Mãi là người lính đi đầu

  • Cập nhật: Thứ ba, 27/7/2021 | 1:49:29 PM

YênBái - Với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, không ngại khó ngại khổ, bằng ý chí và nghị lực phi thường, thương binh Lương Khuyến Giang ở tổ 6, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình đã trở thành điển hình làm kinh tế giỏi, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Thương binh Lương Khuyến Giang chăm sóc đàn dê.
Thương binh Lương Khuyến Giang chăm sóc đàn dê.

Trải qua những năm tháng huấn luyện trong quân ngũ, chiến đấu trên chiến trường miền Nam ác liệt, bị thương ở bả vai do mảnh phá bom giặc đã hằn sâu trong ký ức người lính già. Năm 1977, ông Lương Khuyến Giang xuất ngũ trở về quê hương Yên Bái, hưởng chế độ thương binh hạng 4/4.

Ông Giang bộc bạch: "Mới đó mà đã hơn 40 năm trôi qua. Ngày ấy, tài sản của tôi chỉ là những vật dụng thô sơ như cái cuốc, cái cày. Tôi phải làm thêm nghề khai thác cá, tôm ở hồ Thác Bà để kiếm từng đồng lo cho gia đình”. Sau quãng thời gian dài làm lụng vất vả, ông cũng tích góp được ít tiền làm vốn. 

Với ý chí làm giàu, ông bắt tay khai hoang 7 ha đất mua cây quế giống về trồng. Ông còn thuê nhân công đào ao lớn để nuôi cá trôi, cá mè. Dù vậy, cuộc sống gia đình ông vẫn luôn bấp bênh, khi những trận mưa lũ kéo dài làm nước dâng cao cuốn đi đàn cá, ngày đêm chăm chút, gây thiệt hại nặng về kinh tế. Quyết không nản chí, ông đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi dê. Ngoài ra, ông còn nuôi thêm 10 thùng ong lấy mật. Từ đây, mô hình trang trại chăn nuôi của ông bắt đầu khởi sắc, cuộc sống gia đình dần được cải thiện.

Ngày nào cũng vậy, vợ chồng ông thức dậy từ 4 giờ sáng làm việc quần quật đến tận khuya. Những ngày trở trời, vết thương năm xưa lại đau nhức, sức khỏe và trí nhớ giảm sút, song cứ nghĩ đến gia đình, ông lại lấy đó làm động lực để vượt qua. 

Sau nhiều năm kiên trì lao động, không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi trên đài, báo và người dân địa phương đã giúp mô hình kinh tế của gia đình ông hoạt động hiệu quả, đem lại thu nhập đều đặn khoảng 200 triệu đồng/năm.

Có được cơ ngơi như ngày hôm nay là cả hành trình dài nỗ lực đi lên từ nghèo khó của ông Lương Khuyến Giang. Từ đôi bàn tay trắng vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, ông đã xây dựng được căn nhà cấp bốn khang trang, nuôi dạy các con khôn lớn trưởng thành. Hiện tại, gia đình ông vẫn duy trì nuôi 15 - 20 con dê, 7 ha quế và mở thêm dịch vụ câu cá ngay tại nhà. Năm 2020, trừ chi phí ông thu về trên 100 triệu đồng tiền lãi. 

Chị Lưu Mai Hương, cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thị trấn Yên Bình nhận xét: "Ông Lương Khuyến Giang là tấm gương điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương. Từ một hộ nghèo trong tổ, gia đình ông đã vươn lên trở thành gia đình khá giả. Thông qua mô hình này, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động các hộ dân trong thị trấn học tập và nhân rộng”.

Ngoài phát triển kinh tế, ông Lương Khuyến Giang còn có 18 năm là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh tổ dân phố số 6, thị trấn Yên Bình, nhiệt tình tham gia hoạt động hội và các phong trào đoàn thể. Ông sẵn sàng ủng hộ tiền, quyên góp cho các gia đình hội viên Cựu chiến binh trong tổ để xóa nhà tạm, nhà dột nát. Mong muốn bà con cùng nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, từ những kinh nghiệm đúc rút được qua nhiều năm, ông chia sẻ, hướng dẫn bà con kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc cây trồng. Nhiều gia đình học tập và làm theo ông đã có cuộc sống khá giả. 

Gương mẫu đi đầu trong các hoạt động, ông còn tích cực vận động bà con đóng góp xây dựng nhà văn hóa, xây dựng hố rác bảo vệ môi trường. Ông luôn tâm niệm cuộc sống là không ngừng học hỏi và cố gắng, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải sống có ích, có mục tiêu, nỗ lực vươn lên làm kinh tế giỏi để con cháu học tập, noi theo.

Dũng cảm trong thời chiến, sáng tạo trong thời bình, thương binh Lương Khuyến Giang - người lính dũng cảm, giàu nghị lực vẫn luôn nỗ lực, cống hiến, nêu gương sáng cho lớp lớp các thế hệ noi theo. Dù chiến tranh đã cướp đi một phần sức khỏe của ông nhưng không thể lấy đi trái tim khát khao cháy bỏng làm giàu cho mình, cho quê hương.
Bùi Minh

Tags thương binh Lương Khuyến Giang phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ làm kinh tế giỏi

Các tin khác
Ông Phùng Vinh Minh và anh Hà Văn Hòa bên cầu treo Khe Ngõa.

"Ô, mình chả còn trẻ đâu, cái tuổi của mình, nói như người Mông ở Gốc Sấu này, là lâu lắm rồi đấy! "Lâu lắm rồi đấy" là tuổi 70…” - chất giọng hài hước cùng nụ cười rạng rỡ của ông Phùng Vinh Minh xóa nhòa khoảng cách ngay phút đầu gặp gỡ. Ông Minh là Bí thư Chi bộ thôn, là người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thôn Trung Tâm, xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên.

Ông Lương Văn Duy trao quà cho nạn nhân chất độc da cam tại phường Yên Thịnh.

Tham gia kháng chiến chống Mỹ, ngoài những vết thương do bom đạn của kẻ thù, ông Lương Văn Duy - Chi hội trưởng Chi hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin phường Yên Thịnh- xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái còn nhiễm chất độc da cam/dioxin. Tuy tuổi cao nhưng ông vẫn luôn tận tâm với công tác Hội.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Khát (ngoài cùng bên phải) giới thiệu với lãnh đạo Hội CCB huyện, xã về quy trình sản xuất cống bi thoát nước.

Trở về sau nhiều năm phục vụ trong quân ngũ, ông Nguyễn Văn Khát - cựu chiến binh (CCB) ở thôn 4, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên đã đầu tư hàng tỷ đồng để phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD).

Bà Nguyễn Thị Thu Cống (ngồi giữa) hướng dẫn người dân đã tham gia BHXH tự nguyện, BHYT cài đặt phần mềm VssID để theo dõi quá trình tham gia của mình.

Xác định rõ vai trò “cầu nối” trong việc chuyển tải chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) đến với mọi người dân, 17 năm làm nhân viên Đại lý thu xã Báo Đáp, bà Nguyễn Thị Thu Cống đã phát triển được gần 2.300 người tham gia BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục