thụ cho khu vực Ngã Ba Kim” - anh Lẩu vui mừng trước những thành quả ban đầu của hướng làm ăn mình đã chọn.
Đến nay, anh Lẩu đã xây dựng được quy mô nhà lán với diện tích khoảng 100 m2, sản xuất gần 2 vạn bịch phôi nấm mỗi lứa. Hiện, với tổng sản lượng từ 1 - 1,5 tấn/năm, giá bán 50.000/kg, sau khi trừ đi các khoản chi phí, mỗi năm bình quân gia đình anh Lẩu thu lãi từ 35 - 40 triệu đồng và tạo việc làm ổn định cho 2 lao động. Tất cả mới chỉ là khởi đầu. Anh Lẩu dự định dần dần sẽ phát triển quy mô trồng nấm lên nữa, mở rộng thị trường, phát triển lâu dài.
Thu nhập 20 - 25 triệu đồng/tháng quả là điều đáng mơ ước với rất nhiều gia đình người Mông ở huyện nghèo Mù Cang Chải. Nhưng đó là điều mà hộ anh Lý A Cở - bản Nả Háng Tâu đến nay đã làm được. Không nhìn vào ruộng nương, anh Cở làm giàu từ kinh doanh, buôn bán. Ban đầu, chỉ với số vốn 15 triệu đồng, anh Cở nhập váy, áo dân tộc Mông từ Lào Cai về bán cho bà con. Thấy nhu cầu của bà con lớn, anh Cở nghĩ sao mình không bắt đầu ngay từ khâu sản xuất. Năm 2017, gia đình anh vay vốn 190 triệu đồng để mua 1 máy dập ly, rồi nhập vải về tự may váy, áo theo nhu cầu thị hiếu của bà con người Mông ở đây.
Qua thời gian sản xuất, kinh doanh, có thêm kinh nghiệm, đầu năm 2020, gia đình anh Cở đã đầu tư 300 triệu đồng mua một máy thêu và 600 triệu đồng mua một bộ máy công nghệ để mở rộng quy mô sản xuất các mặt hàng thêu dệt thổ cẩm dân tộc theo hướng công nghệ, đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú của xã hội.
Đến nay, việc sản xuất, kinh doanh không chỉ mang lại thu nhập cao cho gia đình anh Cở mà còn tạo việc làm ổn định cho một số lao động địa phương. Dự định của anh Cở vẫn còn nhiều để ước mơ làm giàu của vợ chồng anh ngày một gần thêm nữa.
Những người nông dân ấy, có người thậm chí còn trẻ tuổi nhưng đã sớm biết tư duy, tìm tòi những cách thức làm ăn phù hợp, dám thử nghiệm, dám đầu tư dù sẽ còn những khó khăn gặp phải, để cuộc sống của cả gia đình không còn chỉ trông chờ một cách khó nhọc vào những bao thóc, bao ngô trên mảnh đất vùng cao này.
Thu Hạnh